Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 36 tranh cúp Petro Vietnam - Đạm Cà Mau

HLV Nguyễn Nam Hải: “Tôi muốn đánh giá cẩn thận và kỹ càng”

Vẫn luôn hào hứng dõi theo những mùa Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân, nhưng năm nay, HLV Đội tuyển bóng bàn quốc gia Nguyễn Nam Hải không chỉ đến dự giải như một khán giả mộ điệu đơn thuần. Anh chờ đợi các VĐV trẻ thể hiện hết mình trong mục tiêu hướng tới Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ VIII và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2018 diễn ra ngay sau đó.

HLV Nguyễn Nam Hải: “Tôi muốn đánh giá cẩn thận và kỹ càng”

- Xin được đi thẳng vào vấn đề. Đâu là mục đích chính của anh khi dự khán giải năm nay, trên cương vị HLV đội tuyển quốc gia (ĐTQG)?

- Mặt bằng chung chưa thay đổi nhiều. Những gương mặt ưu tú như Mã Tuấn Anh, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Nga... ngày càng trưởng thành hơn. Nhưng, tôi vẫn muốn nhìn tận mắt, đánh giá cẩn thận và xem xét kỹ càng phong độ cũng như sự tiến bộ của các em. Tôi chưa được xem các em thi đấu từ SEA Games 29 đến giờ.

- Anh có lo lắng không, khi trước mắt ASIAD đã đến rất gần?

- Thực lòng là không. Công tác huấn luyện cho ASIAD không quyết liệt bằng SEA Games, vì ASIAD là mục tiêu “dài hơi”. Từ đầu năm đến nay, mỗi địa phương cũng đều đã tập trung đầu tư rất nhiều cho VĐV, bởi tính chất rất quan trọng của Đại hội thể thao toàn quốc. Chính vì vậy, ĐTQG có thể tận dụng những nguồn lực này của địa phương, phục vụ “chiến dịch” ASIAD.

- Nhân nói đến Đại hội thể thao toàn quốc, anh có thể nhận xét ngắn gọn về phong trào bóng bàn trên cả nước, vài năm trở lại đây?

- Không chỉ thời gian gần đây đâu. Bóng bàn phong trào đã phát triển rất mạnh khoảng 10 năm rồi. Các địa phương tổ chức nhiều giải bóng bàn, giải mở rộng. Hầu như tháng nào cũng có giải và chất lượng ngày một chuyên nghiệp hơn. Số lượng người yêu bóng bàn tăng lên rõ rệt. Anh có để ý sự xuất hiện của một kênh Sport TV mới chuyên về bóng bàn không?

Việc tạo thêm nhiều sân chơi thi đấu có chất lượng cao cho các VĐV trẻ tham dự bên cạnh những giải đấu chính thống của liên đoàn mở ra nhiều cơ hội cọ sát nâng cao năng lực. Và đây cũng chính là cơ hội để chúng tôi lựa chọn và tìm kiếm nhân tài, trong hành trình phát triển dài hạn của bóng bàn Việt Nam.

- Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân có vai trò thế nào trong hệ thống giải và trong tiến trình phát triển đó, thưa anh?

- Những năm gần đây, Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân được tổ chức rất chuyên nghiệp và bài bản, chăm lo chu đáo cho VĐV từ khâu vật chất (bảo hiểm cho VĐV, trang thiết bị chuẩn quốc tế, nhà tài trợ có chuyên môn cao…) đến tinh thần (như Giải hoa khôi bóng bàn, Giải dành cho địa phương tích cực xây dựng thi đấu bóng bàn hay). Những bước phát triển về cơ sở hạ tầng - tương đương với các giải quốc tế - sẽ giúp VĐV bớt nhiều bỡ ngỡ khi “xuất ngoại” thi đấu.

Bên cạnh đó, Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân vẫn là một giải đấu truyền thống, là “đấu trường” đỉnh cao bậc nhất, là bệ phóng cho các VĐV trẻ, là Giải vô địch quốc gia - cơ sở để bóng bàn Việt Nam kiện toàn lực lượng.

- Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ, khi tham dự Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân, trên tư cách VĐV?

- Kỷ niệm thì nhiều lắm. Từ năm 1998 đến 2010, tôi đã giành được đủ các loại huy chương từ vàng, bạc đến đồng ở tất cả các nội dung. Nhưng, giải đấu năm 2007 ở Đà Nẵng vẫn để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất, khi giành trọn ba HCV ở cả ba nội dung đồng đội nam, đôi nam và đơn nam. Đặc biệt, ở nội dung đơn nam, tôi phải vượt qua những đối thủ lại chính là đồng đội của mình tại ĐTQG (Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh rồi Đoàn Kiến Quốc). Chính vì lẽ đó, với tôi, tấm huy chương vàng này có giá trị rất lớn.

- Và anh có cảm nhận gì về sự khác biệt giữa các thế hệ?

- Đầu tiên, số lượng VĐV thi đấu Giải Báo Nhân Dân bây giờ giảm đi khá nhiều. Ngày trước, để đạt cấp kiện tướng khó khăn lắm. Phải đánh từ vòng 126 đổ lại. Như anh Kiến Quốc được miễn, cũng phải đánh từ vòng 64. Phải nỗ lực giành chiến thắng, vượt qua rất nhiều trận đấu cam go.

Mặt khác, nếu khi xưa chúng tôi vô địch toàn quốc hay SEA Games về cũng chẳng mấy ai biết tới, thì VĐV bây giờ bắt buộc phải vượt qua được tâm lý và sức ép từ truyền thông. Hơn nữa, sự thay đổi liên tục của công nghệ, của trang thiết bị mới như kích thước bóng, mút hay keo của mặt vợt… cũng đòi hỏi sự thích ứng nhiều hơn ở VĐV sau mỗi mùa giải.

- Xin cảm ơn HLV Nam Hải về cuộc trao đổi thú vị này.

HLV Nguyễn Nam Hải: “Tôi muốn đánh giá cẩn thận và kỹ càng” ảnh 1

Trận đấu ở nội dung đồng đội nam giữa Quân đội 1 (bên phải) và Đà Nẵng (bên trái). Ảnh: DUY LINH