Tiếp viên hàng không đang hứng chịu sự kỳ thị vô lý

NDO -

NDĐT - Theo Đoàn trưởng Đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) Phan Ngọc Linh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đường bay bị tạm dừng nhiều, lương và thu nhập của người lao động ngành hàng không bị giảm sút, công việc gián đoạn,… Tuy nhiên, những thiệt hại đó không nặng nề bằng sự kỳ thị của xã hội đối với các tiếp viên bị nhiễm Covid-19, khiến cuộc sống, sinh hoạt của họ và gia đình bị đảo lộn, ảnh hưởng rất lớn.

Tiếp viên hàng không đang hứng chịu sự kỳ thị vô lý

Vừa qua, một tiếp viên hàng không đầu tiên của VNA từ châu Âu trở về được xét nghiệm dương tính với Covid-19 đã khiến cả cộng đồng tiếp viên của hãng “choáng váng”. Một điều rất đau đớn và xót xa, đằng sau thông tin này, bên cạnh sự lo lắng sẻ chia và cảm thông, còn có không ít những bình luận mang thái độ kỳ thị, thậm chí kêu gọi tẩy chay, khiến người trong cuộc hết sức hoang mang.

Một tiếp viên của VNA đã phải chua xót viết những dòng tâm sự trên trang facebook cá nhân của mình: “Có những chuyến bay dài, tiếp viên phải đeo khẩu trang liên tục mười mấy tiếng đồng hồ, tính từ khi ra khỏi nhà đến khi lên máy bay, hạ cánh và về khách sạn. Vệt khẩu trang xước hằn lên má, thậm chí làm rách cả mang tai”.

Trên thực tế, lúc này châu Âu đang trong dịch bệnh lan tràn, tiếp viên khi đi mua đồ ăn đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân thì bị người dân châu Âu kỳ thị, bị họ quay phim, chụp ảnh, bị lườm nguýt, thậm chí dọa đánh, đuổi. Rất nhiều cửa hàng ở châu Âu, nhân viên bán hàng đã nói: “Hãy bỏ khẩu trang ra, hoặc ra khỏi đây!”, trong khi các nước châu Âu không cho đem thực phẩm vào, ngoài mỳ tôm. “Đến khi lên máy bay về nước, chúng tôi lại đối diện với nỗi lo bị “bốc” đi cách ly 14 ngày, chẳng kịp gặp vợ/chồng, con, gia đình. Giờ đây, chúng tôi còn phải hứng chịu thêm cả sự kỳ thị, dằn hắt, thậm chí chửi rủa của người mình”, tiếp viên này tâm sự đầy cay đắng.

Sáng 17-3, Đoàn tiếp viên đưa một tiếp viên đã hết thời gian cách ly và có kết quả âm tính với Covid-19 về nhà nhưng chung quanh hàng xóm, người dân vẫn nhìn tiếp viên và gia đình họ với thái độ ghẻ lạnh, họ xì xào và bảo nhau phải tránh xa. “Chúng tôi phải đưa ra giấy chứng nhận của đơn vị y tế, khẳng định tiếp viên đã hoàn thành cách ly và sức khỏe tốt, bình thường, những người dân sống gần đó mới thay đổi thái độ”, ông Linh chia sẻ.

Thông tin từ Đoàn tiếp viên VNA cho biết, đến thời điểm hiện tại, có tổng số 566 tiếp viên đang bị cách ly được xác định là từ F0 đến F2. Ngoài hai tiếp viên được xác định là F0, có tới 564 tiếp viên khác của VNA đang được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế và điểm cách ly tập trung.

Đoàn trưởng Phan Ngọc Linh cho hay, sức khoẻ của hai tiếp viên D và Q dương tính với Covid-19 hiện tại ổn định; trong đó, tiếp viên D đã xét nghiệm lần 1 âm tính. Đối với các tiếp viên buộc phải cách ly theo quy định, có 111 tiếp viên ở mức độ F1, 453 tiếp viên là F2.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của VNA đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay, nhưng quan điểm của hãng là không sa thải người lao động, trường hợp xấu nhất, hãng có phương án trả lương cho người lao động theo quy định về mức tối thiểu vùng.

Đoàn tiếp viên VNA có tổng số gần 3.200 người, nhưng hiện có hơn 1.000 tiếp viên đang cách ly hoặc nghỉ làm, giảm khoảng 50% tỷ lệ tiếp viên đi bay của hãng. Việc nghỉ làm hoãn hợp đồng và nghỉ luân phiên là chính sách buộc phải thực hiện để giảm gánh nặng chung trong giai đoạn hiện nay. Các tiếp viên sẵn sàng chia sẻ với khó khăn chung của hãng, trong đó nhiều tiếp viên tự nguyện không nhận lương chức danh, nhiều tiếp viên không e ngại dịch bệnh lây lan, vẫn xung phong đi bay.