Phóng sự

Ám ảnh ở “làng tử thần”

Có nhiều người bảo với tôi rằng, đặc sản Quảng Trị chính là... bom đạn. Có thể đó là cách nói cường điệu hóa. Tuy nhiên, không ở nơi đâu trên đất Việt Nam này lại có nhiều thôn, nhiều làng lại được gọi bằng những cái tên hết sức đặc trưng như “làng liều”, “xóm góa phụ”, “làng tử thần”... như ở mảnh đất đầy nắng gió này.

Những quả bom mới được phát hiện trên đồi Cồn Tiên.
Những quả bom mới được phát hiện trên đồi Cồn Tiên.

Chuyện nhặt ven đường Trường Sơn

Một vòng Quảng Trị, tôi đã đi và nhìn thấy nhiều ngôi nhà tạm bợ, những bữa ăn đạm bạc, những thiếu thốn cứ bày ra trước mắt từ những ngôi nhà của nạn nhân bom mìn. Khi mà trụ cột gia đình đã ra đi, dù chiến tranh đã qua nửa đời người, để lại sau lưng những góa phụ, những đứa con mồ côi không nơi nương tựa. Chợt nhớ lại lời một góa phụ ở xã Hải Thái, huyện Gio Linh, vùng đất nằm dọc theo hàng rào điện tử McNamara khét tiếng một thời: “Nếu không có con e rằng tui đã chết theo chồng. Nhưng rồi mình cũng phải sống”.

Cũng bởi, nơi đây gần như rất ít đất trồng trọt để có thể cho mọi người sản xuất, sinh sống, một phần khác, ở những vùng cao điểm về bom mìn như huyện Gio Linh, Cam Lộ, phần lớn đều là những người dân sau chiến tranh mới chuyển về đây sinh cơ lập nghiệp. “Thời gian trước, nếu không đi tìm bom đạn thì lấy gì bỏ vào mồm, lấy gì nuôi sống gia đình. Biết là cái chết ở ngay trước mặt nhưng cũng đành nhắm mắt làm liều, chỉ biết cầu trời phật phù hộ. Đó là còn chưa kể rất nhiều trường hợp hồi trước lên rừng, cuốc rẫy cũng dính mìn, đi chơi cũng đạp phải mìn, rồi chết”, ông Trần Văn Thạch, một chủ tạp hóa ven Đường mòn Hồ Chí Minh tâm sự.

Ám ảnh ở “làng tử thần” ảnh 1

Những chứng tích bom mìn trên mảnh đất Quảng Trị.

Nhiều người tôi đã gặp đều nói rằng, nghe có vẻ buồn cười, nhưng những cán bộ của các dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ vẫn hằng ngày hoạt động không biết mệt mỏi trên mảnh đất Quảng Trị như MAG, RE NEW chưa chắc đã có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng xử lý bom mìn còn sót lại thời hậu chiến bằng...mấy ông dân cày. Họ biết rõ quả nào phải tháo thế nào để không nổ, quả nào nguy hiểm động vào là chết, quả nào an toàn, quả nào có giá trị ra sao... mà chẳng cần phải qua sách vở hay đào tạo gì hết, bởi đó là kinh nghiệm, là cuộc sống thường ngày phải đối mặt của những người dân nơi đây.

Dạo một vòng trên Đường mòn Hồ Chí Minh, chợt nhớ cách đây vài năm khi qua mảnh đất này, thì hình ảnh ấn tượng mỗi chiều về sẽ là những người cầm chiếc máy rà phế liệu lững thững từ rừng trở về, vai vác, tay bị đựng những phế phẩm chiến tranh mới đào được. Hôm nay đã khác, nhưng đâu phải những hiểm họa chết người này đã kết thúc?

Có một làng mang tên “cụt đọt”

“Cụt đọt” là nói theo tiếng miền trung, có nghĩa là cây mà không có ngọn, mất ngọn, và gần như bao nhiêu năm vẫn cứ thế, không thể phát triển lên nữa, ý chỉ những gia đình mà người chồng, người cha đã mất vì bom mìn, chỉ còn những phụ nữ cố gắng bám trụ lại, gắng nuôi con cái, sống chơi vơi như cây cỏ, bữa đói bữa no qua ngày. Đó là cách gọi hài hước nhưng không kém phần chua xót của người dân Quảng Trị đối với thôn 6, xã Hải Thái, một xã nằm ở phía tây nam của huyện Gio Linh.

Thời gian trước, thôn 6 còn mang nhiều cái tên khác như “xóm liều”, “xóm tử thần”, hay “làng góa phụ”, “xóm mồ côi”... Và giờ khi bình yên đã trở lại, sau bao nỗ lực cố gắng, không còn cảnh người dân đi rà phá bom mìn, tìm kiếm phế liệu chiến tranh đổi lấy miếng cơm như trước, người ta lại gọi thôn 6 với cái tên “xóm cụt đọt”.

Cũng bởi, rà phá phế liệu chiến tranh một thời trở thành nghề kiếm cơm của đàn ông Hải Thái trên chính mảnh đất mình đang sinh sống, nơi mà vài chục năm trước là chiến trường khốc liệt của ta và Mỹ. Cá biệt, có những thời điểm, 100% số đàn ông thôn 6 kéo nhau đi rà phá bom mìn, tìm kiếm phế liệu. Hàng loạt cái chết thương tâm cũng bắt đầu bởi hai chữ bom mìn. Xót xa tựa như chính câu ca: Sáng ra mờ mờ/ vai mang búa tạ/ đuổi theo ngọn lửa/ nổ cái ùm/ tìm không ra giọt máu...

Chiến tranh dẫu lùi xa, nhưng những gia đình có người thân gặp tai nạn trong lúc rà tìm phế liệu thì vẫn dai dẳng một nỗi đau chung, mất mát không thể bù đắp.

Đó là nhà chị Nguyễn Thị Hương, nhà bà Tạ Thị Nga, nhà bà Bùi Thị Cầm, bà Tạ Thị Thảnh... và còn rất nhiều nữa.

Với trường hợp của bà Lê Thị Bun thì lại khác. Lúc tôi hỏi, mãi bà mới ngập ngừng: “Chồng tui không chết nhưng đã đi xa...”. Hóa ra, hồi trước, xoay xở đủ thứ nghề mà gia đình bà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Chồng bà không tránh khỏi cái nghề kiếm sống từ bom đạn. Trong một lần tháo ngòi nổ, ông bị cụt mất một chân. Tưởng đã sợ hãi, nhưng không biết làm gì lại phải trở lại nghề cũ. Gắng được thời gian ngắn thì giải nghệ, ông bỏ vào nam biền biệt, giờ chẳng thấy về. Vậy là ở đấy lại có thêm một “bến không chồng”.

Những tiếng nổ thảm khốc giữa thời bình

Tôi đi dọc vùng đất này, chưa nghe ai kể việc người ta giàu lên bằng nghề rà phá phế liệu chiến tranh bao giờ. Có chăng là vài ba câu chuyện quá khứ về ai đó từng trúng quả bom tấn, bom tạ, bán cho nhà buôn được cả cây vàng. Hay chuyện về một nhóm đi tìm kiếm vô tình đụng nguyên một hầm pháo, lén lút “khai quật”, tháo kíp... rồi kiếm hơn chục triệu mỗi người. Tuy nhiên, những câu chuyện “vui” như thế này không còn nhiều, và dường như chỉ xảy ra ở thời xa lắc.

Đi đâu, cũng chỉ nghe đến những câu chuyện chết chóc bởi những gì còn sót lại của cuộc chiến tranh tàn khốc, những vụ nổ khủng khiếp vang lên như một lời cảnh tỉnh.

Hay như ở xã Trung Sơn (Gio Linh), một buổi chiều bình yên vài năm trước, người dân bỗng dưng nghe thấy một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Lúc mọi người chạy đến rừng tràm, mặt đất đã xuất hiện một hố sâu hoắm, cùng máu me vương vãi. Cả đêm soi đèn pin và cho đến tận hôm sau, họ mới gom lại hết những mảnh thi thể người xấu số để mang đi chôn. Nạn nhân được xác định là anh Lê Hữu Hà ở xã Gio Bình. Tai nạn xảy ra quá bất ngờ đến nỗi người vợ và ba đứa con thơ dại còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Ám ảnh ở “làng tử thần” ảnh 2

Gia đình ông Nguyễn Xảo có 7 người con thì chết mất 3 vì bom mìn.

Nhà ông Nguyễn Xảo (80 tuổi), ở thôn 6, Hải Thái, 7 đứa con thì 3 người đã chết chỉ vì phế tích thời hậu chiến. Một người tên Sang chả biết gì về tháo bom đạn, nhưng cứ đi lượm bán đồng nát. Đêm vì đã đi quá xa, lại lũ rừng không thể về nhà, muỗi bay như vãi trấu, thế là Sang gom củi lửa đốt sưởi ấm mà không biết ngay dưới chỗ mình đang ngồi còn sót mấy quả đạn. Đạn nổ, hôm sau mọi người mới biết tin.

Người thứ hai cùng bạn đi gặt lúa về, nhặt được quả bom bi. Lại nhân lúc buổi tối có đoàn văn công về xã biểu diễn. Muốn kiếm tiền mua vé và mua bánh kẹo ăn, người bạn mang quả mìn ra ghè lấy thuốc. Rốt cuộc mìn nổ, cả hai người đều chết. Còn người thứ ba giẫm phải mìn khi đang đốn củi. Một năm ba lần, ông Xảo nuốt nước mắt làm giỗ cho con.

Vẫn còn đó những tử thần mang tên... bom mìn

Những hình ảnh chết chóc đau thương, những vụ nổ in hằn trong tâm khảm, những con người khốn khổ cụt chân, cụt tay, mờ mắt, những “vọng phu” giữa thời bình... người dân dần từ bỏ cái nghề “tử thần” ấy. Sự bình yên đã trở về với những “làng liều”. Chiếc máy rà tìm phế liệu và những lưỡi cưa, lưỡi đục chỉ còn là hoài niệm về một thời đầy cơ cực và cũng lắm đau thương.

Nhưng cũng không ai dám chắc rằng tai họa đã hết. Khi được hỏi đến, chị Nguyễn Thị Phượng (thôn 6, Hải Thái) cho biết, mới năm ngoái, công an vẫn còn bắt được vụ buôn bán tàng trữ thuốc nổ khá lớn trong xã. “Họ bị bắt, dù có là tù tội, có khi lại tốt hơn vì nếu công an không phát hiện kịp thời, cái chết có thể đến lúc nào không biết”, chị lắc đầu ngán ngẩm.

Đó là ở đồi Cồn Tiên, trước là căn cứ C2 của Mỹ, giờ là nông trường bạt ngàn cao-su. Công nhân đi phát cỏ ở bụi rậm, liên tiếp phát hiện mấy quả bom to bằng bắp chân, nằm lộ thiên trên mặt đất, chếch ngược mũi, đành cắm biển cảnh báo nguy hiểm, rồi gọi điện báo cho dự án MAG chờ xử lý. Họ bảo, dù các dự án khắc phục hậu quả bom mìn đã hàng chục lần rà phá và tháo gỡ, nhưng chuyện thường xuyên bắt gặp bom mìn còn sót lại như thế này quá đỗi bình thường.

Chiều tàn, thấp thoáng trong các tán rừng, những tốp chuyên gia vẫn đang cần mẫn, miệt mài dò tìm những gì còn sót lại của cuộc chiến hơn 40 năm trước. Đâu đấy, ở những xóm làng, là cảnh người nông dân chân lấm tay bùn vác cuốc, thuổng trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nhưng tôi biết, đằng sau nhịp sống thanh bình đó vẫn còn lắm nỗi lo.