Bảo vệ trẻ em trước khói thuốc

NDO -

NDĐT – Ước tính mỗi năm có tới 165 nghìn trẻ em trên toàn cầu chết trước năm tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra. Khói thuốc lá, không chỉ tàn phá cơ thể người hút, mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho chính gia đình và mọi người chung quanh khi hít phải khói thuốc thụ động.

Trẻ em mắc nhiều bệnh về hô hấp khi hít phải khói thuốc lá. (Ảnh minh họa)
Trẻ em mắc nhiều bệnh về hô hấp khi hít phải khói thuốc lá. (Ảnh minh họa)

69 chất gây ung thư trong khói thuốc lá

Quá nhiều hệ lụy từ thuốc lá gây ra mà nhiều người không nhận thức hết được. Thuốc lá không chỉ gây ra ung thư phổi – bệnh lý trực tiếp cho người hút thuốc lá, mà nó còn gây ô nhiễm không khí trầm trọng, gây ra các bệnh lao phổi, và đặc biệt là ảnh hưởng tới trẻ em.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới năm giờ đồng hồ kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Trong môi trường khép kín hay tại các khu vực riêng ở trong nhà, khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn.

Với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 là chất gây ung thư, sự ô nhiễm các chất độc hại trong khói thuốc là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, các bệnh hô hấp mãn tính và giảm chức năng phổi cho những người sống và làm việc tại các nơi này. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi.

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp đôi những người không hút thuốc. Ở những bệnh nhân đang mắc bệnh lao, nếu tiếp tục hút thuốc thì sự kết hợp của bệnh lao với các tác hại của khói thuốc lá, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tàn tật và tử vong do suy hô hấp.

Một thực tế nữa, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 2/3 số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu. “Hút thuốc thụ động (như tại các nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín...) cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc”, ông Khuê nói.

Đặc biệt, khói thuốc lá ảnh hưởng trầm trọng đến hệ hô hấp của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc từ khi còn ở trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển chức năng phổi. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị phát bệnh hen suyễn hoặc làm bệnh hen trầm trọng hơn, tăng nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản và thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Trẻ em hút thuốc thụ động từ khi còn nhỏ có thể phải chịu những hậu quả sức khỏe ở tuổi trưởng thành như tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do việc bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ.

Hướng tới môi trường không có khói thuốc lá

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, báo cáo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa điểm. Trong đó, giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%; tại gia đình giảm từ 73,1% xuống 59,9%; tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống còn 42,6%.

Bên cạnh đó, nhận thức về tác hại đến sức khỏe của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động cũng tăng so với năm 2010. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%.

Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy hiệu quả của việc truyền thông, vận động mọi người thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe bằng việc giảm hút thuốc lá, giảm tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Với Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 2019 là “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, để đạt được mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) nhằm giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm gây ra vào năm 2030, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng trên toàn thế giới.

Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường phòng chống tác hại của thuốc lá thông qua việc thực hiện đầy đủ và mạnh mẽ các nội dung của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời tăng cường thực thi các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, theo ông Khuê, ở cấp độ gia đình, các bậc cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình, cộng đồng cần thực hiện các biện pháp để thực hiện môi trường trong lành không có khói thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và con cái, người thân của mình.

Hằng năm, vào ngày 31-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá. Chiến dịch là cơ hội để nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.

Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 là "Thuốc lá và các bệnh về phổi". Các Chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường nhận thức về: Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe: từ các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mãn tính; vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người; kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; tăng cường sự quan tâm và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.