Kinh doanh hàng xách tay: Vẫn tấp nập, khó kiểm soát

NDO -

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15-10-2020. Tuy nhiên, trên các diễn đàn online, hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra tấp nập kẻ bán, người mua, không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hàng xách tay được rao bán sôi động trên một trang facebook.
Hàng xách tay được rao bán sôi động trên một trang facebook.

Vẫn tấp nập hoạt động
Khảo sát tại một số hội nhóm chuyên bán hàng xách tay, không khó để người tiêu dùng có thể tìm mua các mặt hàng từ sữa bột, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,... được nhập khẩu theo đường xách tay từ nước ngoài về. Hỏi mua sữa bột từ một địa chỉ cửa hàng bán online các mặt hàng sữa ngoại nhập trên mạng xã hội, chủ cửa hàng cho biết, bán đầy đủ các loại sữa ngoại như sữa Morinaga còn khoảng 320 nghìn đến 490 nghìn đồng/hộp tuỳ trọng lượng, hay sữa Meiji hộp 800 gram xách tay trực tiếp từ Nhật Bản loại cho trẻ dưới một tuổi có giá khoảng 470 nghìn đến 550 nghìn đồng/hộp, rẻ hơn hàng chính hãng đến cả trăm nghìn đồng. 

Theo chủ cửa hàng, trước đây, các loại sữa xách tay được bán rất nhiều loại nhưng bây giờ mọi người ưa dùng các thương hiệu sữa lớn và các hãng đã có hãng nhập khẩu chính thức. Tuy nhiên, các loại sữa xách tay vẫn có giá hơn hàng nhập khẩu chính hãng nên vẫn thu hút đông đảo người tiêu dùng. “Về chất lượng, nhiều người vẫn cho rằng, sữa sử dụng ở nội địa nước nhập khẩu sẽ có chất lượng, tiêu chuẩn tốt hơn hàng nhập khẩu về Việt Nam, đồng thời tránh được tình trạng hàng nhái, hàng giả do xách tay về nên vẫn yên tâm hơn”, chủ một cửa hàng bán sữa online cho biết.

Một cửa hàng mỹ phẩm khác kín đáo hơn khi sử dụng ứng dụng “nhóm kín” trên facebook để kinh doanh. Tuy nhiên, khi được hỏi về hàng hóa, chủ cửa hàng pcũng khá thoải mái khi chia sẻ khá nhiều sản phẩm son, phấn, nước hoa… với cam kết là hàng chính hãng nhập khẩu từ nước ngoài về, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ mua bán.

Không chỉ với mặt hàng sữa hay mỹ phẩm xách tay, trước đây, khi chưa có Nghị định 98, mạng xã hội Facebook và các thương hiệu nổi tiếng cũng đã nhiều lần “đánh mạnh” vào các mặt hàng thời trang túi xách, quần áo… xách tay như giảm tương tác, không nhận quảng cáo. Tuy nhiên, để có thể tồn tại, các chủ tài khoản đã sử dụng hình thức tinh vi hơn để qua mắt, kinh doanh. Đơn cử, nhãn hiệu GUCCI sẽ được các đối tượng thêm thắt, thay đổi gây nhầm lẫn như đổi thành CUCGI, CUCCI hay YSL sẽ được đổi tên thành Y.S.L… Hay các ký tự được ngăn chặn tự động như sale, free, hàng… sẽ được đổi thành s.a.l.e, Fre.e, hà.n.g… gây hiểu lầm và khó kiểm soát với người tiêu dùng và mạng xã hội.

Không chỉ những người bán hàng mà ngay chính rất nhiều người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ khi được hỏi về Nghị định này. Điều này đã vô tình trở thành nguyên nhân thúc đẩy các hoạt động buôn bán hàng hóa xách tay trên các địa chỉ online vẫn diễn ra sôi động như hiện nay. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng còn tăng nhu cầu mua hàng xách tay trong thời điểm này do các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu, tăng tương tác. 

Không chỉ dùng hàng xách tay cho mình mà mua cả cho con, chị Nguyễn Thanh Loan (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, các mặt hàng quần áo cho trẻ em, mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp, thuốc cho con… là những sản phẩm hay mua từ nguồn hàng xách tay. Đặc biệt, thời gian này cũng đang có các chương trình giảm giá lớn nên gần như mấy tháng nay đều mua sắm nhiều hơn với mục đích để sử dụng dần. “Tôi không biết đến nghị định này. Tuy nhiên, tôi vẫn thích hàng xách tay hơn hàng nhập khẩu vì cảm giác tin tưởng hơn”, chị Loan thẳng thắn chia sẻ.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-10 với các quy định rõ về mức xử phạt. Theo đó, việc bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Việc tăng mức xử phạt này sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc kiểm soát kinh doanh hàng xách tay, bởi với lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm này từ những cơ sở lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại”.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.

Do đó, theo các chuyên gia, một mặt cần nâng cao xử phạt, mặt khác, cần các giải pháp kiểm soát chặt hơn với các tài khoản bán hàng online và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bởi thực tế, việc kinh doanh hàng xách tay hiện nay vẫn được giao dịch chủ yếu qua quảng cáo miệng, hàng hóa không thể được chứng minh là chính hãng. Trong khi đó, dưới các khung khổ hội nhập, hàng nhập khẩu chính hãng về Việt Nam sẽ ngày càng có giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm bởi được kinh doanh, xuất nhập khẩu bởi các doanh nghiệp uy tín. Do đó, để không gián tiếp tiếp tay cho các vi phạm, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm cho bản thân và gia đình. Thay vì chọn hàng xách tay, hãy lựa chọn và sử dụng hàng nhập khẩu uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.