Bài toán nan giải cho cờ vua Việt Nam

Trái ngược với hình ảnh hàng nghìn kỳ thủ tham dự Giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc 2019 là cái thở dài đầy trăn trở của ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam. Chỉ vài năm tới đây, hầu hết trong số những VÐV đang miệt mài thi đấu kia, sẽ bỏ cờ để chuyên tâm theo học văn hóa…

Rất sôi động ở các giải trẻ, nhưng cờ vua Việt Nam lại không có nhiều kỳ thủ phát triển lên đến đỉnh cao.
Rất sôi động ở các giải trẻ, nhưng cờ vua Việt Nam lại không có nhiều kỳ thủ phát triển lên đến đỉnh cao.

Nô nức chơi cờ

Giải vô địch cờ vua trẻ toàn quốc 2019 đạt con số kỷ lục VÐV tham dự. Theo đó, 1.255 kỳ thủ thuộc 42 đoàn VÐV dự tranh 128 bộ huy chương ở bốn thể loại (cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn và cờ truyền thống). Giải diễn ra từ ngày 30-6 đến 10-7 tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội).

Giải có sự tham dự của gần như đầy đủ những gương mặt xuất sắc nhất trong các độ tuổi, nổi bật có Nguyễn Lê Cẩm Hiền, Nguyễn Thiên Ngân, Bạch Ngọc Thùy Dương, Trần Ðăng Minh Quang, Ngô Ðức Trí, Ðào Minh Nhật, Chu An Khôi, Trần Minh Thắng..., những VÐV đã thi đấu rất thành công tại các giải trẻ châu Á và Ðông - Nam Á gần đây.

Sự vắng mặt đáng tiếc nhất là Nguyễn Anh Khôi do trùng thời gian tham dự Giải vô địch U20 châu Á tại In-đô-nê-xi-a. Ðược biết, những VÐV vô địch cờ tiêu chuẩn tại giải này sẽ được chọn vào đội tuyển trẻ quốc gia tham dự giải trẻ thế giới năm 2020.

Trong những ngày này, cả Nhà thi đấu Quần Ngựa được phủ kín bởi các bàn thi đấu. Trên khán đài, cũng rất đông bố mẹ, người thân tới tiếp sức. Có thể nói, ngoài bóng đá, rất hiếm có môn thể thao nào lại nhận được sự quan tâm lớn như vậy với các giải trẻ. Không chỉ giải quốc gia, mà các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn Cờ Việt Nam, các giải quốc tế mở rộng và cả các giải phong trào cấp thành phố, phường, xã… cũng luôn thu hút đông đảo người chơi cờ, đặc biệt là VÐV trẻ.

Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam chia sẻ: Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới về số lượng người chơi cờ vua nói riêng, cũng như các môn thể thao trí tuệ nói chung. Song, ngay lập tức, ông cũng bộc lộ trăn trở: "Xuất phát điểm tốt như thế, nhưng khi lên chuyên nghiệp, lại là câu chuyện hoàn toàn khác…".

Càng lên cao càng quạnh quẽ

Như đã nói, Việt Nam có phong trào cờ vua rất phát triển, nhiều tài năng ở tầm cỡ châu lục và thế giới (nhiều kỳ thủ Việt Nam từng vô địch trẻ thế giới và châu lục), nhưng đến thời điểm này chỉ có mình Lê Quang Liêm vươn lên hàng Siêu Ðại kiện tướng (Elo trên 2.700). Tại sao càng lên cao các kỳ thủ Việt Nam lại càng "hụt hơi" trước các đối thủ mạnh của thế giới? Tại sao đến giờ chúng ta vẫn chưa thể tìm ra "người kế tục" của Lê Quang Liêm?

Theo ông Nguyễn Minh Thắng, nguyên nhân chính được chỉ ra chính là môi trường cờ của Việt Nam vẫn chưa mang tính chuyên nghiệp. Phần lớn tài năng cờ vua dù đạt thành tích cao ở các giải trẻ quốc tế nhưng vẫn không được định hướng trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp. Mặt khác, sự đầu tư, đãi ngộ dành cho các kỳ thủ cũng còn ở mức rất khiêm tốn, dẫn tới việc các VÐV rất khó tạo sự bứt phá, nâng tầm trình độ để vươn lên hàng ngũ những Siêu Ðại kiện tướng. Thực tế, ở các thành phố lớn, phụ huynh thích khuyến khích con em đến với cờ vua để tăng cường khả năng tư duy, phát triển trí não, tức là chỉ chơi cho…vui.

Ðây chính là trăn trở lớn nhất của những người quản lý môn cờ vua nói riêng và nhiều môn thể thao khác nói chung. Ngay cả VÐV hàng đầu như Lê Quang Liêm, cũng phải vừa học, vừa chơi cờ (đang theo học đại học tại Mỹ), nên phong độ không ổn định. Hay như những trường hợp VÐV nổi tiếng khác hầu hết đều chọn ngã rẽ theo học làm bác sĩ, kỹ sư, thay vì mạo hiểm theo nghiệp cờ đến cùng.

Một bài toán vô cùng hóc búa. Ông Thắng thừa nhận: "Muốn VÐV tập trung cho cờ vua, thì chỉ còn cách… học ít đi thôi, mà điều này là không thể ở Việt Nam". "Ở các quốc gia phát triển về cờ vua, VÐV họ kiếm tiền bằng việc chơi cờ, săn giải thưởng, còn ở Việt Nam thì đầu tư không tới nơi tới chốn, các gia đình đều muốn con em mình theo học đại học. Nhiều khi, chúng tôi tìm kiếm được nhà tài trợ rồi, nhưng lại không thuyết phục được các gia đình cho con em mình theo chuyên nghiệp", ông Thắng lắc đầu.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Tổng Thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam chia sẻ một góc nhìn khác: "Cờ vua Việt Nam đã, đang và sẽ rất cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Trong đó, vai trò của giới truyền thông là hết sức quan trọng. Mặt khác, chúng ta cần một môi trường cờ tích cực hơn, cần thêm nhiều sự tham gia của các đối tác tài trợ, qua đó mới có thể từng bước giải quyết được bất cập giữa tiềm năng và phát huy tiềm năng rất lớn của cờ vua Việt Nam trong tương lai".

Có lẽ nào, nền thể thao trí tuệ của chúng ta vẫn mãi chỉ mạnh về tiềm năng?

Siêu Ðại kiện tướng Lê Quang Liêm: "Việc tự bỏ tiền túi ra nhưng thu lại được kinh nghiệm, cọ xát để cải thiện trình độ cũng là sự đầu tư cần được xác định ngay từ đầu bởi gia đình và cá nhân mỗi VÐV".

Ðại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn: "Các VÐV Việt Nam hầu hết dựa vào năng khiếu, còn VÐV nước ngoài được đào tạo bài bản, nhất là các cường quốc như Nga, các nước châu Âu. Nhưng năng khiếu chỉ là một phần, bởi về lâu dài mình dễ bị tụt lại".