Xe cấp cứu miễn phí

Là người nhiệt tình với công tác thiện nguyện, bà Phan Thị Bính (62 tuổi, ở khu đô thị Linh Ðàm, quận Hoàng Mai đã cùng với những người bạn của mình góp tiền mua xe cứu thương để vận chuyển miễn phí bệnh nhân nghèo và các trường hợp cấp cứu khẩn cấp tại Hà Nội.

Xe cứu thương vận chuyển người bệnh nghèo của nhóm bà Phan Thị Bính. Ảnh: LÊ PHƯƠNG
Xe cứu thương vận chuyển người bệnh nghèo của nhóm bà Phan Thị Bính. Ảnh: LÊ PHƯƠNG

Năm 2016, qua một phóng sự truyền hình về mô hình xe cấp cứu miễn phí ở tỉnh An Giang, bà Bính và bạn là bà Thái Thị Tám (55 tuổi, ở phố Vũ Tông Phan, phường Khương Ðình, quận Thanh Xuân) đã lặn lội vào tận địa phương này tìm hiểu. Nhận thấy đây là mô hình rất thiết thực, về đến Hà Nội, hai bà đã kêu gọi ba người bạn của mình chung sức thực hiện. Nhờ tấm lòng nhân hậu của những người bạn trong nhóm bà Bính, chiếc xe cấp cứu miễn phí đã lăn bánh vào đầu tháng 12-2018. Mô hình này ưu tiên vận chuyển những người bệnh nghèo (có xác nhận của phòng công tác xã hội bệnh viện) từ bệnh viện về nhà và đưa các trường hợp cấp cứu khẩn cấp đi điều trị. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chiếc xe cấp cứu miễn phí này đã giúp đỡ hơn 20 trường hợp.

Những thành viên trong nhóm thiện nguyện cho biết, phải rất khó khăn thì chiếc xe của họ mới có thể đi vào hoạt động. Khi tiền đã gom đủ, trang thiết bị cũng sẵn sàng, chính quyền địa phương ủng hộ, việc tìm một lái xe có thể bỏ thời gian, công sức chạy miễn phí là điều khiến nhóm đau đầu nhất. Giữa lúc đó, ông Mai Văn Toàn (55 tuổi) đã tình nguyện từ quê nhà ở xã Mỹ Ðức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ra bắc để hỗ trợ những người chung chí hướng. “Tôi tham gia chạy xe cấp cứu miễn phí ở An Giang được 20 năm rồi. Làm từ thiện thì ở đâu cũng vậy cả, nhưng chỗ nào cần mình hơn thì tôi đến. Bây giờ con cái cũng đã trưởng thành, tôi cũng không còn vướng bận gì nữa cho nên muốn đóng góp thật nhiều cho đời”, ông Toàn chia sẻ. Thấy chồng ra bắc chạy xe miễn phí cứu người, vợ ông Toàn cũng ra cùng. Hằng ngày, ông Toàn và nhóm của bà Bính đi làm từ thiện, còn bà ở nhà nấu cơm chay phục vụ mọi người. Vì chưa quen đường sá và thời tiết, ban đầu ông Toàn chạy xe khá vất vả. “Giao thông ở Hà Nội luôn đông đúc, cho nên có hôm tôi chạy xe đến chỗ xảy ra tai nạn, người nhà bệnh nhân đã nổi cáu với tôi. Biết người ta đang lo lắng, tôi chỉ giải thích là do kẹt xe thôi. Lúc sau bình tĩnh lại, họ lại xin lỗi và cảm ơn tôi”, người đàn ông có nước da ngăm đen chậm rãi kể lại.

Quy định chỉ hoạt động trong bán kính khoảng 100 km, nhưng có đôi lần nhóm vẫn phá lệ. Vào một ngày cuối tháng 12-2018, bà Bính nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của chị Nguyễn Thị Dung (39 tuổi, quê ở Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhờ đưa người nhà về quê. Thương cảm, bà Bính, ông Toàn vào Bệnh viện Bạch Mai tìm hiểu thông tin. Khi biết hoàn cảnh khó khăn của cặp vợ chồng này, họ lập tức đưa anh Lê Duy Sơn, chồng chị Dung về nhà. Nhóm thiện nguyện đi từ 9 giờ sáng đến tận 16 giờ chiều mới về đến nhà người bệnh. Bụng đói, người mệt rã rời, nhưng được mời cơm, bà Bính, ông Toàn và bà Tám nhất định từ chối. “Về nhà anh Sơn thấy gia cảnh họ khó khăn quá, chúng tôi không đành lòng”, bà Thái Thị Tám kể. Sau đó, họ đi mua cơm chay, tìm một chỗ yên tĩnh ngồi ăn rồi lên xe về Hà Nội.

Bà Phan Thị Bính cho biết, ngoài xe cấp cứu miễn phí, nhóm của bà đang lên kế hoạch đầu tháng 3 tới sẽ phát cơm chay miễn phí (ngày ba bữa) cho người bệnh nghèo tại một bệnh viện Hà Nội và mở phòng khám phát thuốc nam miễn phí.

Tuổi đã cao, nhưng bà Bính và các ông bà trong nhóm luôn tâm huyết với những công việc thiện nguyện. Trước khi chia tay, bà Bính nhờ chúng tôi đăng giúp thông tin cho những người có hoàn cảnh khó khăn muốn đưa người thân từ bệnh viện về nhà hoặc trường hợp cấp cứu khẩn cấp có thể gọi đến số điện thoại: 0825111919.