Uống rượu lái xe, biết hại vẫn làm?

NDO -

NDĐT - Mặc dù đã bị tai nạn giao thông và phải nhập viện điều trị do uống rượu, bia và lái xe, có tới 67% số người bị tai nạn khi được phỏng vấn cho biết, họ vẫn tiếp tục lái xe sau khi say rượu, bia.

Lái xe Ngô Ngọc (SN 1968, trú xã Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) điều khiển ô-tô trong lúc say xỉn và có hành vi xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông, tối 27-10-2016. Lái xe này sau đó đã bị xử phạt
Lái xe Ngô Ngọc (SN 1968, trú xã Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) điều khiển ô-tô trong lúc say xỉn và có hành vi xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông, tối 27-10-2016. Lái xe này sau đó đã bị xử phạt

Thông tin trên được đưa ra trong kết quả “Nghiên cứu Ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam”, được công bố tại Hội thảo quốc gia, sáng 26-7, do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Hội An toàn giao thông Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD), phối hợp tổ chức.

Chỉ một lon bia, nguy cơ tai nạn tăng ba lần

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (năm 2016), gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu, bia.

Theo thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, xe máy gây ra 70-90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia và lái xe. Trong đó, nam giới gây ra 80-90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia và lái xe; tai nạn xảy ra vào buổi tối (18 giờ đến 24 giờ) và cao hơn vào các nghày cuối tuần.

Mặc dù công tác tuần tra, xử phạt, tuyên truyền, khuyến khích các dịch vụ lái xe đưa người uống về nhà đã và đang được tăng cường thực hiện, tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia vẫn phổ biến, khiến tình tình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp bất chấp các quy định luật pháp hiện hành.

Quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu, nhóm nghiên cứu về ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam, ghi nhận, có tới 62% số thực khách lái xe máy tới uống rượu, bia và cũng có 62% số thực khách tự lái xe máy ra về sau khi uống rượu. Con số này đối với thực khách lái ô-tô là 6%. Chỉ có 6-8% số thực khách được chở đến và chở về sau khi uống.

Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say, trong đó có 34% người có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% người xiêu vẹo. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ của những người này rất cao, cụ thể là 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.

Kết quả thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng lái xe máy ở Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức cho thấy, khi nồng độ cồn trong máu (BAC) = 20 mg/100 ml (tương đương với một vại hay một lon bia) thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao gấp ba lần so với trường hợp BAC = 0.

Khi BAC = 50 mg/100 ml (mức quy định hiện hành) thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao gấp bảy lần và khi BAC = 100mg/100ml thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao gấp 11 lần so với trường hợp BAC = 0.

67% số người bị tai nạn do rượu, bia vẫn tiếp tục lái xe sau khi uống rượu, bia

Khảo sát, phân tích chuyên sâu tâm lý hành vi người điều khiển xe máy nói chung, cho thấy người đi xe máy tự tiết lộ rằng hành vi lái xe sau khi uống rượu bia gây ra khoảng 11-17% các vụ tai nạn giao thông đối với bản thân họ. Thói quen uống rượu, bia hằng ngày hoặc hằng tuần làm gia tăng hành vi uống rượu, bia rồi lái xe. Nam giới và người làm việc thời vụ có xu hướng uống rượu, bia và lái xe thường xuyên hơn các nhóm khác. Hạn chế trong nhận thức về các tác động của rượu bia lên sức khỏe và khả năng kiểm soát tình huống nguy hiểm khi lái xe làm tăng mức độ thực hiện hành vi uống rượu, bia và lái xe.

TS Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức, cho biết, theo kết quả phỏng vấn 88 bệnh nhân bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia và lái xe, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), lý do chủ yếu các nạn nhân quyết định tự lái xe máy sau khi uống rượu, bia là “Tôi vẫn đi xe máy về an toàn sau khi uống rượu, bia như mọi khi” (45%); “Đi quãng đường ngắn nên tôi nghĩ là không sao hết” (26%).

“Những nạn nhân nghĩ mình vẫn bình thường đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy không bình thường hay bị say”, TS Vũ Anh Tuấn nói.

Uống rượu lái xe, biết hại vẫn làm? ảnh 1

TS Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu phát biểu tại hội thảo.

Mặc dù, sau khi bị tai nạn giao thông do rượu bia, có khoảng 75% số người được hỏi cho biết đã ngừng uống hoặc uống với liều lượng ít (1-2 ly bia tương đương 1-2 lon/chai bia) nhưng vẫn có tới 10% số người trong đó uống với liều lượng cao (hơn năm ly bia tương đương hơn sáu lon/chai bia).

Các nạn nhân có sự thay đổi nhận thức về các tác động cũng như tác hại của việc uống rượu bia lên an toàn giao thông nhưng vẫn tiếp diễn hành vi vi phạm. Trong đó, gần 2/3 số người từng bị tai nạn giao thông do say rượu, bia vẫn tiếp tục tự điều kiển phương tiện ra về sau khi uống rượu, bia.

Cần giải pháp, chính sách có tính đổi mới

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp về luật pháp, như áp dụng mức BAC=0 đối với người điều khiển xe máy (sửa Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ); tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới (Luật xử lý vi phạm hành chính, lao động công ích).

NGoài ra, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền như thông qua các nạn nhân từng bị tai nạn giao thông do uống rượu, bia và lái xe; dán poster cảnh báo tại các cơ sở phục vụ rượu bia (nhà hàng, quán nhậu); tăng cường cảnh báo từ người thân; giáo dục cho người tái vi phạm; sử dụng kết quả của nghiên cứu này để truyền thông thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi; giáo dục về tác hại của hành vi uống rượu, bia và lái xe cũng như các biện pháp phòng tránh ở nhà trường các cấp.

Triển khai các giải pháp về công nghệ và dịch vụ như: tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh; ứng dụng khóa liên động trên mô-tô, xe máy.

Thượng tá, PGS,TS Lê Huy Trí – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông (Học viện Cảnh sát Nhân dân) đề xuất thêm, hoạt động cưỡng chế lái xe vi phạm nồng độ cồn cần phải được thực hiện nghiêm. “Mọi lái xe bị dừng phải được kiểm tra, không có ngoại lệ. Việc này giúp tạo ra độ tin cậy và độ tin cậy của chiến dịch được duy trì rằng, không một ai có thể trốn tránh sự kiểm tra”, Thượng tá Lê Huy Trí nói và cho rằng: “Đối với công chúng, để thay đổi hành vi, điều quan trọng là chương trình được duy trì lâu dài”.

Bên cạnh đó, cần “tuyên truyền liên tục” để làm nổi bật hoạt động cưỡng chế, trong đó, việc đưa tin trên các báo địa phương sẽ hỗ trợ hoạt động cưỡng chế. Chiến dịch tuyên truyền phải lan tỏa đến tất cả các “loại hình giáo dục” và các nhóm tuổi trong cộng đồng có nguy cơ,…