Kiến thức sinh sản hạn chế, nhiều gia đình hiếm muộn

NDO -

NDĐT - Đó là đánh giá của PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội sản phụ khoa và sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam (VINAGOFPA) đưa ra tại buổi họp báo chiều 17- 11 công bố kết quả nghiên cứu nhận thức về hiến muộn trên 1.000 phụ nữ châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nghiên cứu này có tên gọi Khởi đầu từ các gia đình châu Á (Starting Families Asia), là khảo sát lớn nhất trong các khảo sát cùng loại nên rõ những nhạn chế về nhận thức của phụ nữ về vấn đề vô sinh. Kết quả cũng cho thấy lỗ hổng kiến thức về khả năng sinh sản là nguyên nhân chính khiến phụ nữ chậm lựa chọn điều trị vô sinh.

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến đánh giá: Kết quả nghiên cứu chỉ ra những rào cản tiềm ẩn nhằm giúp đỡ phụ nữ và các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con, nhất là đối với những người gặp khó khăn trong việc có thai.

Kết quả nghiên cứu này cũng nhấn mạnh điều quan trọng là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tác động của tuổi tác và các vấn đề y tế đến khả năng sinh sản, cũng như lựa chọn các điều trị có sẵn cho bệnh nhân có thể bị vô sinh.

Nghiên cứu cho thấy 43% số phụ nữ được khảo sát hiểu rằng họ là cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nếu không mang thai sau một năm cố gắng có thai. Chỉ 36% biết rằng phụ nữ ở độ tuổi tứ tuần có cơ hội thụ thai thấp hơn ở tuổi ba mươi. Ít hơn nữa, chỉ 32% hiểu rằng không nhất thiết lối sống lành mạnh sẽ đảm bảo khả năng sinh sản.

Nhiều phụ nữ không tìm sự giúp đỡ hoặc điều trị để cải thiện cơ hội thụ thai. Nguy hiểm hơn, nhiều phụ nữ tin rằng số phận đóng vai trò quan trọng trong khả năng sinh sản. Sự thiếu kiến thức về hiếm muộn ở các phụ nữ được khảo sát còn thể hiện ở chỗ họ không nắm về vấn đề sinh sản nam giới.

Khoảng 30% phụ nữ Việt Nam được khảo sát vẫn không chủ động tìm kiếm sự trợ giúp về chuyên môn, ngay cả khi họ nghi ngờ mình có vấn đề sinh sản. 30% phụ nữ được khảo sát cố gắng có thai hơn sáu tháng, nhưng không biết trung tâm sức khoẻ sinh sản gần nhất của họ nằm ở đâu.

Rào cản lớn nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ là chi phí điều trị vô sinh cao. Những phụ nữ tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn và tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán là những người chủ yếu được điều trị.

Kết quả nghiên cứu này rất có giá trị, giúp các cơ quan hoạch định chính sách phù hợp thực tiễn; đưa ra các giải pháp giúp các cặp vợ chồng hiến muộn tăng khả năng có con.

Theo một thống kê chưa đầy đủ cho thấy tại Hà Nội có khoảng 13% số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con nếu không có can thiệp y tế. Còn nghiên cứu mang quy mô cả nước được thực hiện tại tám vùng sinh thái thì tỷ lệ này là 7%.

Đối với những phụ nữ Việt Nam được khảo sát cho thấy có hơn 50% cảm nhận rằng người chồng sẵn sàng làm cha có ảnh hưởng lớn hơn sự sẵn sàng của riêng họ. Những ảnh hưởng khác là: công việc, sức khỏe cá nhận, tầm quan trọng của em bó đối với văn hóa, tôn giáo và trong cộng đồng.

PGS, TS Nguyễn Viết Tiến đánh giá có rất nhiều cặp vợ chồng ở Việt Nam “trong bóng tối” nhưng vẫn duy trì tình trạng lạc quan nói chung và không tìm kiếm việc điều trị nhằm cải thiện nhưng cơ hội có thai.

Thiếu sót thông tin về sinh sản ở Việt Nam:

- 48% không biết rằng phụ nữ ở độ tuổi 40 có ít cơ hội có thai hơn ở độ tuổi 30.

- 75% không biết béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản.

- 60% không biết rằng người phụ nữ không có kinh nguyệt thì không còn khả năng sinh sản.

- 54% không biết rằng các cặp vợ chồng được xem là vô sinh nếu họ không có thai sau một năm cố gắng.

- 56% không biết rằng người đàn ông có thể vô sinh ngay cả khi anh ta có thể sản xuất tinh trùng.