Lewis Hamilton và hành trình tìm kiếm ý nghĩa của chiến thắng

NDO -

Xuất hiện trong làng đua xe thế giới năm 2007 như chàng thanh niên da màu hiếm hoi, để rồi liên tiếp xô đổ hàng loạt kỷ lục mà chưa từng ai mơ tưởng điều đó sẽ trở thành hiện thực. Lewis Hamilton không chỉ là vị vua mới của đường đua F1, mà còn tấm gương của sự thành công được tôi luyện bằng ý chí sắt đá và khao khát chiến thắng luôn cháy bỏng.

Từ cậu bé lái karting, Hamilton đã cân bằng kỷ lục bảy lần vô địch F1 của huyền thoại Michael Schumacher. (Ảnh: F1)
Từ cậu bé lái karting, Hamilton đã cân bằng kỷ lục bảy lần vô địch F1 của huyền thoại Michael Schumacher. (Ảnh: F1)

Khi đam mê gõ cửa

"Hãy mơ một giấc mơ thật lớn. Đừng bao giờ nghi ngờ chính mình hay bận tâm tới những lời bán tán sau lưng. Hãy để bản thân tự do thách thức mọi giới hạn. Khi tâm trí được cởi trói, bạn có thể làm được mọi thứ", Hamilton nhấn mạnh, sau chiến thắng tại chặng đua Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó chính thức lên ngôi sớm, ở mùa giải 2020. Đối với chàng trai xuất thân từ căn nhà thuê ở thị trấn Stevenage (cách thủ đô London 50 km về phía bắc), tuổi thơ khó khăn chưa bao giờ là vật cản, níu chân cậu bé theo đuổi giấc mơ.

Năm lên sáu tuổi, người cha Anthony đã tặng anh chiếc xe điều khiển từ xa. Kể từ giây phút ấy, trò chơi tốc độ nhanh chóng hấp dẫn toàn bộ thời gian của cậu nhóc. Hamilton mê mẩn nó đến nỗi miệt mài luyện tập, để rồi đánh bại cả những người lớn khi tham dự Giải quốc gia do Hiệp hội Xe điều khiển từ xa Anh quốc (BRCA) tổ chức.

Tám tuổi, Hamilton bắt đầu học lái karting và cậu bé chỉ mất hai năm để vô địch nước Anh cũng như chiến thắng hầu hết các giải karting mà bản thân tham dự. Đến tận bây giờ, tay đua sinh năm 1985 vẫn nhớ như in kỷ niệm khi ấy: "Tôi đã giành chiếc Cúp đầu tiên lúc mười tuổi. Ngày hôm đó tuyệt vời tới mức, người đàn ông cứng rắn như bố cũng hát vang ca khúc We are the Champions (Queen). Không dễ dàng để chứng kiến ông hạnh phúc đến như thế. Chính bản thân tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều, bởi tôi thật sự không hề giỏi bất cứ thứ gì khác".
 
Ông Anthony thấu hiểu khả năng và luôn mong muốn chắp cánh giấc mơ trở thành tay lái chuyên nghiệp của Hamilton. Như chia sẻ của người mẹ Carmen Lockhart, dù đã ly thân, sự cố gắng và tình yêu của Anthony đã khiến bà chấp nhận để con trai rời xa vòng tay mình vào năm lên 12. "Cha thằng bé đã làm việc cật lực để thúc đẩy sự nghiệp của nó và đó là điều tôi không thể làm nổi. Dù đau lòng, tôi phải buông tay thằng bé để nó sống cùng cha, trở thành một ngôi sao", bà Lockhart chia sẻ, khi lần đầu tiên Hamilton tham dự cuộc đua F1 năm 2007.

Lewis Hamilton và hành trình tìm kiếm ý nghĩa của chiến thắng -0
 Lewis Hamilton chia sẻ: "Anh mang ơn cha mình (ông Anthony), khi thành công tại đường đua F1 năm 2007.

Tới màn ra mắt lịch sử

"Chào chú. Cháu là Lewis Hamilton. Cháu đã vô địch nước Anh và một ngày nào đó muốn lái xe của các chú", cậu bé 10 tuổi dõng dạc giới thiệu khi muốn xin chữ ký của Ron Dennis, trong một buổi lễ trao giải đua xe. Ông chủ đội đua McLaren, với vẻ mặt bình thản, đã xoa đầu cậu nhóc: "Chín năm nữa, hãy gọi chú và chúng ta sẽ xem xem cháu có đủ khả năng đó hay không". Không cần phải chờ đợi quá lâu để đội đua McLaren nhận ra tài năng của Hamilton, chỉ ba năm sau, cậu nhóc khi nào đã giành suất tham dự chương trình Phát triển Tay đua McLaren, trở thành người trẻ nhất có hợp đồng với một đội đua F1.

Bắt đầu cầm lái ô-tô khi 16 tuổi, thần kinh thép và sự ổn định của Hamilton đã được tôi luyện ngay từ ngày đầu đến McLaren. Năm 2007, sau khi chia tay Kimi Raikkonen và Juan Pablo Montoya, đội đua nước Anh đã bất ngờ đưa Hamilton trở thành tay đua da mầu đầu tiên tại Giải F1. Không phụ sự kỳ vọng, tay lái người Anh nhanh chóng có được chín lần liên tiếp bước lên bục podium (về đích trong top ba) kể từ ngày ra mắt, với chiến thắng đầu tiên ở chặng thứ sáu của mùa giải. Thậm chí, Hamilton còn hai lần về nhất chặng đua ở Canada và Mỹ, chễm chệ ở ngôi đầu bảng xếp hạng, khi mới ở tuổi 22.

Tuy nhiên, sự vượt trội của tài năng trẻ người Anh cũng lập tức trở thành cái gai trong mắt đồng đội - nhà đương kim vô địch Fernando Alonso (mùa giải 2005, 2006). Mâu thuẫn giữa Hamilton và Alonso khiến họ lần lượt cán đích trên bảng xếp hạng ở vị trí thứ hai và thứ ba (cùng 109 điểm), kém hơn một điểm so với tay đua thuộc biên chế Ferrari - Kimi Raikkonen. Lewis Hamilton gần như đã chạm một tay vào danh hiệu cao quý nhất trong mùa giải ra mắt đường đua F1.

Khi tài năng được kiểm chứng, Hamilton được McLaren ký hợp đồng 5 năm, trở thành tay đua chủ lực trong giai đoạn tiếp theo. Ở mùa giải 2008, chàng trai trẻ 23 tuổi đã có màn phục thù ngọt ngào khi xếp trên Felipe Massa (Ferrari) vừa đúng một điểm chung cuộc. Chức vô địch F1 ngay lần thứ hai tham dự giúp anh trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất lịch sử, và cũng là tay đua người Anh đầu tiên lên ngôi sau Damon Hill năm 1996.

Lewis Hamilton và hành trình tìm kiếm ý nghĩa của chiến thắng -0
Hamilton (ở giữa) đã vô địch F1 2008 khi xếp trên Felipe Massa (bên trái) vừa đúng một điểm. 

Sự khác biệt của những vị vua

Suốt 70 năm lịch sử Công thức Một, với hơn 800 tay đua tranh tài, có tới 90% trong số đó chưa từng nếm mùi chiến thắng. Trung bình, chỉ 30% số tay đua giành được điểm (kết thúc trong top 10). Tại Grand Prix Malaysia 2013, dù xếp sau Sebastian Vettel và Mark Webber (cùng thuộc biên chế Red Bull), Lewis Hamilton vẫn kịp thời bước vào ngôi đền huyền thoại với 50 lần bước lên bục podium. Trong khi đó, những gương mặt nổi bật khác như Felipe Massa chỉ đạt 41 podium hay Jenson Button đã hoàn thành sự nghiệp đáng tự hào với 50 podium và 15 chiến thắng.

Lewis Hamilton lần đầu vô địch mùa giải F1 năm 23 tuổi. Năm 2020, ở tuổi 35, tay đua người Anh đã bắt kịp kỷ lục bảy lần vô địch F1 của huyền thoại Michael Schumacher. Không những thế, các kỷ lục 68 lần giành pole, 155 podium và 91 chiến thắng chặng của Schumacher cũng lần lượt được Hamilton phá vỡ với 98 lần xuất phát đầu tiên, 165 bục vinh quang và 95 lần về nhất chặng đua F1. Hamilton cũng là VĐV ghi nhiều điểm nhất trong lịch sử với 3.778 điểm. 

Lewis Hamilton và hành trình tìm kiếm ý nghĩa của chiến thắng -0
Hamilton liên tục thiết lập những kỷ lục mới trên đường đua F1 năm 2020. 

Tỷ lệ chiến thắng của tay đua người Anh là 35,7% (vô địch 95 trên tổng số 266 lần xuất phát). Con số này cao hơn huyền thoại người Đức Schumi với 29,7%, chỉ thua kém Alberto Ascari (về nhất 13/33 chặng - 39,3%) và Juan Manuel Fangio (chiến thắng 24/52 chặng - 46,1%). Mặc dù vậy, với các tay đua đã tham gia hơn 100 chặng đua, chỉ Jackie Stewart (27%), Alain Prost (25,6%) và Ayrton Senna (25,4%) bám sát Hamilton và Schumacher.

Những số liệu thống kê là minh chứng rõ ràng cho tài năng của tay đua sinh năm 1985. Giám đốc kỹ thuật của đội đua Mercedes, James Allison, người từng làm việc với cả Hamilton và Schumacher, khẳng định: "Khát khao chiến thắng cháy bỏng đã tạo nên sự khác biệt giữa họ và những tay lái giỏi. Hai nhà vô địch vĩ đại đều có điểm chung ở sự quyết tâm một cách khác thường. Lewis Hamilton luôn giữ được ngọn lửa khát vọng y nguyên như thời điểm cậu ấy 18 tuổi và đó chính là mấu chốt giúp chuỗi thành tích lịch sử kia sẽ còn được nối dài thêm nữa".

Ý nghĩa thật sự của chiến thắng

Với những đóng góp của mình cho nước Anh cũng như môn thể thao F1, Lewis Hamilton đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp Sĩ (Knight) năm 2020. Bên cạnh tư cách là đại sứ nổi tiếng nhất của bộ môn tốc độ, Hamilton bắt đầu bày tỏ mối quan tâm của mình đối với các vấn đề xã hội một cách thường xuyên hơn. Anh là VĐV Công thức Một đi tiên phong trong cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc và bảo vệ môi trường.

"Tôi biết đến điều tồi tệ này khi mới năm tuổi và đã cố gắng kìm nén mọi thứ. Xã hội phản ứng với những hành động đe dọa, bắt nạt hay thậm chí là đánh đập... một cách quá nhẹ nhàng. Nếu tất cả chúng ta giữ im lặng, nó sẽ tiếp tục nhức nhối trong nhiều thế hệ. Bởi vậy, tôi phải làm điều gì đó. Tôi nhìn các cháu của mình và không muốn chúng phải nếm trải vấn nạn này", Hamilton chia sẻ.

Từ việc quỳ gối trước các cuộc đua, giơ nắm đấm tay phải trên bục podium hay thậm chí khiến đội đua Mercedes đổi màu sắc của chiếc xe được mệnh danh "mũi tên bạc" sang màu đen... Hamilton đã tận dụng tối đa tầm ảnh hưởng của mình, trong nỗ lực nhằm thay đổi định kiến của thế giới. 

Lewis Hamilton và hành trình tìm kiếm ý nghĩa của chiến thắng -0
Lewis Hamilton đi tiên phong trong cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc. 

"Tôi từng có cuộc sống rất, rất khó khăn và tôi cũng suy nghĩ nhiều về những chiến thắng. Thành công trong sự nghiệp khiến bản thân tôi luôn tự hỏi: liệu điều này thật sự có ý nghĩa gì? Mỗi cuộc đua F1, mỗi dịp cuối tuần, vừa hay, cũng là lúc thích hợp để thế giới nâng cao nhận thức về vấn nạn phân biệt chủng tộc. Tôi đã tự nhủ phải cố gắng hết mình, bởi thông điệp chỉ được truyền đạt một cách trọn vẹn khi đứng trên chiếc bục cao nhất. Trong 70 năm qua, không ai ở F1 từng đứng lên vì bất cứ điều gì ngoài chính họ. Và, khi tôi đứng lên vì những người khác, đó là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất", Hamilton khẳng định.

Hiện tại, đối với Hamilton, việc vô địch thế giới hay ngồi đếm số lần thắng chặng đơn giản chỉ là vô nghĩa. Điều anh luôn muốn khám phá là cực hạn của bản thân và năng lực cạnh tranh theo từng năm tháng. Để sau này, khi đã luống tuổi, tay đua người Anh có thể tự hào về một thời trai trẻ đã vào cua ra sao, đã vượt qua những thử thách thế nào hay đã đóng góp được những gì cho xã hội. Chiến thắng dù tốt nhưng con người chắc chắn sẽ có những giai đoạn thăng trầm. Mặc dù vậy, với nghị lực phi thường cùng niềm đam mê cháy bỏng vẹn nguyên như thời tuổi trẻ, khán giả của đường đua F1 vẫn chờ đợi chức vô địch thứ tám của Hamilton trong năm 2021.