Trữ trứng đông lạnh: Cơ hội vàng cho cặp vợ chồng hiếm muộn

NDO -

NDĐT - Những phụ nữ kết hôn muộn, quá tuổi sinh sản; những phụ nữ phải điều trị ung thư hoặc những cặp vợ chồng hiếm muộn... sẽ có cơ hội vàng để có những đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh nhờ vào kỹ thuật mới nhất là trữ trứng đông lạnh.

Vợ chồng anh Trần Đức Thanh, chị Đỗ Hoài Thu có bé gái đầu tiên nhờ trữ trứng đông lạnh.
Vợ chồng anh Trần Đức Thanh, chị Đỗ Hoài Thu có bé gái đầu tiên nhờ trữ trứng đông lạnh.

Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản (IVF) của Bệnh viện Bưu điện, em bé đầu tiên được sinh ra từ trứng đông lạnh và em bé đầu tiên sinh ra từ tinh trùng bất động 100% đã chào đời trong sự hạnh phúc tột độ của những ông bố, bà mẹ hiếm muộn. Kỹ thuật mới này được coi là tiên tiến nhất hiện nay trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Trữ trứng đông lạnh tới 10 năm

Cuối tháng 3 vừa qua, em bé đầu tiên được sinh ra từ trứng đông lạnh đã được ra đời trong niềm hạnh phúc tột độ của vợ chồng chị Đỗ Hoài Thu. Cuối tháng 6-2016, chị Đỗ Hoài Thu tham gia chu kỳ điều trị IVF/ICSI đến ngày chọc trứng. Không may, vì lý do đột xuất, chồng chị, anh Trần Đức Thanh không thể có mặt để lấy tinh trùng. Bác sĩ Vương Vũ Việt Hà đã chỉ định tiến hành đông trứng của chị Thu theo phương pháp mới nhất. Tháng 7-2016, anh Thanh đã có mặt để lấy mẫu tinh trùng, trứng được rã ra và thụ tinh bằng phương pháp ICSI. Trước đó, niêm mạc tử cung được chuẩn bị và chị Thu được chuyển phôi tươi. Đến cuối tháng 3-2017, anh chị đã sinh một bé gái hoàn toàn khoẻ mạnh, nặng 3,3kg.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết, một trường hợp cũng vô cùng đặc biệt được can thiệp thành công tại Trung

“Trước kia kỹ thuật trữ trứng phức tạp vì tế bào trứng là tế bào lớn nhất cơ thể, lượng nước rất lớn. Vì thế trữ trứng là thay đổi nước trong tế bào bằng một chất bảo quản để không tổn thương tế bào đó. Trữ trứng khó, tỷ lệ thành công rất thấp. Nhưng hiện nay với phương tiện hiện đại, kỹ thuật này tại Bệnh viện Bưu Điện triển khai 18 tháng qua, đã có nhiều ca thành công. Chúng tôi có thể trữ trứng đông lạnh tới 10 năm” - bác sĩ Nhã cho biết.

tâm là cặp vợ chồng già hiếm muộn. Chồng sinh năm 1957, vợ sinh năm 1972 chưa có con nào. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, người chồng không tin vào phương pháp hỗ trợ sinh sản này vì sợ sinh ra không phải con của mình. Nhưng khi nghỉ hưu, anh bắt đầu tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản với mong muốn có đứa con.

Tại đây, bác sĩ Nhã cho biết, buồng trứng của vợ vẫn lấy được trứng tự thân, tuy nhiên anh chồng lớn tuổi xét nghiệm tinh trùng lúc có, lúc không có con tinh trùng nào. Vì thế, bác sĩ quyết định trữ đông trứng cho vợ, và điều trị nam khoa trong ba tháng cho người chồng. Sau khi lấy được tinh trùng từ chồng, các bác sĩ lại đem trữ lạnh, chờ cơ hội người vợ sẵn sàng về mặt sức khỏe để mang thai. Và thật kỳ diệu, khi đã ở độ tuổi quá tuổi sinh sản, nhưng cặp vợ chồng hiếm muộn này đang rất hạnh phúc vì đã mang thai được 9 tuần.

Bác sĩ Nhã cho biết, phương pháp đông trứng có ý nghĩa nhân văn rất to lớn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ví dụ như khi người vợ được kích trứng, chọc hút trứng nhưng do áp lực, do hoàn cảnh đặc biệt, người chồng vắng mặt không thể lấy tinh trùng. Nếu như trước đây, trứng không thể đông, buộc phải tự thoái hoá hoặc hiến tặng thì hiện nay, trứng có thể được đông lại, trữ lạnh “chờ” tinh trùng để thụ tinh.

 Trữ trứng đông lạnh: Cơ hội vàng cho cặp vợ chồng hiếm muộn ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện) tư vấn cho các trường hợp hiếm muộn.

Ngoài ra, đông trứng còn mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ hiện đại, kết hôn muộn hoặc mải mê công việc mà sinh nở muộn. Về mặt sinh học, số lượng lẫn chất lượng trứng sẽ giảm mạnh khi tuổi người phụ nữ càng cao. Số nang noãn của buồng trứng giảm sâu ở phụ nữ trên 35 tuổi, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể (ví dụ hội chứng down, hội chứng turner ở con cũng tăng lên với những người mẹ lớn tuổi). Vì thế, đông trứng tạo điều kiện cho phụ nữ có thể lưu giữ trứng chất lượng tốt khi còn trẻ. Số trứng này sẽ được rã đông thụ tinh và họ có thể có con trong tương lai khi các điều kiện về tình cảm, tâm lý và tài chính được thuận lợi hơn.

“Một ý nghĩa nhân văn nữa của phương pháp này mà tôi muốn nói tới, đó là bảo toàn cơ hội làm mẹ cho các bệnh nhân nữ bị ung thư chuẩn bị điều trị bằng hoá trị, xạ trị. Bởi, hoá trị, xạ trị rất độc hại với buồng trứng và nang noãn. Bệnh nhân lựa chọn đông trứng, khi việc điều trị ung thư kết thúc, trứng sẽ được rã đông và sau đó là quá trình IVF và vẫn có thể có con” - bác sĩ Nhã xúc động nói.

Cơ hội mới cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Ẵm trên tay hai bé gái song sinh rất đáng yêu, anh Trần Quốc Thảo (1985) và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (1992) quê Ninh Bình tự nhận mình là người may mắn vì ngay lần đầu tiên can thiệp kỹ thuật bằng Hot test và IVF ICSI đã thành công.

Hai vợ chồng kết hôn năm 2013 nhưng gần hai năm chưa có con. Sau khi chạy chữa khắp nơi bằng thuốc đông y, họ tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản khi được một sản phụ thụ tinh thành công gần nhà mách. Tại đây, anh chồng được phát hiện tinh trùng bất động 100%, không có nổi tia hy vọng 0,1%. Các bác sĩ nhận thấy nếu chỉ dừng ở việc xem kết quả thì bệnh nhân sẽ không có cơ hội làm cha. Do đó, Trung tâm đã làm xét nghiệm nhuộm để xác định xem có tinh trùng bất động nào còn sống trong mẫu không. Kết quả là có và bệnh nhân được làm Hot test và IVF ICSI và sản phụ đã có thai vào năm 2015 với thai đôi hai bé gái.

Không quan trọng giai hay gái, anh Thảo nói “Cuộc đời tôi, chỉ cần có hai công chúa này là quá đủ hạnh phúc rồi”. Rưng rưng nước mắt, chị Nhung bày tỏ “Chúng tôi đi rất nhiều bệnh viện, đến đâu cũng bị nói khó. Hai vợ chồng đi chữa bằng đông y nhiều năm nhưng cũng không ăn thua. Người khác còn có 0,1% hy vọng, nhưng chồng tôi không có chút tia hy vọng nào. Thật may mắn, nhờ các bác sĩ, nên đã cho vợ chồng tôi có cơ hội được làm bố, làm mẹ và có hai cô công chúa đáng yêu này. Các bác sĩ làm cho sự vô vọng đó thành hiện thực”.

 Trữ trứng đông lạnh: Cơ hội vàng cho cặp vợ chồng hiếm muộn ảnh 2

Anh Trần Quốc Thảo (1985) và chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (1992) hạnh phúc khi có hai cô công chúa kháu khỉnh.

Ngoài hai kỹ thuật mới nhất và đã thành công ngay khi mới triển khai, theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, hiện nay, một số kỹ thuật khác đang được IVF Bưu Điện áp dụng để làm tăng khả năng thành công cho bệnh nhân khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Đó là triển khai kỹ thuật bơm môi trường vào buồng tử cung trước khi chuyển phôi nhằm làm tăng cơ hội có thai với nhóm bệnh nhân chuyển phôi thất bại nhiều lần. Kỹ thuật này triển khai trên khoảng 50 bệnh nhân (chuyển phôi thất bại từ 3-15 lần) và tỷ lệ thành công chiếm khoảng 31%.

Ngoài ra, kỹ thuật lấy tinh trùng từ thiết mô tinh hoàn TESE được trung tâm áp dụng từ cuối năm 2016 đến nay đã giúp những bệnh nhân tắc ống dẫn tinh có thể điều trị lấy tinh trùng ngay tại trung tâm và làm IVF ICSI TESE thành công. Sắp tới, trung tâm sẽ cập nhật thêm kỹ thuật nuôi cấy trứng non IVM để điều trị cho nhóm bệnh nhân PCOS và nhóm bệnh nhân kháng FSH.

Đến nay, hơn 3.000 chu kỳ TTTON đã được thực hiện tại Bệnh viện Bưu Điện với tỷ lệ thành công ổn định từ 60-67%. Nhờ những thành công đó, IVF Bưu Điện hiện là một trong những đơn vị hỗ trợ sinh sản uy tín phía Bắc.

Nhằm hỗ trợ bệnh nhân hiếm muộn có điều kiện chữa trị tốt hơn, Trung tâm IVF Bệnh viện Bưu Điện cũng dành tặng 50 suất TTTON, mỗi suất 30 triệu đồng cho 50 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn. Các cặp vợ chồng có chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm của bác sĩ; có hoàn cảnh khó khăn, chưa có con (có xác nhận của chính quyền địa phương) có nhu cầu nhận gói hỗ trợ TTTON có thể gọi vào hotline (024) 3 3508089 (trong giờ hành chính) để đăng ký. Thời gian nhận và xét duyệt hồ sơ: từ 2-8-2017 đến 30-10-2017.