Ðẩy mạnh công tác quản lý thị trường

Những năm qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã góp phần không nhỏ trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BL, GLTM, HG) và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT), xây dựng thị trường ổn định, lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, tình hình thị trường hiện diễn ra ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô, do đó cần có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ, công chức QLTT, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Ðội Quản lý thị trường số 4 (TP Móng Cái) phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Quảng Ninh) thu giữ và tiêu hủy rau, củ, quả nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ảnh: VI THU
Ðội Quản lý thị trường số 4 (TP Móng Cái) phối hợp Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Quảng Ninh) thu giữ và tiêu hủy rau, củ, quả nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ảnh: VI THU

Còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, trong năm 2018, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 156 nghìn vụ việc, phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 490 tỷ đồng với giá trị hàng tịch thu chưa bán là hơn 92 tỷ đồng. Có được những kết quả nêu trên là do Tổng cục QLTT đã tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại một số địa bàn trọng điểm. Triển khai nhiều đoàn công tác chỉ đạo, đôn đốc, xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm QSHTT nổi cộm. Ðiển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh ung thư; kiểm tra, xử lý vi phạm xuất xứ hàng hóa với hệ thống cửa hàng MUMUSO và nhiều vụ việc khác gây bức xúc trong dư luận. Những cố gắng nêu trên bước đầu tạo được kết quả nhất định, được người dân ghi nhận.

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo Tổng Cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh, phải thẳng nhắn nhìn nhận kết quả đạt được của lực lượng QLTT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tình hình thực tế. Các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ và hoạt động tinh vi ngày càng tăng về số lượng. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Ðáng chú ý, sự phát triển của công nghệ thông tin, in-tơ-nét, mạng xã hội,... đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý. Nguyên nhân một phần là do công tác nắm thông tin, dự báo tình hình thị trường của lực lượng QLTT còn bị động, dự báo chuyên sâu còn yếu, thiếu cả về đầu mối lẫn chất lượng thông tin. Cùng với đó, chất lượng đội ngũ cán bộ QLTT không đồng đều, chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản, thậm chí có nơi yếu kém, dẫn đến những thiếu sót, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, xử lý vi phạm, gây phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Ðáng chú ý, đạo đức của một bộ phận cán bộ QLTT chưa được cải thiện, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho DN, cá nhân khi hoạt động công vụ.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, với tinh thần cầu thị, cần nghiêm túc, nghiêm khắc nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập, hạn chế của lực lượng QLTT để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề ra cách khắc phục một cách hiệu quả. Ðó là: tổ chức bộ máy nhân sự cũng như công tác phối hợp địa phương chưa hiệu quả; vấn đề kiện toàn lực lượng QLTT còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Năng lực chuyên môn, đạo đức, văn hóa ứng xử của một bộ phận cán bộ QLTT còn bất cập. Sự lạc hậu, chậm đổi mới trong nhận thức, hành động, sự lỏng lẻo trong công tác phối hợp các lực lượng khác cũng là điểm yếu của lực lượng QLTT, không phù hợp trong bối cảnh mới.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động

Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác QLTT trong điều kiện hội nhập sâu rộng kinh tế khu vực và thế giới với nguy cơ gia tăng tình trạng BL, GLTM, HG, xâm phạm QSHTT, ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 34/2018/QÐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công thương. Theo đó, Tổng cục QLTT được thành lập trên nền tảng là Cục QLTT trước đây, bộ máy được cơ cấu lại theo ngành dọc từ T.Ư tới địa phương với các Cục QLTT địa phương và liên tỉnh trực thuộc tổng cục. Từ đó, giúp sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Công thương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm về BL, GLTM, HG, xâm phạm QSHTT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo kiến nghị của Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT sau khi được kiện toàn, cần tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng QLTT, xây dựng phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp; nghiên cứu và từng bước đưa vào sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, ứng dụng kinh tế số phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Tạo bước đột phá trong chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, quản lý và xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn. Ðồng thời, tăng cường phối hợp các vụ, Cục Nghiệp vụ của tổng cục để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các quy định pháp luật cho cán bộ, công chức QLTT. Tăng cường kiểm tra, giám sát công vụ trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, kịp thời ngăn ngừa các vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Từ đó, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, đấu tranh chống BL, GLTM, HG.

Ðể khắc phục những tồn tại, yếu kém của lực lượng QLTT trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, lực lượng QLTT phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác, bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế, quyền lợi của doanh nghiệp, các tổ chức và người dân. Ðẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Ðặc biệt, phải đẩy nhanh kiện toàn bộ máy tổ chức, với lực lượng tinh thông nghiệp vụ, rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm công vụ, suy thoái đạo đức; không để xảy ra tình trạng "bình mới, rượu cũ". Ðề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; đồng thời gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh từ T.Ư đến địa phương.