Nữ doanh nhân đam mê công tác xã hội

Không chỉ giỏi làm kinh tế, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt - Mông Cổ (Vimos) còn là người đam mê hoạt động công tác xã hội, với mong muốn được đóng góp để cải thiện đời sống, sức khỏe cho càng nhiều người càng tốt.

Đã có 14 năm làm việc tại một bệnh viện có tiếng tại tỉnh Thái Nguyên, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Hòa vẫn không muốn "an phận", mà luôn thôi thúc khát vọng làm giàu. Năm 2012, chị mạnh dạn xin nghỉ việc ở bệnh viện để đứng ra đồng sáng lập Công ty Vimos chuyên sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Sau những ngày đầu gian khó, nhờ không ngừng tìm tòi, tìm hướng phát triển, doanh nghiệp đã tìm được chỗ đứng trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Ngoài thời gian dành cho công việc, điều chị Nguyễn Thị Thanh Hòa luôn mong muốn là được đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng những việc làm thiết thực. Không chỉ tích cực với công tác từ thiện tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) là nơi doanh nghiệp đứng chân, chị còn tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, đến với các hoàn cảnh khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa.

Năm 2017, chị Hòa nhận được lời đề nghị của Vụ Sức khỏe bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ và đồng hành cùng chương trình triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ðây là một hoạt động mang tính nhân văn, góp phần tích cực cho sự phát triển cộng đồng, nhất là giúp ích cho sức khỏe của trẻ em Việt Nam, thế hệ tương lai của đất nước. Bởi cuốn sổ được coi như cẩm nang để nhân viên y tế dùng tư vấn cho cộng đồng về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai, trong khi sinh và sau khi sinh con, quá trình chăm sóc trẻ nhỏ. Sổ còn giúp cán bộ y tế nắm được toàn bộ quá trình, lịch sử bệnh tật của bé từ trong bào thai cho đến khi 6 tuổi để có hướng chẩn đoán và xử trí kịp thời; giúp các bà mẹ những kỹ năng cần thiết như xử trí khi trẻ bị hóc dị vật, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con… Chị Hòa chia sẻ: "Nếu mỗi em nhỏ ở Việt Nam đều được theo dõi sức khỏe theo khoa học, bài bản bằng cả quá trình xuyên suốt được ghi trong cuốn sổ thì chắc chắn sẽ có những kết quả rất tích cực cho thế hệ mầm non tương lai của đất nước" và chị Hòa đã bàn bạc trong ban lãnh đạo công ty lên kế hoạch triển khai chương trình.

Quyết tâm như vậy, tuy nhiên khi triển khai không phải đạt hiệu quả ngay. Bởi dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để in và cấp phát miễn phí sổ cho người dân, thậm chí kèm cả quà tặng thiết thực, nhưng nhiều bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ sau khi nhận sổ không biết cách sử dụng, thậm chí là bỏ đi, rất lãng phí. Vì vậy, chị Hòa cùng hàng chục cán bộ, nhân viên của mình đã tổ chức rất nhiều buổi truyền thông, trực tiếp trình bày, thuyết phục để các mẹ hiểu về ý nghĩa, từ đó chủ động sử dụng sổ, chủ động chăm sóc con một cách khoa học và tích cực. Công việc ở công ty đã rất bận, nhưng cứ đến cuối tuần, từ lãnh đạo đến nhân viên đều bố trí thời gian lên đường, tự tay đóng gói sổ, quà tặng, rồi lại làm "giảng viên" cho người dân. "Anh chị em đi lại vất vả, nhưng khi thấy công sức của mình có thành quả, ai cũng thấy phấn khởi", chị Hòa tâm sự.

Năm 2017, Vimos đã tài trợ cho 10 nghìn trẻ em của tỉnh Ninh Bình được dùng sổ; Năm 2018, đơn vị tiếp tục tài trợ cho 10 nghìn trẻ em của tỉnh Thái Nguyên được dùng sổ, đồng thời phối hợp hỗ trợ nhiều chương trình tập huấn cán bộ y tế các cấp, tổ chức hàng trăm lớp truyền thông và tài trợ cho rất nhiều bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo, khó khăn. Năm 2019, ngay từ quý I, Vimos đã xây dựng kế hoạch và đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình để tài trợ cho hàng trăm nghìn trẻ em được dùng sổ. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ "tham vọng" việc làm ý nghĩa này sẽ được thực hiện "đại trà" tại hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.