Hơn 6.800 người đăng ký hiến tạng

NDO -

NDĐT - Sau hơn ba năm thành lập, đến nay, Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia đã nhận được đăng ký hiến tạng của hơn 6.800 người. Nhiều người đã vượt qua được sự sợ hãi của cái chết phải vẹn nguyên để hiến tạng cứu người.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc tặng hoa cảm ơn Lê Hữu Toàn.
Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc tặng hoa cảm ơn Lê Hữu Toàn.

Những câu chuyện cảm động

Ngày 7-2-2017, sau chuyến đi dài hơn 100km từ Thanh Hóa ra Hà Nội, chàng trai 9X Lê Hữu Toàn (Đác Lắc) đã có cuộc gặp ngắn với Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc để nói về tâm nguyện hiến tạng của mình.

Là một phượt thủ, Lê Hữu Toàn đã bắt đầu hành trình xuyên Việt của mình từ đất mũi Cà Mau vào ngày 23-12-2016. Trước khi bước vào chặng đi dài nhiều thử thách này, Toàn đã tình nguyện đăng ký hiến xác khi chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Là con trai duy nhất trong nhà, Toàn cũng mất khá nhiều thời gian để thuyết phục gia đình và ba chị em gái trước quyết định này. Nhưng với một tâm nguyện đầy nhân văn, cậu con trai còn trẻ tuổi này đã làm yên lòng cả gia đình khi bước vào hành trình đạp xe xuyên Việt.

Đang là một thầy giáo dạy Vovinam tại Trung tâm Thể dục Thể thao Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Hữu Toàn đã chuẩn bị cho mình một sức khỏe bền bỉ với số tiền khoảng 10 triệu đồng cho hành trình dài mà cậu dự kiến sẽ cần tới hai tháng đi khắp mọi miền Tổ quốc. Sau 34 ngày, cậu đã kịp về quê Thanh Hóa ăn Tết và trở lại Hà Nội vào ngày 5-2 để bắt đầu hành trình đi lên vùng Tây Bắc, tới điểm đầu Tổ quốc Hà Giang.

Dù không có mục đích nói về mình để trở thành người nổi tiếng, nhưng câu chuyện đăng ký hiến tạng của một phượt thủ như Toàn đã làm cộng đồng mạng "Ờ phượt đi" cảm động, chia sẻ và ủng hộ. Sinh năm 1993, còn quá nhiều hành trình dài phía trước để phấn đấu và cống hiến, nhưng câu chuyện đăng ký hiến tạng của Toàn đang dần trở thành một biểu tượng của lòng nhiệt huyết và một tinh thần rất nhân văn của giới trẻ. Vì thế, sau chuyến đi xuyên Việt mà Toàn dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 2 này, Toàn sẽ trở lại với công việc là một thầy giáo, và sẽ có những hoạt động tuyên truyền sâu rộng để kêu gọi mọi người cùng đăng ký hiến tạng.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, hầu hết các trường hợp khi cầm trên tay thẻ đăng ký hiến tạng đều rất hạnh phúc. Xã hội đang ngày càng mở lòng và sẵn sàng hy sinh hiến tạng. Càng ngày càng nhiều người trẻ đến với chúng tôi đăng ký hiến tạng. Những trường hợp như Lê Hữu Toàn khiến chúng tôi rất ấm lòng và cảm động.

Nhắc đến những câu chuyện cảm động về hiến tạng, Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Phúc rất cảm kích trước tấm lòng của một người mẹ ở Hà Nội. Sau khi quyết định hiến toàn bộ phần cơ thể của con mình khi con bị chết não, con bà đã cứu hơn 10 người. Bà rất hạnh phúc và không hề tỏ ra hối tiếc vì quyết định hiến tạng con mình.

Phó Giám đốc Phúc cho biết thêm, trước Tết, có một bệnh nhân 60 tuổi ở đường Láng Hạ biết mình không thể sống lâu hơn nữa đã tình nguyện đăng ký hiến tạng. Ít lâu sau khi bà mất, người nhà đã rất bình tĩnh thông báo tới Trung tâm để các bác sĩ nhanh chóng liên kết với Ngân hàng Mắt nhận giác mạc của cụ bà.

Ngoài những câu chuyện cảm động về hiến tạng cứu người, có không ít những bà mẹ vô cùng đau lòng vì muốn hiến tạng con mình mà không có cơ hội. Phó Giám đốc Phúc chia sẻ, ngay trước Tết, có một người mẹ gọi điện đến Trung tâm xin hiến tạng con trai mình. Sau tai nạn giao thông, bốn tháng qua người con trai này phải sống thực vật nhưng chưa chết não. Giờ đây, khi gia đình kiệt quệ sức lực vì chăm cậu con trai chỉ còn tính bằng ngày, bà có tâm nguyện xin hiến toàn bộ cơ thể nhưng Trung tâm chưa thể nhận lời ngay vì để nhận tạng phải xác định bệnh nhân chết não.

Một trường hợp khác, bà mẹ trẻ có con không qua khỏi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bà muốn hiến một phần cơ thể của con mình nhưng vì em bé mất lâu nên không đủ điều kiện để hiến tạng. Nỗi đau đó trong lòng người mẹ càng tăng lên vì khi muốn cống hiến, muốn giữ lại một phần của con mình cũng đã không thực hiện được tâm nguyện.

Hơn 6.800 người đăng ký hiến tạng

Với nhiều quan điểm ngày càng nhân văn không cần phải giữ sự vẹn nguyên của cơ thể khi chết, trong ba năm qua, sau khi thành lập Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, từ không có ai đăng ký hiến tạng thì đến nay, theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Phúc, đã có hơn 6.800 người đăng ký hiến tạng.

Từ 265 trường hợp đăng ký hiến tạng khi chết, chết não tính vào năm 2014 thì đến ngày 7-2-2017, con số này tăng lên là 6.826 trường hợp (tại Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia là 3.911 trường hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy là 2.915 trường hợp).

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Phúc cho biết thêm, đến nay, tổng số người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 47 trường hợp, và có 50 người đăng ký hiến xác tại Trung tâm.

Theo con số mới nhất vừa cập nhật, hiện nay có 2.202 ca ghép tạng thành công tại Việt Nam, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là ghép thận là 2.106 ca, ghép gan là 68 ca, ghép tim 15 ca. Bác sĩ Phúc cho biết trong số các ca được ghép tạng tại Việt Nam thì có tới 90% là hiến khi còn sống, đặc biệt là trong lĩnh vực ghép thận.

Sau những thành công của ghép thận, tim, tụy, gan, giác mạc, gân, xương sụn, mạch máu... tới đây, ngành y tế sẽ tiến hành ghép phổi.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết, ngành y tế đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiến tạng. Vì một người đăng ký hiến tạng sẽ có khả năng cứu sống tới 10 người khác, kể cả những người ở độ tuổi 80 thì giác mạc của họ vẫn vô cùng tốt để có thể hiến tạng cứu người khác. Tuy nhiên, ngành y tế chỉ khuyến khích hiến tạng khi người bị chết não.