Dự thảo Thông tư hàng hóa Made in Vietnam

Bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam

NDO -

NDĐT - Đạt hàm lượng giá trị gia tăng 30% là hàng hóa Việt Nam; Không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp… đó là những điểm đáng lưu ý của dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công thương xây dựng và lấy ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia…

Dự thảo Thông tư hàng hóa Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hàng hóa và các DN Việt Nam làm ăn chân chính.
Dự thảo Thông tư hàng hóa Made in Vietnam được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hàng hóa và các DN Việt Nam làm ăn chân chính.

Tạo hành lang pháp lý cho hàng Việt
Cách đây khoảng 10 năm, để sản phẩm dệt may bán tốt trên thị trường, DN thường gắn mác hàng nhập khẩu, hoặc “hàng Việt Nam xuất khẩu”. Tuy nhiên đến nay, không ít DN đã chọn cách gắn mác hàng Việt Nam để thu hút người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, thực trạng này cũng diễn ra với nhiều hàng hóa khác, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các DN, cơ quan chức năng trong việc khẳng định chất lượng và sức cạnh tranh của hàng Việt, song nhiều DN đã lợi dụng khe hở của pháp luật và xuất xứ Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng và trục lợi. Đây cũng là lý do Bộ Công thương xây dựng và lấy ý kiến các chuyên gia, DN về dự thảo Thông tư hàng hóa Made in Vietnam.

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, hiện tượng giả mạo hàng hóa xuất xứ Việt Nam để lưu thông trong nước và xuất khẩu không phải bây giờ mới diễn ra, mà đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ, nguy cơ này nhiều hơn hay giảm bớt đi.

Bà Trần Thị Thu Hương cho rằng: “Hiện nay, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra, nguy cơ này tăng cao. Do đó, nguy cơ trong giai đoạn hiện nay có thể nói là rất lớn, cần những văn bản quy phạm pháp luật để chặn đứng tình trạng này”.

Theo đó, Dự thảo Thông tư Made in Vietnam quy định rõ, về nguyên tắc, Thông tư sẽ áp dụng cho cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu hàng nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn mác thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam thì khi lưu thông trên thị trường, việc ghi nước xuất xứ sẽ được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Thông tư của Bộ Công thương không điều chỉnh các trường hợp này.

Tuy nhiên, nếu hàng nhập khẩu gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là “hàng Việt Nam” thì sẽ là đối tượng áp dụng của Thông tư. Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam, trước khi cho phép hàng hóa được thông quan.

Hàng hóa được phép thể hiện là hàng Việt Nam trong hai trường hợp: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy, hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 dự thảo Thông tư; Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của dự thảo Thông tư. Hàng hóa đạt giá trị gia tăng 30% được coi là hàng hóa Việt Nam.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ 30% này là khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử, trong Hiệp định Thương mại tự do hàng hóa ASEAN (ATIGA), hàm lượng giá trị gia tăng phải đạt 40% mới được coi là đáp ứng xuất xứ hàng hóa và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Nhưng tại thông tư này, tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ là 30%.

Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN chia sẻ, hàm lượng giá trị gia tăng 30% là tỷ lệ hợp lý. Con số này từng xuất hiện tại các nghị định và thông tư hướng dẫn xuất xứ hàng hóa không ưu đãi từ Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp không đạt được tỷ lệ 30%, DN có thể sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa.

Song, cũng với quy định này, nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi nếu tỷ lệ giá trị gia tăng khoảng 25%, trong khi sản phẩm nhập khẩu 25% nguyên liệu từ Nhật Bản, 25% linh kiện từ Trung Quốc… thì sẽ ghi xuất xứ thế nào? Việc xác định tỷ lệ giá trị gia tăng trong trường hợp này cần những tiêu chí cụ thể hơn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc ra một thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ uy tín hàng Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh nhập nhèm, Bộ Công thương phải ra những tiêu chí hết sức cụ thể, phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thì mới xác định được thế nào là hàng Việt Nam.

Hiện nay, một số quy định về hàng hóa xuất xứ thuần túy tại dự thảo Thông tư được coi là đã rõ ràng và tương đối chi tiết. Đơn cử, Dự thảo Thông tư nêu rõ, nếu một hạt giống xoài được nhập từ Thái-lan, trồng tại Việt Nam, bón phân Ấn Độ và sử dụng thuốc trừ sâu Pháp thì quả xoài sau khi thu hoạch vẫn được coi là sản phẩm Việt nam, vì là hàng hóa có xuất xứ thuần túy.

Mặc dù là một văn bản mới nhưng Dự thảo thông tư hàng hóa Made in Vietnam cũng được đánh giá là tiến bộ khi không quy định bất cứ một thủ tục hành chính mới nào mà DN phải tuân thủ và không làm phát sinh chi phí. Dự thảo cũng được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm “đội lốt” hàng Việt Nam, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng hóa và DN Việt Nam.

Cần sự đồng hành
Dù dự thảo Thông tư đang nhận được nhiều ý kiến góp ý nhưng các chuyên gia cũng khẳng định, kể cả khi dự thảo thông tư được ban hành, vẫn cần nhiều hơn sự phối hợp của các ban, ngành. Việc phối hợp đó không chỉ là khi có sự việc diễn ra mới triển khai, mà phải diễn ra thường xuyên. Đặc biệt trong bối cảnh Thông tư này nếu được ban hành sẽ do DN tự giác thực hiện. Nhà nước chỉ sử dụng Thông tư để phân xử đúng - sai khi xuất hiện tình huống đòi hỏi phải có sự phân xử đúng - sai, thí dụ như vụ Khaisilk trước đây.

Bà Trần Thị Thu Hương nêu thí dụ, kiểm tra giám sát việc phòng, chống gian lận xuất xứ của VCCI là việc phải làm thường xuyên, chứ không phải khi rộ lên các sự việc về gian lận xuất xứ mới được triển khai. Theo đó, VCCI đã tăng cường chỉ đạo các tổ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tăng cường kiểm tra giám sát các lô hàng xuất khẩu, đồng thời chú ý các DN thành lập mới, đi kiểm tra cơ sở sản xuất khi họ bắt đầu làm các bộ C/O đầu tiên. Nếu có sự kiểm tra kiểm soát ngay từ ban đầu sẽ phòng, tránh được nguy cơ giả mạo, đồng thời cũng là thông điệp cảnh báo cho các DN có tư tưởng gian lận thương mại.

Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của VCCI, bà Hương cho rằng, dữ liệu thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về có bao nhiêu DN thành lập mới, ngành nghề đầu tư là gì, nguồn vốn từ đâu là rất quan trọng để có phương pháp phòng ngừa. Đặc biệt, các thông tin từ Bộ Công thương về danh sách cụ thể các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ điều tra xuất xứ hàng hóa cũng có vai trò lớn…

Đặc biệt, trong giai đoạn này, DN phải nhận thức rõ là muốn tồn tại và phát triển bền vững thì phải bảo đảm duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác tối đa nguồn nguyên phụ liệu sẵn có để giảm giá thành, tận dụng tối đa những chế độ ưu đãi. DN muốn chinh phục thị trường thế giới trước tiên phải chinh phục người tiêu dùng trong nước. “Những vụ việc đáng tiếc như của Khaisilk thời gian qua là lời khẳng định cho việc tôn trọng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách nghiêm túc thông qua việc bảo đảm xuất xứ hàng hóa là điều kiện quan trọng nhất để DN chiếm lĩnh thị trường”, bà Hương nhấn mạnh.