GƯƠNG SÁNG, VIỆC HAY

Nhiệt huyết của Trưởng thôn người Dao

Từ một thôn nghèo của xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), thôn Yên Sơn đang ngày một đổi thay, đời sống kinh tế - xã hội khấm khá hơn trước, an ninh trật tự được bảo đảm. Có được thành tựu ấy, một phần không nhỏ là nhờ vai trò của Trưởng thôn Lý Văn Phủ.

Nằm ở vùng sâu, vùng xa nhất Hà Nội, địa hình đồi núi, đất đai cằn cỗi, giao thông không thuận lợi, những năm trước đời sống của người dân thôn Yên Sơn gặp nhiều khó khăn. Thôn Yên Sơn có đến hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc Dao. Khi Ba Vì triển khai phong trào xây dựng Nông thôn mới, việc phát triển kinh tế là "bài toán khó" với đội ngũ lãnh đạo xã và thôn. Nhận thấy tuy đất đồi núi khó trồng trọt cho các loại cây lương thực, thực phẩm, nhưng có thể phát triển cây dược liệu, nhiều hộ gia đình đồng bào Dao lại có nghề làm thuốc nam truyền thống, Trưởng thôn Lý Văn Phủ nghĩ đến việc phát triển cây dược liệu gắn với kinh tế đồi rừng. Nhưng muốn vận động bà con, thì mình phải làm gương. Vốn là người có học, còn giữ nhiều cuốn sách người Dao về nghề thuốc, ông Phủ phát triển vườn thuốc nam, đồng thời, trồng xen kẽ những cây công nghiệp ngắn ngày để có thể "lấy ngắn, nuôi dài". Nhờ mô hình này, gia đình ông Lý Văn Phủ mỗi năm thu được tới gần 400 triệu đồng. Người Dao trước đây vốn chỉ đi rừng hái thuốc, nay thấy mô hình trồng dược liệu để khai thác lâu dài nên đã học hỏi. Ông Phủ còn hướng dẫn bà con cách khai thác cây để vườn thuốc được tái tạo, hướng dẫn bà con nhận diện những cây thuốc quý để bảo tồn. Nghề thuốc nam nhờ thế ngày một phát triển.

Khi Yên Sơn được đầu tư kinh phí để làm đường, Trưởng thôn Lý Văn Phủ cùng với chi bộ, các đoàn thể nhân dân bàn bạc, đề nghị mọi người hiến đất mở đường. Chủ trương này lúc đầu không được các hộ dân ủng hộ ngay. Ông Phủ kiên trì đến từng nhà nói rõ chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, của thành phố. Bản thân ông Phủ tiên phong hiến hơn 200 m2 đất để mở đường. Nhờ đó, những trục đường chính đều rộng từ 6 m trở lên, ô-tô tải cũng có thể đi vào mọi ngõ ngách. Những con đường rộng rãi, sạch đẹp khiến người dân ai cũng phấn khởi.

Ông Lý Văn Phủ sinh năm 1963. Từ thời trẻ ông đã có quá trình gắn bó với công tác địa phương khi làm việc tại Hợp tác xã Yên Sơn và luôn có trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng. Khi được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, trách nhiệm ấy càng được thể hiện rõ nét hơn. Thôn Yên Sơn từng có thời nhiều thanh niên mải mê rượu chè, cờ bạc, lười lao động sinh ra trộm cắp. Ông Phủ xác định, có xóa được các tệ nạn cờ bạc, trộm cắp thì kinh tế - xã hội mới phát triển. Bởi vậy ông đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và công an xã Ba Vì xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình "Dòng họ tự quản an ninh trật tự". Qua đó kịp thời phát hiện, khuyên can nhiều đối tượng không tụ tập bài bạc, uống rượu say. Bản thân ông Phủ cùng gia đình, dòng họ cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong phòng, chống tệ nạn xã hội.

Vốn là người hiểu rõ nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Dao, ông Phủ đã tuyên truyền, vận động người dân trong thôn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao học chữ nôm của người Dao để đọc được những cuốn sách cổ, gìn giữ trang phục truyền thống, phong tục truyền thống, loại bỏ những hủ tục. Do đó, trước đây dân tộc Dao thường tổ chức đám ma, đám cưới mấy ngày thì nay chỉ tổ chức trong một ngày, làm cỗ đơn giản,
gọn nhẹ.

Với tấm lòng nhiệt tình với quê hương, ông Lý Văn Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Người có uy tín tiêu biểu năm 2017, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội tặng Giấy khen do có thành tích trong xây dựng Gia đình văn hóa, giai đoạn 2014 - 2016.