Vì sao việc sáp nhập bản ở Kỳ Sơn gặp khó?

NDO -

NDĐT - Sau nhiều tháng triển khai chủ trương sáp nhập bản ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đến nay mới có một trên năm cặp bản được người dân đồng tình phương án sáp nhập. Vì sao việc sáp nhập bản ở huyện miền núi cao này gặp khó như vậy?

Vận động người dân ở bản Huồi Ngôi sáp nhập bản.
Vận động người dân ở bản Huồi Ngôi sáp nhập bản.

Sáp nhập trong không khí đại đoàn kết

Xã biên giới Nậm Càn có hai bản Huồi Nhao và Sơn Thành nằm liền kề trong diện sáp nhập. Hai bản người Mông này trước đây là một, từ Huồi Nhao tách ra. Bản Huồi Nhao có 41 gia đình họ Xồng và bản Sơn Thành có 19 gia đình họ Mùa. Hai họ này vốn có truyền thống đoàn kết, cùng nhau canh tác trên một vùng đất chung, nhiều gia đình là thông gia, họ hàng… Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn Thò Bá Rê cho biết: Xác định được chủ trương sáp nhập hai bản là cần thiết cho việc ổn định, phát triển lâu dài, nên ngay sau khi có chủ trương sáp nhập, cấp ủy và chính quyền cùng hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Với đặc thù địa hình, cũng như các bản vùng cao khác, tuy gọi là liền kề nhưng hai bản vẫn cách xa nhau gần 3 km đường rừng nên người dân ái ngại rằng sau khi sáp nhập, việc đi lại sinh hoạt bản sẽ khó khăn hơn và giấy tờ hành chính liên quan. Ban quản lý hai bản cũng băn khoăn, sau sáp nhập mình có được làm việc nữa không?… Xã đã thành lập hai đoàn công tác do Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã làm trưởng đoàn xuống cùng họp bàn với người dân. Từ họp toàn thể dân bản, đến từng nhà tuyên truyền vận động, nhất là đối với những người có uy tín trong bản. Rồi tiến hành tổ chức bỏ phiếu đồng ý sáp nhập bản lần thứ nhất; sau đó tiếp tục tuyên truyền, vận động và bỏ phiếu lần thứ hai đối với những hộ không đồng ý lần thứ nhất... Đoàn công tác đã kiên trì tuyên truyền, vận động từng người dân cho đến khi họ thống nhất việc sáp nhập.

Ông Xồng Bá Lầu ở bản Huồi Nhao tâm sự: Ban đầu chỉ nhìn thấy khó khăn nên cũng chưa ưng cái bụng lắm. Nhiều lần nghe cán bộ xã bản giải thích, mình mới hiểu sự cần thiết của việc nhập bản nên đã đồng ý! Trước sự băn khoăn về cách trở giao thông, dịp này xã cũng tranh thủ sự hỗ trợ của huyện trong việc làm đường nối hai bản và quy hoạch điểm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng mới (sau khi hai bản sáp nhập) nên đã tạo sự tin tưởng cho người dân. Với cách triển khai đồng bộ, quyết liệt, Nậm Càn trở thành đơn vị đầu tiên của huyện Kỳ Sơn cơ bản hoàn thành các bước sáp nhập bản.

Phải quyết liệt, mềm dẻo

Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn Phan Đăng Tuấn cho biết: Trong số 193 khối, bản của huyện Kỳ Sơn thì có 36 khối, bản chưa đạt quy mô số hộ theo quy định phải tiến hành sáp nhập. Trong số này, có đến 26 bản không thể sáp nhập vào bản liền kề do khoảng cách địa lý quá xa, địa hình vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn hay do phong tục tập quán và chỉ có 10 bản đủ các điều kiện để tiến hành sáp nhập vào bản liền kề. Tuy nhiên, sau nhiều tháng triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhập bản, ngoài cặp bản ở xã Nậm Càn thì đến nay bốn cặp bản còn lại tại hai xã Na Loi và Na Ngoi vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, nguyên do chủ yếu là các cặp bản này vốn là một bản, nhưng do có sự xích mích về dòng họ nên đã tách ra thành hai bản, do vậy, hiện nay sau khi có chủ trương cho sáp nhập lại nhân dân hai bản chưa chấp thuận. Báo cáo còn nhấn mạnh: “Trường hợp nếu sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động chung và không xây dựng được khối đại đoàn kết trong bản”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì không hoàn toàn như vậy, nhất là đối với cặp bản: Đồn Boọng - Huồi Ngôi và Phù Quặc 1 - Phù Quặc 2.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã biên giới Na Loi Pịt Thị Hà: Năm 1988, bản Huồi Ngôi, đa số là người Khơ Mú được tách ra từ bản Đồn Boọng. Hai bản ở liền với nhau trên tuyến đường từ Huồi Tụ đi Na Loi. Từ trước đến nay họ sống đoàn kết, nhiều gia đình ở hai bản là anh em họ hàng, thông gia. Đất sản xuất và chăn nuôi sử dụng lẫn nhau… Qua tuyên truyền vận động, trong lúc hầu hết 81 hộ dân ở bản Đồn Boọng đồng ý sáp nhập thì nhiều người dân trong số 45 hộ dân ở bản Huồi Ngôi chưa đồng tình. Lý do cơ bản mà người dân Huồi Ngôi đưa ra, là sợ sau khi sáp nhập, dân Đồn Boọng “tràn” qua, phải “chia” phí bảo vệ môi trường rừng và đất sản xuất...

Bí thư Đảng ủy xã Na Loi Lô Thanh Năm thừa nhận: Điều quan trọng là cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị chưa vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền vận động cho hơn 40 hộ dân ở bản Huồi Ngôi. Cùng với đó là sự đầu tàu, gương mẫu của Ban quản lý bản và 16 đảng viên ở bản này chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền vận động người dân.

Đối với cặp bản Phù Quặc 1, Phù Quặc 2 (đều 42 hộ/bản), mặc dù người dân đồng tình khá cao nhưng theo “cái lý” mà Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi Xồng Xái Xo đưa ra là do khoảng cách hai bản khá xa, (gần 3 km) nên việc duy trì, điều hành công việc hằng ngày của Ban quản lý bản cũng như sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, tuy cùng xa 3 km như nhau, cặp bản ở đây lại nằm trên trục QL 7B, đi lại thuận lợi hơn hơn so với cặp bản ở Nậm Càn, nhưng vì sao Nậm Càn thì làm được còn việc sáp nhập ở đây vẫn giẫm chân tại chỗ? Trước câu hỏi này của phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi giải thích: “Đợi chỉ đạo từ huyện để cùng hai cặp bản còn lại làm luôn thể”.

Cũng tại xã Na Ngoi, việc sáp nhập hai cặp bản: Buộc Mú 1 - Buộc Mú 2 và Tổng Khu - Ca Nọi xem ra còn khó khăn hơn cả bởi trước đây, các cặp bản này tách ra đều do mất đoàn kết dòng họ. Qua trao đổi, lãnh đạo địa phương đều cho rằng, các bản ở gần nhau, số hộ từng bản ít nên cần phải sáp nhập để tạo sức mạnh cho bản. Nhưng mỗi bản đều ra một “cái lý” riêng để không muốn sáp nhập.

Theo Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Mùa Dua Thái: Khi làm công tác vận động sáp nhập cặp bản Buộc Mú, thì bản Buộc Mú 1 yêu cầu bản Buộc Mú 2, trước khi sáp nhập vào thì phải hứa hòa giải (xin lỗi) trước đã, còn không, Buộc Mú 1 xin nhập với các bản khác cho dù ở cách xa hơn so với Buộc Mú 2. Còn Buộc Mú 2 cũng đưa ra cái lý, sáp nhập là do yêu cầu tổ chức nên chúng tôi không hòa giải hay xin lỗi gì hết. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Na Ngoi: Cặp bản Tổng Khu - Ca Nọi ở rất gần nhau nhưng do mất đoàn kết nội họ âm ỉ kéo dài nên nếu có sáp nhập thì ban quản lý bản xin rút lui, bàn giao lại cho xã vì không thể hóa giải mất đoàn kết này.

Ngoài sáp nhập các cặp bản, ở Kỳ Sơn còn có việc sáp nhập một số bản lân cận của các địa phương vào thị trấn Mường Xén - huyện lỵ Kỳ Sơn do chưa đạt cả hai tiêu chí diện tích và dân số. Qua khảo sát, phương án thống nhất là sáp nhập bốn bản của xã Tà Cạ cùng bản Khe Tỳ (Hữu Kiệm) và một phần bản Piềng Phô (Phà Đánh) vào thị trấn Mường Xén. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số người dân ở các bản sáp nhập vào thị trấn đều đang hưởng chế độ 30a, khi nhập vào sẽ mất chế độ này nên người dân không đồng thuận. Cùng với đó, khi sáp nhập bốn bản của xã Tà Cạ vào Mường Xén thì xã này lại không đạt cả hai tiêu chí. Tà Cạ là xã biên giới, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng; các bản còn lại nằm trong khu vực có đa dân tộc sinh sống nên rất khó sáp nhập với các xã lân cận.

Việc mất đoàn kết dòng họ của dân tộc Mông không phải là vấn đề mới, nhưng để hóa giải vấn đề này không hề đơn giản. Thiết nghĩ, ngoài việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác vận động, tuyên truyền cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị thì các địa phương cần tranh thủ tiếng nói của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong dòng họ để thuyết phục người dân xóa bỏ các mâu thuẫn trong cùng một dòng họ, giữa các dòng họ với nhau để cùng nhau đoàn kết thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng bản làng. Cùng với đó, tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ việc sáp nhập các bản ở vùng được hưởng chế độ 30a vào thị trấn của các huyện 30a, huyện miền núi đặc biệt khó khăn thì nên giữ nguyên chế độ cho các bản sáp nhập này.