Áp-xe vành tai vì bấm khuyên tai dạo

NDO -

Chỉ một tuần sau bấm khuyên tai ở một cửa hàng, cô gái N.T.H. (24 tuổi, ở Hà Nội) đã bị áp -xe vành tai, phải nhập viện điều trị. Một lần nữa, các bác sĩ lên tiếng cảnh báo tình trạng bấm khuyên tai dạo, không bảo đảm vô trùng gây ra những biến chứng, thậm chí hoại tử vành tai. 

Bệnh nhân bị áp xe vành tai sau khi bấm khuyên vành tai.
Bệnh nhân bị áp xe vành tai sau khi bấm khuyên vành tai.

Trước đó, qua mạng xã hội, H. biết đến cửa hàng bấm lỗ tai trên đường Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội). Dù đã có hai lỗ tai từ nhỏ, nhưng do muốn đeo khuyên trên vành tai nên H. đã tìm đến cửa hàng này. Sau khi bấm một lỗ ở sụn vành tai trái với giá 150.000 đồng. Bốn ngày sau, tai H. bắt đầu sưng đỏ, sau đó càng sưng to, đau và có mủ. Chịu đựng đau đớn hai ngày nữa, H. mới đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám. Kết quả, cô phải nhập viện điều trị.

PGS, TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh nhân H. vừa trải qua ca mổ viêm sụn vành tai được vài ngày. Đây là trường hợp bấm khuyên tai nhưng không bảo đảm vô khuẩn, dẫn tới bị áp-xe.

Áp-xe vành tai do bấm khuyên tai dạo không phải là trường hợp hiếm gặp tại bệnh viện vì các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận rất nhiều ca bệnh bị áp-xe, nhiễm trùng sau khi bấm khuyên tai, đặc biệt là bấm ở sụn vành tai. Bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 15-25.

Có nhiều bạn trẻ đã có hai lỗ tai, nhưng muốn tạo cá tính đã đi bấm khuyên ở vành tai, khi bị sưng, mưng mủ nhưng lại nghĩ là bình thường, tự mua giảm đau ở nhà uống.  Có nhiều ca khi tới viện thì ổ áp-xe bị nhiễm trùng nặng, không giữ được vành tai nguyên vẹn. Với những trường hợp này, bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân phẫu thuật tái tạo lại vành tai.

Biến chứng hay gặp nhất sau bấm lỗ tai, xỏ khuyên là viêm sụn vành tai. Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai. Bấm lỗ tai có thể bị nhiễm trùng bất cứ ở đâu, tuy nhiên khuyên đi qua sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và khó điều trị hơn nhiễm trùng qua thùy tai hoặc các mô mềm ngay phía trên thùy.

PGS, TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết, toàn bộ vành tai thì cấu trúc sụn rất tinh tế. Khi gặp áp-xe, sụn tiêu đi, dẫn đến tai nhăn nhúm như mộc nhĩ. Điều trị viêm sụn vành tai rất phức tạp vì vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Nếu bệnh nhân đến viện muộn, dẫn tới hoại tử hết vành tai khiến cho vành tai bị biến dạng, chỉ còn lại một nhúm, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Những trường hợp này phải phẫu thuật tạo hình lại vành tai.

BS Cảnh cho biết, việc người dân tự đi bấm khuyên tai ở những cửa hàng gội đầu, matxa, bấm tai dạo rất nguy hiểm. Ở những điểm này, dụng cụ bấm lỗ tai là một “khẩu súng” và hộp đựng những mẫu khuyên tai. Người thực hiện không có chuyên môn, không găng tay, không vệ sinh dụng cụ, không thuốc sát trùng gây ra tình trạng nhiễm trùng. 

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng dụng cụ không bảo đảm vô trùng, dùng nhiều lần từ người này sang người kia có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan B, thậm chí lây nhiễm HIV.

"Nếu các bạn trẻ muốn bấm lỗ tai, xỏ nhiều lỗ ở vành tai, phải tìm đến cơ sở y tế để bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn thực hiện, không nên giao tính mạng ở những cơ sở bấm lỗ tai dạo, nơi không có chuyên môn và dụng cụ không bảo đảm vô trùng", BS Cảnh khuyến cáo.