Suối nguồn sẻ chia từ hạt gạo

NDO -

NDĐT - Thảo thơm những tấm lòng đã và đang sẻ chia một phần mình có, để những cây “ATM gạo” luôn tràn đầy. Đó cũng là tinh thần tương thân tương ái, cội nguồn của người dân đất Việt “lá lành đùm lá rách”, sống nhìn xuống và đặt mình vào vị trí của người khác để nhân lên niềm hạnh phúc cuộc đời.

“ATM gạo” đến với người nghèo Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: DUY LINH)
“ATM gạo” đến với người nghèo Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: DUY LINH)

Hoàng Tuấn Anh, chủ nhân “ATM gạo” giúp đỡ người khó khăn tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng những ngày qua tại TP Hồ Chí Minh, bằng nhiều cách khác nhau đã và đang lan tỏa đến nhiều vùng, miền khác của đất nước. Từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội - Huế - Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, những chiếc máy “ATM gạo” đã và đang trở thành một điểm tựa mới cho người nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn, trong mùa đại dịch Covid-19. Hàng trăm nghìn tấn gạo đã được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho dòng gạo tuôn tràn. Và nhờ đó, hàng nghìn người nghèo sẽ được nhận gạo, để ổn định phần nào cuộc sống trong thời gian này.

Những ngày qua, ngập tràn trong tôi là hình ảnh những chiếc máy ATM không phải “nhả ra tiền” như những chiếc máy ATM vốn dĩ được đặt trước các ngân hàng. Đây, những chiếc máy ATM nhả ra gạo - hạt gạo sẻ chia, hạt gạo ấm lòng giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Hình ảnh những người nghèo lam lũ, đứng xếp hàng để đón nhận những kg gạo, đã làm nước mắt tôi nhoè cay.

Cuộc sống, cuộc mưu sinh đã rất khó khăn với những người yếu thế, trong giai đoạn khó khăn này, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng nghìn người mất việc làm. Khi hầu hết các công ty đều phải thực hiện lệnh giới nghiêm để ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Hàng vạn người lao động phổ thông, vụ việc… đều mất việc. Nhưng trong lúc này, vì sự an toàn của mỗi người dân, một ngày, hai ngày, rồi hai tuần và có thể nhiều hơn thế, tất cả đều phải tự thích nghi và phải tìm cách thoát khỏi những tình thế cấp bách nhất để giữ an toàn cho chính mình, gia đình, người thân và toàn xã hội. Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và con số tử vong trên toàn cầu chưa dừng lại.

Hình ảnh những hố chôn tập thể được nhiều phương tiện truyền thông trên thế giới chuyển đến mọi vùng lãnh thổ toàn trái đất là lời cảnh báo, hồi chuông báo động dành cho tất cả mọi người. Những chiếc hố chôn tử thi tập thể ngỡ trong thời xa xưa mà nay hiển hiện quanh ta, được cập nhật hằng ngày. Những con số vượt tầng cảm xúc. Chưa bao giờ mạng sống được trân quý như thời điểm này. Nỗi lo sợ bám lấy mọi không gian khi chưa biết lúc nào, dịch bệnh được đẩy lùi để cuộc sống thở nhịp bình thường trở lại.

Tự trong mỗi người, phải xác định cho mình một tình thế cấp bách và tự chuẩn bị cho mình những bước ngoặt để có thể chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết, nỗi bất an và sự chấp nhận an trú trong chính ngôi nhà mình. Sự bằng lòng hay đố kỵ đã chẳng còn ý nghĩa gì trong thế giới chuyển động thời dịch bệnh.

Tự bao đời nay, hạt gạo đã và đang chăm chút cuộc sống, hơi thở của mỗi người. Việt Nam là đất nước của cội nguồn lúa nước từ thuở khai sinh lập địa và đến tận bây giờ, khi đất nước lựa chọn nhiều ngành nghề khác để phát triển bắt kịp xu hướng thế giới, thì nông nghiệp vẫn luôn giữ một vị thế quan trọng để Việt Nam cất cánh. Từ những giống lúa đơn thuần, đến giống lúa cho ra loại gạo được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới - gạo ST25 của Việt Nam do Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và các cộng sự lai tạo. Hạt gạo Việt Nam được nhắc đến như một niềm tự hào mạnh mẽ. Ngày xưa, ngày cả nước cùng một lòng hướng về chiến tuyến, để ủng hộ bộ đội Cụ Hồ trên chiến trường, mỗi góc bếp của từng gia đình đều để một cái hũ sành nhỏ và mỗi lần nấu cơm, các mẹ, các bà lại cho vào đó một nắm gạo. Cái nghĩa cử đó, tan tỏa tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, làm thành hậu phương vững chắc để những người trên tuyến lửa yên lòng đánh giặc. Tự hào truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách của mỗi người dân Việt Nam, dù ở thời đại nào, trong chiến tranh ác liệt hay ngay thời điểm này, khi cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, xác định chống dịch như chống giặc. Đặt sự an toàn của mỗi người dân lên trên tất cả.

Tôi nhớ rất rõ hình ảnh chú tôi trong lời kể của bà nội. Đó là hình ảnh chú tôi mang tay nải gạo được bà nội chuẩn bị sẵn, rồi lên đường đi bộ đội vào một đêm trời đầy sao. Bà bảo rằng, hồi đó, chú vào bộ đội, đi chiến trường B, ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người rồi chú hy sinh ngoài mặt trận. Hồi đó, bà nói rằng, nhớ chú út là nhớ hũ gạo trên chạn bếp lắm. Nội để dành từng nắm gạo trong chạn bếp đó mà chú có được ăn bữa cơm nào sau đó nữa đâu. Ký ức đó của tôi, chừng như bị khơi dậy, bởi những hình ảnh tôi nhận được trong những ngày đất nước gồng mình với cuộc chiến dịch bệnh toàn cầu Covid-19. Ở khắp mọi miền đất nước, cái tảo tần khắc khổ của những gia đình nghèo khó, lại thêm một lần nữa hiện lên chân thật. Những cây ATM phát gạo miễn phí cho người khó khăn, được dựng lên và từ đó, tình người cứ đầy ắp và trong mỗi một chúng ta, nhìn vào đó, thấy cuộc đời này còn điều để sống đẹp, sống tốt và sẻ chia.

Suối nguồn sẻ chia từ hạt gạo ảnh 1

Sáng 13-4, "ATM gạo" đã đến với người nghèo Buôn Ma Thuột. (Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ)

Những ngày này, lại thấy câu thành ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” thêm nhiều ý nghĩa và rất đúng. Tình người trong khó khăn, hoạn nạn thật quý. Đại dịch đến, không ai mong, nhưng con người ta buộc phải đối diện với dịch bệnh và phải tìm cách sinh tồn và vượt qua. Khi đói, khi khó khăn, ai đưa tay ra giúp đỡ, kéo mình lên khỏi vũng lầy, là ta hạnh phúc. Lúc ta đói, có được một bát cháo, một chén cơm, là một niềm vinh hạnh sống. Triết lý đơn giản ấy, hóa ra, có ứng nghiệm ngay thời điểm này. Một tháng, rồi ba tháng, có thể cả năm, dịch bệnh vẫn là nỗi ám ảnh đe dọa tính mạng con người trên toàn hành tinh này. Thế nên, bản năng sinh tồn và bát cháo ngày giáp hạt khó khăn lại trở nên một điều mơ ước, khát khao đối với nhiều hoàn cảnh khốn khó. Và, người có điều kiện, tự nhìn xuống người yếu thế, người khó khăn và san sẻ bớt chút tình người trong lúc những chiếc máy “ATM gạo” đang nối dài cánh tay tương thân tương ái.

Nhưng, tôi cũng lặng buồn vì ở đâu đó, nơi nào đó, vẫn còn cảnh người không thiếu vẫn cố chen chân đến trước cây “ATM gạo” để hứng lấy những hạt gạo không phải dành cho mình. Và chiếc máy ATM ngỡ như là vô tri vô giác đó, lại “ngưng” không nhả gạo. Hình ảnh ấy được phát đi, như một lời cảnh tỉnh cho những ai còn đó chút sân si trong mùa đại dịch này. Không phải đi xe máy tay ga ào đến là nhận được gạo ngay, cũng không phải chen lấn mất trật tự để bằng mọi cách có được gạo. Chậm lại, đúng người cần, máy ATM mới nhả gạo như lời mong: Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác.

Những tấm lòng tử tế ở khắp nơi thời Covid-19 cứ nhắc nhở tôi về lòng nhân ái, sự sẻ chia và trách nhiệm làm người. Sự sẻ chia xuất phát tự đáy lòng người cho, sẽ đến được người cần nhận, bất luận ngoài kia vẫn còn nhiều hình ảnh không đáng có. Những cây “ATM gạo” đã và đang được nhân rộng trên mọi vùng quê, là minh chứng giá trị của sự tử tế, giữa mùa đại dịch Covid-19 này.

Đó là suối nguồn nhân sinh của hạt gạo tự có bao đời nay, là minh chứng của điều tử tế.