"Giáo sư" Arsene Wenger và cột mốc 10 năm với “đoàn pháo thủ” Arsenal

Đến Luân Đôn ngày 28-9-1996, khi ấy A. Wenger 46 tuổi còn vô danh. 10 năm sau cùng Arsenal giành ba chức vô địch Anh, bốn cúp FA và kỷ lục 49 trận bất bại mùa bóng 2003-2004, HLV Wenger đã trở nên nổi tiếng khắp nước Anh và châu Âu. Nếu may mắn, Arsenal của Wenger đã có chiếc cúp Chanmpions League hồi tháng 5 vừa rồi, khi họ chỉ cách đích chỉ 14 phút nữa thôi.

10 năm, huấn luyện viên thông thái người Pháp này đã biến một Arsenal khô cứng dưới thời Bruce Rioch thành một Arsenal quyến rũ, ăn nên làm ra, “thải” sân Highbury nhỏ bé, xây sân mới Emirates hiện đại với sức chứa 60.000 chỗ ngồi. Arsenal từng trải qua một thời gian dài chơi thứ bóng đá phòng ngự phản công chán ngắt trước khi Wenger đến. Người cố tìm điểm để “phê” lối chơi của Arsenal hiện nay thì cũng chỉ có thể nói là, họ quá trau chuốt trong việc ghi bàn. Không thể khác được bởi Arsenal đã nâng kỹ thuật ghi bàn lên thành nghệ thuật rồi.

Wenger đã làm rất nhiều việc kể từ khi đến Arsenal : thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện, lối chơi và lối sống của cầu thủ. Ông đã biến những cá nhân cầu thủ với nhiều cá tính và cả cố tật… thành một tập thể gắn bó, chơi bóng với niềm đam mê và trí tuệ. Dưới bàn tay “rèn rũa” của “nghệ nhân” Wenger, nhiều cầu thủ có tài nhưng chỉ như những viên đá thô ráp, trở thành những viên kim cương sáng. Có thể một số trường hợp điển hình : Năm 1999, ông Wenger đưa tiền đạo T. Henry đang lơ ngơ ở Juventus về Arsenal ; chỉ sau một mùa bóng, Henry trở thành “pháo thủ” ghi nhiều bàn thắng và tiền đạo giỏi nhất châu Âu. Cũng trong kế hoạch “Pháp hoá”, Wenger mua tiền vệ P. Vieira đang phải “mòn đũng quần” trên ghế dự bị ở AC Milan, biến cầu thủ này thành tiền vệ trụ vào hàng hay nhất thế giới. Trước đó vài năm, “giáo sư” Wenger (cách gọi dựa vào trí tuệ của ông cũng như ông từng là giảng viên khoa kinh tế ở đại học trước khi ông trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp) với chưa đầy một triệu USD đã mang tài năng trẻ của Pháp N. Anelka về đội bóng thành Luân Đôn. Anh này “cặp” với D. Berkamp thành bộ đôi tiến công hay nhất bóng đá Anh trong hai năm liền, trước khi được Real Madrid mua lại với giá hơn 41 triệu USD năm 1999.

Trí tuệ uyên bác của Wenger cả trên sân bóng lẫn lĩnh vực làm kinh tế, ít huấn luyện viên nào sánh được. Năm 1998, Wenger đã đoạt danh hiệu vô địch Anh và cúp FA và năm 2002, Arsenal lặp lại thành tích này. Arsenal vô địch Anh lần thứ 3 năm 2004 và đoạt thêm hai cúp FA vào năm 2003 và 2005. Thành tích 49 trận bất bại của Arsenal có lẽ chẳng có đội bóng nào đạt được nữa.

Bảng thành tích xứng đáng “công thần” như vậy nhưng ông Wenger vẫn khiêm tốn mà rằng : “Điều mà tôi quan tâm là ở phía trước,  luôn luôn là những trận đấu ở phía trước và đội bóng của tôi phải tiến bộ”.

Hơn tất thảy ở HLV A. Wenger là tấm lòng mà ông dành cho Arsenal. Hiếm có một huấn luyện viên nào vừa tài giỏi vừa tận tâm tận lực cho câu lạc bộ như ông Wenger. Sau một thập kỷ gắn bó với Arsenal, ông đã “xoá nghèo” đội bóng này và đang trên đường làm giàu. Chẳng phải là vì ông đã mang lại thành tích và tên tuổi cho Arsenal để rồi nhận được nhiều hơn sự tài trợ ; để thuyết phục ban lãnh đạo câu lạc bộ mạnh dạn vay vốn xây dựng sân vận động mới ; để hãng hàng không Emirates tài trợ 150 triệu bảng Anh đổi lấy việc được gắn cái tên Emirates của mình trên sân vận động mới trong 7 năm, đó sao ?

A. Wenger bây giờ là một phần của Arsenal rồi. Ban lãnh đạo, cầu thủ của Arsenal và cổ động viên tuyệt đối tin tưởng nơi ông. Họ muốn ông gắn bó với Arsenal mãi mãi. Người  đàn ông xa lạ năm nào mà báo Anh từng hỏi “Ông ta là ai”, nay là vị “giáo sư” Wenger đáng kính của “đoàn pháo thủ” Arsenal hùng mạnh.