Chủ động bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng

Đợt nắng nóng liên tục trong mấy tuần nay đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và mô hình bệnh tật cũng có sự thay đổi theo hướng gia tăng các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Do vậy, bên cạnh việc cấp cứu, điều trị cho người bệnh, các chuyên gia y tế cũng đưa ra những khuyến cáo giúp người dân phòng chống các bệnh do nắng nóng.

Người lao động làm việc ngoài trời dưới nắng nóng gay gắt. Ảnh: MỸ HÀ
Người lao động làm việc ngoài trời dưới nắng nóng gay gắt. Ảnh: MỸ HÀ

Theo thống kê ở một số bệnh viện, công suất sử dụng giường bệnh mới đạt 80 đến 85% do số lượng người bệnh đến khám, điều trị không cao. Tuy nhiên, cũng đã có một số trường hợp phải cấp cứu do ảnh hưởng của nắng nóng. Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho một trường hợp (nam, hơn 40 tuổi) đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Khi được đưa đến bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt hơn 41oC, mất nước nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán, xác định người bệnh bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Người bệnh được hỗ trợ thở, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá. Kết quả chụp phim CT cho thấy có tổn thương phù não; các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể... Với rất nhiều nỗ lực, các y sĩ, bác sĩ đã cứu được tính mạng, nhưng người bệnh không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9 cho biết, cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37oC. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường vào, vì thế nguy cơ tăng thân nhiệt là rất cao. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể sẽ thực hiện các cơ chế điều tiết để giữ thân nhiệt. Thế nhưng, nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, các cơ chế đó sẽ không còn hiệu quả, khi nhiệt độ tăng lên hơn 41oC kéo dài, nó sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn dẫn đến hôn mê, co giật.

Do vậy, mọi người dân cần lưu ý, thực hiện những biện pháp phòng, chống các bệnh do nắng nóng. Những người cần đặc biệt lưu ý là: Người bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng (nông dân, công nhân xây dựng, người tham gia giao thông đi xe đạp, xe máy trên đường trong thời gian dài… Với những người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mãn tính... khi nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bất ổn các bệnh lý đang mắc có thể dẫn tới những biến chứng không thể lường trước được. Còn đối với những người cao tuổi, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém cho nên dễ bị thiếu nước...

Các bác sĩ cho biết, người bị sốc nhiệt có các biểu hiện ban đầu như mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu. Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng, việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu nạn nhân. Cần nhanh chóng chuyển người bệnh ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân; nếu người bệnh tỉnh, cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt và nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp đưa đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ có thể khám, đánh giá tình trạng cho người bệnh...

Trong những ngày nắng nóng, vẫn có nhiều người phải làm việc ngoài trời, di chuyển trên đường... do vậy các bác sĩ khuyến cáo, nếu phải ở lâu ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ đến 15 giờ (thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất). Mỗi người cần có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng cũng như che chắn khi làm việc ngoài trời. Cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng, thì cứ sau khoảng thời gian nhất định cần vào chỗ mát tạm nghỉ 10 đến 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 đến 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa... Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột và khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài vì rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Với trẻ em, PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong những ngày nắng nóng, số lượng trẻ đến khám, điều trị không cao, thậm chí thấp hơn dịp hè những năm gần đây. Đáng chú ý, những bệnh mà dịp hè những năm trước có số trẻ mắc cao như: cúm, tay chân miệng, viêm màng não... thì hiện chỉ lác đác vài trường hợp. Tuy nhiên, nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng đối với sức khỏe trẻ em, bác sĩ Trần Minh Điển khuyến cáo hạn chế việc cho trẻ ra ngoài khi trời nắng, cần lựa chọn nơi có nhiều bóng râm, có môi trường thông thoáng và cho trẻ uống nước nhiều. Mặc dù đã vào hè, nhưng do thời gian nghỉ giãn cách xã hội trước đó, trẻ vẫn đang đến trường học. Do vậy tại những trường, lớp không có điều hòa nhiệt độ cần che, chắn nắng và các thầy giáo, cô giáo cần chú ý, khuyến khích học sinh uống nhiều nước, giữ môi trường thông thoáng... Các trường cũng không nên tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại trong dịp này. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần lưu ý, khi cho con trẻ tham gia hoạt động bơi lội phải có người lớn giám sát để tránh đuối nước...

Ngày 26-6, Bộ Y tế có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, viện trực thuộc về việc bảo đảm công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong điều kiện nắng, nóng kéo dài. Theo đó, các sở y tế tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm y tế ứng phó tình hình nắng, nóng kéo dài; tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng, uống đủ nước khi làm việc ngoài trời vào lúc cao điểm nắng nóng trong ngày, bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; rà soát, bổ sung các phương tiện phòng, chống nắng, nóng tại các khu vực có mật độ người bệnh đến khám bệnh và điều trị. Tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung điều trị, có phương án xử lý trong trường hợp người bệnh đến đông; chuẩn bị các đội y tế cơ động sẵn sàng cơ động hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu…