Chia sẻ khó khăn với người lao động nghèo

Những ngày qua, bên cạnh việc chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tổ chức quyên góp, ủng hộ, tặng các phần quà cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, còn có không ít những người chủ nhà trọ quyết định miễn phí tiền phòng, hoặc tặng lương thực, thực phẩm cho khách thuê là những người lao động nghèo rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì không có thu nhập trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Một chiều trung tuần tháng 4, khu trọ ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai bỗng xôn xao hơn mọi ngày, khi chồng và con gái bà Mai Thị Hằng Nga, 59 tuổi, chủ khu nhà trọ chở gạo đến tặng từng phòng. Mỗi người được nhận một bao gạo Bắc thơm 10 kg và một chai 0,5 lít nước mắm ngon. Trong 14 phòng hiện đang có khách thuê, có hai phòng nhận tấm lòng thơm thảo của gia đình chủ khu nhà trọ, nhưng xin phép không nhận gạo. Một người lái xe ít nấu cơm tại phòng, nhường suất gạo cho người khác. Một người chỉ xin chai nước mắm, tặng lại bao gạo cho người khó khăn hơn mình. 12 phòng còn lại nhận 12 suất quà, ai cũng xúc động cảm ơn vì được nhận phần quà thiết thực từ chủ nhà trọ. "Ở xóm trọ có người làm nghề lái xe, người thì bán hàng online, người làm công nhân... Dịch bệnh bùng phát khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút, cho nên tôi muốn san sẻ khó khăn với họ", bà Nga - chủ khu nhà trọ đồng thời là chủ đại lý gạo ở phường Lĩnh Nam chia sẻ.

Bà Nga kể, sinh trưởng trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, bố làm công nhân, có giai đoạn bà phải nhịn đói đến trường. "Tôi học đại học đúng vào thời bao cấp khó khăn, cả đất nước thiếu lương thực, hằng ngày tôi chỉ ăn hai bữa, sáng và tối", bà nhớ lại. Vì vậy, đến nay, tuy chưa giàu có, nhưng điều kiện kinh tế của gia đình đã dư giả hơn trước, bà luôn muốn giúp đỡ mọi người. Ngoài tặng nhu yếu phẩm, bà Nga còn miễn phí tiền nước của tháng 4 cho khách trọ, cho lùi thời hạn đóng tiền với những người hoàn cảnh khó khăn vì dịch Covid-19. "Còn dịch bệnh, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu yếu phẩm cho họ", bà Nga nói. 5 năm cho thuê nhà trọ, bà chưa từng tăng giá phòng.

Hai ngày sau khi tặng gạo cho các gia đình ở nhà trọ, bà Nga tặng thêm 14 suất quà, mỗi suất gồm 10 kg gạo cho hộ gia đình khó khăn ở tổ 18, phường Lĩnh Nam. Nhận được quà bà Nga gửi tặng, một người dân tìm đến tận cửa hàng của bà để nói lời cảm ơn. Người đàn ông làm việc tại một trung tâm tổ chức sự kiện đám cưới hiện đang thất nghiệp vì dịch bệnh; thu nhập không có, anh sống qua ngày bằng cách thắt chặt chi tiêu. "Em không ngờ mình lại nhận được sự giúp đỡ từ người xa lạ như vậy, cho nên phải đến tận nơi cảm ơn chị", người đàn ông xúc động cảm ơn bà Nga.

Ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, bà Nguyễn Thị Ðàm, 73 tuổi, chỉ có phòng trọ duy nhất, nhưng cũng quyết định miễn phí tiền trọ cho khách thuê. "Thấy chú ấy đi làm xe ôm, không có thu nhập để trang trải, cho nên tôi miễn phí đến lúc hết dịch thì thôi", bà nói. Người may mắn được bà cho ở không mất tiền trong mùa dịch bệnh là anh Phạm Quốc Việt, 36 tuổi, quê Nam Ðịnh và người bạn cùng phòng. Anh Việt làm nghề lái xe máy ứng dụng công nghệ để chở khách. Từ đầu tháng 3 đến nay, dịch bệnh bùng phát khiến anh không có thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn bằng tiền tiết kiệm. Hai tháng liền, anh không có tiền gửi về quê cho con. Sinh nhật con gái hôm 2-4 vừa qua, anh cũng chỉ gọi điện thoại chúc mừng con và hứa sẽ tặng quà cho con vào dịp khác. Nhận được thông báo từ chủ trọ, anh Việt vừa xúc động, vừa ngạc nhiên. "Tôi nói với cô Ðàm, dịch bệnh ai cũng khó khăn, cô cứ để cháu chịu một nửa tiền phòng. Thế nhưng cô gạt đi "tôi già rồi, ăn hết mấy, các cậu đang khó khăn cứ giữ tiền mà dùng"", anh Việt kể. Chồng bà Ðàm qua đời đã hơn 20 năm, một mình bà phải bươn chải nuôi bốn đứa con khôn lớn, trưởng thành. Hiện, ở Tả Thanh Oai, bà vẫn thuộc diện cận nghèo. "Nhờ sự giúp đỡ của cô mà chúng tôi bớt một phần gánh nặng. Thật sự tôi rất biết ơn và cảm động tấm lòng của cô Ðàm", anh Việt nói.