Anh kỹ sư có duyên với nghề giáo

Có hơn 15 năm công tác trong ngành xây dựng, nhưng kỹ sư Dương Trung Hiếu quyết định rẽ ngang, mở phòng thí nghiệm vật lý và khoa học. Tháng 9-2019, sản phẩm “Garboat - Thuyền vớt rác trên sông" do nhóm học sinh của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chế tạo dưới sự hướng dẫn của anh Hiếu đã giành giải đồng trong cuộc thi "Thách thức các nhà phát minh nhỏ tuổi" do Hội Khoa học kỹ thuật và sáng chế Ma-lai-xi-a tổ chức.

Anh Dương Trung Hiếu và nhóm học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) bên mô hình thuyền vớt rác trên sông.
Anh Dương Trung Hiếu và nhóm học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) bên mô hình thuyền vớt rác trên sông.

Trong ngôi nhà ba tầng trên phố Nhân Hòa (quận Thanh Xuân), anh Dương Trung Hiếu, 42 tuổi cùng các học trò cắm cúi thử nghiệm một chiếc mũ dành cho công nhân trên công trường. Vẻ ngoài giống như những chiếc mũ bảo hộ thông thường, nhưng anh Hiếu đang hướng dẫn các em làm mũ có lắp đặt hệ thống quạt gió, giúp công nhân khi làm việc trên công trường vào mùa hè sẽ bớt nóng nực hơn.

"Mũ điều hòa" là một trong hàng trăm sản phẩm mà kỹ sư Trung Hiếu cùng các học trò của mình sáng tạo nên. Nhìn phong thái với lối giảng giải cặn kẽ, lôi cuốn của kỹ sư Hiếu, ít ai biết, nghề giáo vốn chỉ là nghề tay trái của anh. Trước khi mở phòng thí nghiệm nghiên cứu và dạy ứng dụng vật lý thực hành, anh vốn là một kỹ sư xây dựng có hơn 15 năm gắn bó với nghề. "Tôi đã từng đảm nhiệm vị trí chuyên viên giám sát của một dự án lớn, thậm chí làm đến chức phó tổng giám đốc của một doanh nghiệp có quy mô. Tuy nhiên, khi không tìm được niềm vui trong công việc, tôi quyết định xin nghỉ", anh Hiếu chia sẻ.

Năm 2014, khi còn làm chuyên viên dự án ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, công việc chỉ bận rộn trong giờ hành chính, cho nên ngoài giờ anh Hiếu thấy mình cần thêm một việc gì có ích. Kỹ sư Trung Hiếu quyết định đến chùa xin dạy tiếng Anh cho trẻ em. Ban đầu, lớp học chỉ có hai em nhỏ được nhà chùa nhận nuôi, nhưng chỉ khoảng hai tháng sau, anh đã phải chia học sinh thành hai lớp vì quá đông. "Không chỉ dạy bọn trẻ học, tôi còn chia sẻ các bài học sống, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa nâng cao hiểu biết cho học trò. Từ hai học sinh, sau ba năm, lớp học của tôi có khoảng 120 học sinh", anh Hiếu nhớ lại. Cuối tuần, từ Thái Bình về thăm nhà ở Hà Nội, anh Hiếu cũng lỉnh kỉnh xách theo lạc, đậu, chuối - những món quà ân tình từ gia đình phụ huynh gửi tặng.

Năm 2017, kỹ sư Hiếu nộp đơn xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp. Anh trở về Hà Nội. Cũng năm đó, Hiếu bị ốm nặng. Trong ba tháng nằm ở nhà, anh nhận ra, quãng thời gian hạnh phúc nhất của mình chính là khi dạy học cho học trò nghèo ở Thái Bình. Anh muốn nối tiếp truyền thống gia đình có sáu đời làm nghề giáo. Một người bạn khuyên kỹ sư Hiếu nên mở phòng thí nghiệm vật lý và khoa học. Vốn bẩm sinh đã thích phát minh, lại từng tham quan nhiều mô hình phòng thí nghiệm tương tự trên thế giới, anh Hiếu bắt tay vào làm ngay.

Mặc dù không nhận được sự ủng hộ từ gia đình nhưng anh Hiếu vẫn lấy lại căn nhà cho thuê để thực hiện kế hoạch. Suốt ba tháng hoàn thiện, trung bình mỗi ngày anh Hiếu làm việc khoảng 20 giờ đồng hồ. "Muốn làm thầy, mình phải thạo hơn học sinh. Tôi đọc tài liệu để nghiên cứu lý thuyết, rồi lại mày mò thực hành. Ban đầu tôi kết nối với các trường cấp tiểu học, cấp THCS, hỗ trợ họ làm dự án. Dần dần phụ huynh tin tưởng, đưa con đến học chỗ tôi đông hơn", anh Hiếu cho biết.

Trong cuộc thi "Thách thức các nhà phát minh nhỏ tuổi 2019" do Hội Khoa học kỹ thuật và sáng chế Ma-lai-xi-a tổ chức vào tháng 9 vừa qua, nhóm học sinh của Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là đại diện duy nhất của Việt Nam giành giải. Phát minh "Garboat - Thuyền vớt rác trên sông" được hội đồng chấm giải đánh giá cao vì mang tính ứng dụng trong cuộc sống, giúp thu gom rác thải nhựa trên sông, hồ hiệu quả.

"Niềm vui của tôi là được truyền cảm hứng, tình yêu môn Vật lý cho các em học sinh và hun đúc tình yêu đó thành những sản phẩm có ích cho cộng đồng. Tuy đến với nghề giáo muộn, nhưng tôi vui, vì đã tìm được ý nghĩa, mục tiêu thật sự của đời mình", kỹ sư Trung Hiếu say sưa chia sẻ.