Ẩn họa sau thú chơi thuốc lá điện tử

Khi “mốt” shisha vỉa hè dần lắng xuống, giới trẻ lại tiếp tục truyền tay nhau thú chơi mới: vape (tạm dịch: thuốc lá điện tử). Nhỏ gọn, dễ sử dụng và nhiều… khói, vape nhanh chóng trở thành “cơn sốt” của các thanh niên thích tỏ ra “sành điệu”. Thế nhưng, với xuất xứ thiết bị mập mờ, chất lượng thật - giả lẫn lộn, tự pha chế thêm để sử dụng… vape tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Một thanh niên đang chuẩn bị "đồ nghề" để hút vape.
Một thanh niên đang chuẩn bị "đồ nghề" để hút vape.

Tại nhiều con phố trung tâm của Thủ đô như Tô Hiến Thành, Triệu Việt Vương, Bà Triệu… không khó nhận ra các quán cà-phê, cửa hàng trưng biển “vape” với đầy đủ số nhà, điện thoại, địa chỉ mạng xã hội. Trong những nơi mà người chơi vape gọi là “căn cứ” này, không gian đặc sệt khói như… cháy nhà, hàng chục bạn trẻ cả nam và nữ đang “phun mây” một cách thích thú giữa tiếng cười nói ồn ào. Trên các kệ gỗ, hàng trăm bộ dụng cụ và các chai dung dịch đủ loại nhãn mác bắt mắt bày la liệt. Tại quầy hàng, các nhân viên thay nhau “châm” vape, hút biểu diễn.

Vape là thiết bị điện tử hình dáng như chiếc hộp cầm vừa bàn tay, trên đầu gắn một buồng đốt. Bên trong buồng đốt là dây may-so, công dụng đốt dung dịch đặc chế thành hơi nước. Người dùng ngậm trực tiếp vào đầu buồng đốt để hút. Khảo sát một số cửa hàng cho thấy, giá cả các loại thiết bị vape phụ thuộc vào công suất đốt, dao động từ vài trăm nghìn tới bốn triệu đồng, thậm chí có thể cao hơn. Buồng đốt cũng có nhiều loại, hàng “chính hãng” có giá từ năm trăm nghìn đồng trở lên, hàng “nhái” chỉ khoảng hai trăm nghìn đồng. Mặc dù vậy, theo thông tin ban đầu, phần lớn cả thiết bị và buồng đốt đều xuất xứ từ Trung Quốc, không có tem nhập khẩu cũng như tem kiểm định chất lượng.

Theo quảng cáo từ nhân viên một cửa hàng vape trên phố Tô Hiến Thành, các loại thiết bị bán tại đây đều là "đồ xịn". Tuy nhiên, khi tôi tỏ ý muốn mua kèm hóa đơn bán lẻ thì cậu nhân viên từ chối, kèm theo câu trả lời cụt ngủn: “Hàng xách tay không có hóa đơn”. Thấy vẻ lo ngại của tôi, anh ta chuyển sang giới thiệu những “lợi ích” của vape như: “chơi vape là nhả hơi nước nên không độc cho cả người hút và người hít thụ động”, rồi “vừa không bị hôi miệng, lại thể hiện đẳng cấp…”, Để tăng tính thuyết phục, cậu lấy một bộ thiết bị rồi rít một hơi dài, ra vẻ khoan khoái.

Bên cạnh những cửa hàng bày bán công khai trên đường phố, các thiết bị vape giờ đây cũng đã tràn ngập các trang mạng xã hội. Chỉ cần gõ “vape” trên facebook, hàng trăm địa chỉ mua bán các loại vape và phụ kiện sẽ hiện ra với những cái tên như “Bách hóa vape”, “Thiên đường vape”, “Câu lạc bộ mây”… Đó là chưa kể các nhóm trao đổi, mua bán tự do có số lượng thành viên lên tới sáu nghìn đến bảy nghìn tài khoản. Trong vai một người có nhu cầu mua vape và phụ kiện số lượng lớn để mở cửa hàng, tôi dễ dàng đặt vấn đề với một tài khoản khẳng định có “giá đổ buôn hợp lý nhất miền bắc”. Với một sản phẩm có giá khoảng một triệu đồng trên thị trường, người này thương lượng bán giá 600 nghìn đồng nếu lấy hơn 50 chiếc. “Hàng Trung Quốc mới có giá đó, nhưng chất lượng rất bảo đảm” - vị “thương gia” này cam đoan.

Nếu như thị trường vape đang tràn ngập các loại hàng khác nhau, thì các loại dung dịch - hay “tinh dầu” theo định nghĩa của các bạn trẻ chơi vape - lại có đủ xuất xứ: từ Mỹ, Pháp, Nga… cho tới Ma-lai-xi-a, Hồng Công (Trung Quốc) và đáng chú ý hơn là cả những loại tinh dầu tự pha chế “nội địa”. Giới chơi vape rỉ tai nhau rằng, ngoại trừ “hàng xách” từ Mỹ, hầu hết các loại tinh dầu, dù được quảng cáo thế nào, đều có nguồn gốc Trung Quốc. Ngoài xuất xứ, giá tinh dầu còn phụ thuộc nồng độ ni-cô-tin (3 mg, 6 mg và 12 mg). Giá tinh dầu dán nhãn Mỹ luôn ở mức cao nhất, khoảng 400 đến 600 nghìn đồng cho một chai dung tích 30ml. Thấp hơn lần lượt là các loại tinh dầu Pháp, Nga, Ma-lai-xi-a, Hồng Công (Trung Quốc)… rồi tới loại “tự chế”, chỉ từ 100 đến 200 nghìn đồng một chai dung tích 30ml.

Giới chơi vape có hẳn “thuật ngữ” riêng để định nghĩa việc hút vape: “băm”. Phần lớn các tay chơi “sành điệu” sử dụng tinh dầu “ngoại nhập”, nhưng cũng có không ít bạn trẻ thích “băm” dung dịch tự chế. Vấn đề cần quan tâm là, hoạt động pha chế này diễn ra như thế nào? Các cửa hàng bán tinh dầu tự chế thường nằm sâu trong ngõ, ngách. Đến một cửa hàng nằm khuất sâu trong ngõ trên phố Huế, tôi được tư vấn đủ loại tinh dầu: từ vị táo, chanh cho tới bánh ngọt, sữa chua, rồi mùi cà-phê, xì-gà… Nhân viên tại đây cho biết, khách hàng có thể lựa chọn thêm ni-cô-tin với hàm lượng 3mg hoặc 6mg với tất cả các loại sản phẩm của cửa hàng. “Sắp tới, cửa hàng sẽ giới thiệu thêm nhiều loại mùi mới, kèm lựa chọn hàm lượng ni-cô-tin lên tới 12 mg”, nhân viên này không quên giới thiệu.

VAPE đang lan nhanh thành một trào lưu của những thanh, thiếu niên thích đua đòi. Hình ảnh nhiều cặp nam thanh nữ tú thả hồn theo làn khói đặc trong các quán nước ven đường, hay một chàng trai thản nhiên phì phèo vape khi đang tham gia giao thông không còn hiếm thấy. Cùng với đó là tình trạng các loại thiết bị vape có xuất xứ mập mờ, hàm lượng chất gây nghiện trong dung dịch vape đang bị thả nổi. Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn (Bệnh viện Phổi T.Ư), nhận định: “Nguyên lý hoạt động của các loại thuốc lá điện tử dựa trên việc phóng thích ni-cô-tin qua hơi nước để người dùng hít vào phổi. Một số loại dung dịch dành cho thuốc lá điện tử hiện đại còn được bổ sung các chất tạo khói, tạo mùi. Những chất này đều phải được kiểm soát và cấp phép sử dụng bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trên thế giới, các bác sĩ chỉ cho phép bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử trong trường hợp tất cả các biện pháp cai thuốc lá khác không mang lại hiệu quả. Tại Việt Nam, tất cả dược phẩm chứa ni-cô-tin đều bị cấm, trừ một vài loại thuốc cai nghiện thuốc lá do Bộ Y tế cấp phép. Việc tự pha chế dung dịch dùng cho thuốc lá điện tử rất nguy hiểm, không ai có thể bảo đảm trong dung dịch đó có những thành phần gì, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao...”.