Doanh nghiệp dệt may chú trọng phát triển thị trường trong nước

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) dệt may không ngừng đầu tư, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với hàng loạt sản phẩm có chất lượng, phong phú về chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các DN dệt may cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, nhất là tình trạng hàng giả, hàng nhái đang làm rối loạn thị trường.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Trung tâm Thời trang Vinatex trên phố Bà Triệu (Hà Nội).
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Trung tâm Thời trang Vinatex trên phố Bà Triệu (Hà Nội).

Mở rộng hệ thống phân phối

Sự kiện Trung tâm thời trang Vinatex (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) sau thời gian cải tạo, nâng cấp, mở bán trở lại đang thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Theo đại diện của trung tâm này, với quy mô sáu tầng, tổng diện tích hơn 2.500 m2, đây sẽ là nơi lý tưởng để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm tại đây được lựa chọn kỹ lưỡng, đều do các thương hiệu Việt nổi tiếng, có uy tín trên thị trường cung cấp, bao gồm nhiều mẫu mã đẹp, phù hợp mọi lứa tuổi; đồng thời còn có các dòng sản phẩm thời trang cao cấp được sản xuất trên các dây chuyển công nghệ hiện đại. Khách hàng có thể yên tâm, thỏa sức chọn lựa trang phục cho cả gia đình.

Cũng nằm trong “guồng quay” mở rộng hệ thống phân phối, trong hai năm qua, Tổng công ty May 10 đã cho ra đời hàng loạt các trung tâm thời trang riêng tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Centurion Group (quận Long Biên)… Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, các trung tâm của Tổng công ty được xây dựng theo các tiêu chí: thời trang châu Âu, công nghệ Nhật Bản, tiện dụng Mỹ, nhưng giá cả Việt Nam và mang đậm phong cách Việt. Dịch vụ may đo sơ-mi và véc-ton tiếp tục hoàn thiện hơn để phục vụ các khách hàng.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển thị trường trong thời gian tới, Trưởng phòng ma-két-tinh (Tổng công ty May 10) Bùi Đức Thắng cho biết, May 10 hiện có hơn 150 cửa hàng (cả trực thuộc lẫn đại lý ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm) trưng bày và bán sản phẩm trên toàn quốc. Từ nay đến cuối năm, việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp và mở rộng các cửa hàng, trung tâm thời trang có quy mô từ 200 m2 đến 300 m2, cung cấp hàng trăm mẫu mã sản phẩm sẽ tạo những lợi thế quan trọng để Tổng công ty đạt được doanh thu theo kế hoạch. Bên cạnh đó, muốn phát triển, bắt buộc các DN phải đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, kể cả làm các đơn hàng đơn lẻ, phục vụ thị hiếu thời trang của một bộ phận người tiêu dùng. Hiện tại, Tổng công ty đang chú trọng vào các đối tượng khách hàng là doanh nhân thành đạt, cán bộ, công nhân viên chức, may đồng phục cho các tổng công ty nhà nước và hướng tới thị trường nông thôn.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang Phạm Thanh Tùng cho biết, trong thời gian qua, để đạt mục tiêu doanh thu 6.000 tỷ đồng và xuất khẩu đạt 250 triệu USD vào năm 2020, Tổng công ty đã cho ra đời nhiều thương hiệu mới, như S.Pearl, HeraDG, VNU. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đầu tư, áp dụng các công nghệ hiện đại, nâng cao quản trị, và mở thêm nhiều trung tâm thời trang, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Kiểm soát hàng lậu, hàng nhái

Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Đặng Phương Dung cho biết, tình trạng hàng hóa nhập lậu qua tiểu ngạch từ Trung Quốc, Thái-lan vào Việt Nam còn nhiều. Do không phải chịu thuế cho nên sản phẩm thường có giá rẻ, khiến DN trong nước rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, công tác quản lý quyền sở hữu trí tuệ chưa được tốt, việc vi phạm bảo hộ thiết kế diễn ra tràn lan làm DN nản lòng. Tiếp đến, hàng loạt các rào cản về thủ tục hành chính, ưu đãi về thuế,… đã tạo ra sự bất bình đẳng, cạnh tranh không sòng phẳng giữa các DN. Chính vì vậy, muốn thành công trên thị trường, không chỉ ở khía cạnh DN mà Nhà nước cần vào cuộc để thúc đẩy phát triển.

Giám đốc Công ty may Quốc tế kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc Bình Dương Phan Lê Diễm Trang thừa nhận, các DN nội địa chưa có bề dày kinh nghiệm, chưa có chiến dịch xây dựng thương hiệu quốc tế để khẳng định đẳng cấp thương hiệu, cho nên việc tiếp thị phân khúc hàng dệt may cao cấp chưa đạt hiệu quả cao, khó cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đối với dòng sản phẩm giá rẻ, các DN Việt Nam cũng chưa thể cạnh tranh được với hàng nhập từ Trung Quốc, Thái-lan về giá cả cũng như mẫu mã. Do đó, muốn phát triển, các DN cần đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, chuyên nghiệp thông qua việc xác định dòng sản phẩm tham gia thị trường. Mặt khác, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất chuyên nghiệp, sản xuất các sản phẩm chất lượng, thiết kế phù hợp, theo kịp nhu cầu thời trang quốc tế. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, nhập lậu hàng hóa, nhất là tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán tràn lan trên thị trường gây bất lợi đối với hoạt động sản xuất của các DN.

Thời gian gần đây, thị trường trong nước đã có những chuyển biến tích cực, người dân có sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng theo hướng quan tâm, lựa chọn hàng Việt Nam, điều này rất thuận lợi cho DN đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường trong nước. Để chiếm lĩnh thị trường, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với các chiến lược, hướng đi hợp lý nhằm tăng sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, vốn có thế mạnh về tài chính, hệ thống phân phối và công tác quản trị nhân lực. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường khẳng định, thị trường nội địa vẫn chưa là điểm tựa vững chắc cho ngành dệt may Việt Nam. Tại khu vực nông thôn, các sản phẩm dệt may đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu không rõ nguồn gốc; trong khi ở đô thị, sản phẩm của DN nội cũng phải chạy đua về thị phần với hàng hóa nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Do đó, muốn phát triển thị trường nội địa, các DN cần có tiềm lực đủ mạnh về tài chính, có kế hoạch đầu tư, phát triển bài bản, tăng hiệu quả sản xuất. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, cả về phương thức quản lý lẫn hệ thống máy móc, thiết bị, tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời cần chủ động từ khâu nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi nhằm phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.