Gương sáng, việc hay

Giữ lửa cồng chiêng

Hơn nửa thế kỷ qua, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng, giúp nhiều người hiểu rõ về giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn trong một buổi biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: MAI LINH
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn trong một buổi biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: MAI LINH

Trong nền văn hóa đa sắc của các dân tộc trên địa bàn Hà Nội, có một di sản hết sức đặc biệt. Ðó là cồng chiêng của người Mường ở ba xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Ðã bao đời qua, tiếng cồng, tiếng chiêng gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc Mường của Thủ đô trong những ngày lễ hội, những dịp Tết đến, xuân về.

Gia đình nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn nằm ở thôn Ðồng Dâu, xã Tiến Xuân. Vóc dáng nhỏ bé, chân chất, không ai nghĩ người phụ nữ ấy chính là một "kho báu" cồng chiêng. Bà kể: "Cuộc sống người Mường xưa không thể thiếu tiếng chiêng. Năm 1960, khi mới tám tuổi, tôi được nhận vào trông con cho một nhà phú nông trong làng. Ở đây, tôi được đi học và bước đầu tiếp cận với chiêng Mường nguyên bản. Mê tiếng cồng, tiếng chiêng cho nên tôi tìm hiểu và học cách đánh. Hễ nghe thấy tiếng chiêng binh boong từ xa vọng lại là đã thấy trong lòng rộn ràng". Khi trở thành thiếu nữ, nghệ nhân Bích Thìn đã đánh thành thạo nhiều loại chiêng với nhiều bài khác nhau. Ðến năm 1973, cô trúng tuyển vào Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa (tiền thân của Trường đại học Văn hóa). Với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, lại được đào tạo bài bản, cô Bích Thìn hiểu rõ thêm về giá trị của những bộ cồng chiêng, hiểu rõ về giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường.

Sau này, công tác tại UBND xã Tiến Xuân, nghệ nhân Bích Thìn tích cực tham gia hoạt động văn hóa, xã hội. Trước tình trạng nhiều người đã bán cồng chiêng, lo lắng nguy cơ mai một, bà tìm gặp những người cao tuổi nắm giữ nhiều kiến thức về văn hóa cồng chiêng hỏi han, xin truyền dạy. Tích lũy được kiến thức phong phú, bà đã khôi phục thành công nhiều bản cồng chiêng. Khi đội văn nghệ của xã đi thi ở các địa phương, nghệ nhân Bích Thìn khéo léo lồng các tiết mục cồng chiêng vào các vở diễn. Ðiều đó giúp nhiều người hiểu về giá trị cồng chiêng, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường cũng được nhiều người biết đến.

Những năm gần đây, nhận thức về nghệ thuật truyền thống đã được nâng cao. Ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân được chính quyền đầu tư mỗi xã hai bộ cồng chiêng. Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn được mời dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho cộng đồng. Vừa giảng dạy, bà vừa tích cực vận động các thôn, các xã thành lập đội cồng chiêng của mình. Nhờ đó, hàng chục đội cồng chiêng đã ra đời.

Năm 2015, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ðây là động lực để bà tích cực hơn trong việc truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng. Nói về nghệ thuật cồng chiêng hiện nay, bà chia sẻ: "Chính quyền thành phố đã quan tâm nhiều hơn đến đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở Thạch Thất. Việc bảo tồn văn hóa được thực hiện tốt hơn trước. Tuy nhiên, trong thực tế, do hoàn cảnh kinh tế của địa phương còn khó khăn cho nên nghệ nhân chúng tôi vẫn còn phải tự tập hợp để ghi chép, tập luyện, phục dựng lại những làn điệu đã bị mai một. Việc mở lớp để truyền dạy cho các thế hệ sau cũng chưa có kinh phí, thiếu địa điểm để thực hành di sản. Một số bạn trẻ sau khi được tôi dạy cồng chiêng lại đi làm nơi khác, cho nên việc xây dựng lớp kế cận còn khó khăn. Tôi mong rằng Nhà nước cũng như thành phố có thêm chính sách khuyến khích lớp trẻ giữ gìn nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ việc dạy và thực hành di sản để có thể tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về di sản cồng chiêng của người Mường nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội nói chung".