Cảnh sát giao thông... làng

76 tuổi, cái tuổi nhẽ ra được ở nhà vui vầy cùng con cháu, nhấp chén nước, làm ván cờ với hàng xóm, thì ông Lưu Viết Thục, sống tại thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại gắn bó với việc phân luồng giao thông trên tuyến đường liên thôn cạnh nhà. Hơn một năm qua, nhờ có ông, việc đi lại qua tuyến đường này trật tự hơn.

Ông Lưu Viết Thục điều hành giao thông trên tuyến đường liên thôn Hữu Lê.
Ông Lưu Viết Thục điều hành giao thông trên tuyến đường liên thôn Hữu Lê.

Ông Thục từng công tác trong ngành công an, rồi chuyển sang quân đội, chiến đấu ở chiến trường miền trung. Sau khi giải ngũ, ông có nhiều năm công tác trong ngành giao thông vận tải tỉnh Hà Tây (cũ). Mấy năm trở lại đây, khi tuyến đường liên thôn Hữu Lê đi vào hoạt động, mật độ người dân qua lại đông, khiến nơi đây luôn rơi vào tình trạng quá tải. Chưa kể trên tuyến đường còn có điểm thắt cổ chai do vướng mặt bằng của một hộ dân chưa giải tỏa, khiến giờ cao điểm tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn. Hàng nghìn xe máy, ô-tô nối đuôi nhau dài mấy cây số, ùn tắc suốt hai, ba giờ đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của người tham gia giao thông và người dân thôn Hữu Lê.

Ông Thục nhớ lại, một ngày tháng 7-2017 đã xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này. Các ngõ, ngách, ngã chung quanh cũng ùn tắc bởi từng đoàn người và phương tiện rẽ vào tìm lối thoát. Thấy ùn tắc kéo dài nhiều giờ, ông Thục không thể ngồi yên trong nhà. Buổi chiều hôm ấy, một mình ông đứng ra điều tiết, gỡ điểm tắc suốt nhiều giờ cho tới khi hai luồng xe qua lại thuận tiện. Từ đó, mỗi khi tuyến đường Hữu Lê bị tắc là ông Thục lại xuất hiện để “cứu nguy”. Đến nay, đã thành thói quen, hằng ngày, từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút, ông Thục đều đặn có mặt trên tuyến đường này để điều tiết giao thông. Cũng có khi giữa trưa nắng nóng, tuyến đường bỗng dưng… tắc. Có ngày, ông phải chạy ra phân luồng giao thông năm, sáu lần. Có hôm đến 21 giờ 30 phút ông mới được trở về nhà sau ba, bốn giờ đứng giữa dòng xe cộ kẹt cứng. Nhiều người nói ông “rỗi công”, ông chỉ cười. Vợ con ông cũng không khỏi xót xa khi thấy ông ngày nào cũng đứng giữa dòng xe cộ khói bụi để phân luồng giao thông, nhưng họ tôn trọng suy nghĩ và hành động của ông.

Ông bảo, lý do chẳng có gì to tát, chỉ là bản thân ông từng nhiều lần tham gia giao thông, phải đứng trong cảnh kẹt xe, thấy vất vả, mệt mỏi vô cùng. Những lúc đó, ông chỉ mong muốn có một phép mầu xảy ra để nhanh chóng thoát khỏi dòng xe cộ. Nhận thấy mình có thể làm được công việc này, ông tình nguyện đóng góp một chút công sức để người dân đi lại được thuận tiện, dễ dàng hơn... “Nếu không có ai giúp thì mọi người sẽ mất nhiều thời gian, sức lực cho việc tham gia giao thông, nhất là ở tuyến đường liên thôn vốn không có hệ thống đèn tín hiệu và lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn”, ông Thục cho biết. Nhiều năm công tác trong ngành giao thông, ông Thục nắm vững nguyên tắc điều hành xe. Ông cho biết, khi ra điểm tắc phải nhạy bén, tranh thủ bố trí xe từng phút, khi điều khiển phải tính toán để xe có lối thoát; điều xe phải tròn đường, phải có nền nếp. Song quan trọng phải mềm dẻo, nhẹ nhàng, tôn trọng người tham gia giao thông. Phải có “nghệ thuật” nhắc nhở người sai để những người khác nhận ra và nhắc nhở nhau. Hơn một năm qua, bất chấp thời tiết nắng nóng hay mưa dầm, ông Thục đều có mặt, điều tiết giao thông, gỡ tắc cho tuyến đường. Nhiều lái xe lưu thông qua tuyến đường thường xuyên, nhìn thấy ông là yên tâm, phấn khởi. Sự tận tình của ông khiến những người tham gia giao thông ý thức hơn.

Điều hành giao thông tại tuyến đường Hữu Lê, ông Thục từng chứng kiến những trường hợp bị ngã xe, va chạm giao thông… Gặp tình huống đó, ông ân cần tới nâng đỡ, hỏi thăm. Với những vụ va chạm giao thông, ông nhẹ nhàng khuyên giải, phân tích để hai bên cùng giải tỏa. Gặp phải những trường hợp không hợp tác, ông lại khéo léo vận dụng những kiến thức có được để chấn chỉnh người vi phạm. Không đòi hỏi một đồng tiền công, niềm vui của ông Thục là được giúp đỡ người dân đi lại qua tuyến đường nhanh chóng, trật tự. Mỗi ngày, mặt trời vừa lên người lính già lại cần mẫn ra khỏi nhà. Chỉ cần còn sức khỏe là ông vẫn tiếp tục công việc tự nguyện của mình.