Sức sống mới ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

(Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer

Ngoài việc tập trung ưu tiên cho lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các chính sách cho vùng đồng bào Khmer đều hướng tới thu hẹp khoảng cách chênh lệch. Qua đó, không chỉ xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống mà còn nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các giá trị văn hóa của đồng bào được giữ gìn và phát huy, mở ra tương lai tươi sáng cho các thế hệ tiếp nối truyền thống đoàn kết dân tộc của người Khmer Nam Bộ.

Dạy chữ Khmer tại chùa Mahatup (chùa Dơi), phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Dạy chữ Khmer tại chùa Mahatup (chùa Dơi), phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Trong căn nhà nhỏ nhưng khang trang, ấm cúng, Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng vẫn miệt mài bên chiếc bàn quen thuộc để cập nhật từ mới cho bộ sách giáo khoa dạy chữ Khmer. Từ năm 1979, thầy Lâm Es được Bộ Giáo dục phân công làm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Khmer các quyển 1, 2, 3, 4. Ðến nay bộ sách Tiếng Khmer được bổ sung, tái bản nhiều lần và trở thành bộ sách giáo khoa được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer trong các trường phổ thông. Ngoài ra, thầy Lâm Es còn có rất nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng trong nước và ngoài nước. Sinh năm 1940, tại ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), nhà nghèo nhưng rất ham học, cho nên thầy Lâm Es vẫn gắng học đến đại học và tham gia công tác ngành giáo dục từ ngày đất nước thống nhất. Thầy Lâm Es được công nhận là Nhà giáo Ưu tú vào năm 1994 và năm 2002 được Chủ tịch nước phong Nhà giáo Nhân dân.

Những năm qua, chính sách chăm lo giáo dục cho đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn được thực hiện xuyên suốt và hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ trí thức người Khmer trong tỉnh ngày càng phát triển. Hiện cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tỉnh có trình độ tiến sĩ: hai người; thạc sĩ: 130 người; đại học: 2.830 người; cao đẳng: 1.336 người; trung cấp: 1.612 người. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer Sóc Trăng luôn được giữ gìn và phát huy. Toàn tỉnh hiện có 511 nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thông tin ấp và tụ điểm văn hóa chùa Khmer; ba đoàn dù kê, một đoàn rô băm; có 10 chùa Phật giáo Nam tông Khmer được công nhận di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hai chùa là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, tám chùa là di tích lịch sử cấp tỉnh. Có hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Nhà trưng bày đang lưu giữ hơn 460 hiện vật, hoạt động phục vụ quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Cùng với đó, các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc được tổ chức theo truyền thống. Hằng năm, tỉnh Sóc Trăng tổ chức thành công họp mặt trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây; lễ hội Oóc Om Bóc - Ðua ghe Ngo… Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai 35 đề tài, dự án liên quan đến DTTS với tổng kinh phí 36 tỷ đồng, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Các đề tài đã phát huy tinh thần đại đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; đồng thời nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, nhằm đa dạng giống vật nuôi và cây trồng; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Tại tỉnh Trà Vinh, phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm thực hiện. Ðể nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo mở các điểm ti-vi công cộng trong vùng đồng bào Khmer để phục vụ bà con và sư sãi. Ðến nay, trong vùng đồng bào, hầu hết các gia đình đều có thiết bị nghe nhìn. Báo chữ Khmer phát hành hai kỳ/tuần, đến tất cả chùa Khmer trong tỉnh. Chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng Khmer tại Trà Vinh được đầu tư nâng cấp và tăng thời lượng phát sóng, phát hình, với nhiều nội dung đổi mới khá phong phú. Nhiều xã, ấp vùng có đông đồng bào Khmer được quan tâm hỗ trợ đầu tư trạm truyền thanh, tủ sách pháp luật, điểm truy cập in-tơ-nét công cộng.

Ðến nay, đồng bào Khmer Trà Vinh có ba di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật chầm riêng Chà Pây, lễ hội Oóc Om Bóc và nghệ thuật múa rô băm; 14 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Nhà Bảo tàng văn hóa Khmer tỉnh được duy tu, sửa chữa và trưng bày hơn 1.000 hiện vật có giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Các chùa Khmer luôn quan tâm duy trì lối kiến trúc cổ, bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng. Nghệ thuật múa rô băm, nghệ thuật sân khấu dù kê, sa tra (chữ viết trên lá buông) của đồng bào Khmer được bảo tồn.

Tại tỉnh Kiên Giang, nhiều năm qua, chùa Thanh Gia ở xã Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao cứ vào những tháng hè là cửa chùa rộng cửa tiếp nhận học sinh Khmer đến học tiếng nói, chữ viết Khmer. Theo Hòa thượng Trần Nhiếp, Trụ trì chùa Thanh Gia, nhà chùa đã duy trì việc dạy chữ Khmer mấy chục năm nay. Trước mùa hè hằng năm, nhà chùa đều chuẩn bị mọi thứ để đón học sinh đến học ngôn ngữ mẹ đẻ. Ý thức được việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết truyền thống của dân tộc cho nên cha mẹ học sinh khuyến khích con em đến chùa học chữ rất đông, không cần mất nhiều thời gian vận động, những em khó khăn được nhà chùa hỗ trợ tập (vở), bút viết. Không chỉ có chùa Thanh Gia mà tất cả các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều duy trì nền nếp dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc mình vào dịp này. Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, việc tăng cường công tác giáo dục, nâng cao mặt bằng dân trí cho đồng bào Khmer cũng được cả hệ thống chính trị quan tâm, nhất là việc dạy chữ Khmer cho con, em người dân tộc Khmer. Từ năm 2014 đến nay, các chùa trong tỉnh đã mở 34 lớp sơ cấp Pali cho 638 học viên, 29 lớp kinh luật giới cho 353 học viên, 1.220 lớp ngữ văn Khmer hè (từ lớp 1 đến lớp 7), thu hút 30.481 lượt học viên tham gia học tập; tổ chức năm kỳ thi tốt nghiệp Pali, kinh luật giới và chữ Khmer với 892 thí sinh tham gia dự thi.

Ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các sư sãi, ban quản trị chùa cùng Hội Khuyến học các địa phương còn làm tốt công tác xã hội hóa để hỗ trợ đời sống giáo viên và học sinh, nhằm duy trì lâu dài các lớp dạy chữ và tiếng Khmer. "Việc dạy chữ Khmer hè ở các chùa Phật giáo Nam tông từ trước đến nay đã trở thành truyền thống và góp phần quan trọng vào việc giảng dạy, học tập chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn giáo dục về đạo đức, nhân cách sống, về sự hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử... Qua đó, giúp các em từng bước tiếp thu đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðồng bào đều xem việc học tập tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam", Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Phúc cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, công tác giảm nghèo cho đồng bào Khmer từ nhiều năm qua luôn được Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh quan tâm. Chỉ tính hơn 10 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã vận động Quỹ Vì người nghèo - an sinh xã hội được hàng trăm tỷ đồng, giúp đỡ hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, trong đó ưu tiên hộ Khmer nghèo trong tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn triển khai thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ người nghèo như: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, dành gói tín dụng ưu đãi cho hơn 9.000 hộ, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, giúp đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, giúp bà con Khmer trong tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP Cần Thơ và hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trong vùng. Việc thống nhất chương trình đào tạo, chế độ đãi ngộ giáo viên để nâng cao trình độ tăng sinh, học sinh đồng bào dân tộc Khmer sẽ được tăng cường. Các địa phương trong vùng quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của vùng... Nhờ chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, văn hóa truyền thống và các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được bảo tồn và phát huy; phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được tôn trọng, giữ gìn và phát triển. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn chú trọng việc duy trì các ngành, nghề thủ công truyền thống cùng với việc phát triển, mở rộng thêm các ngành, nghề mới phù hợp điều kiện thực tế, luôn tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại với quy mô, hình thức phù hợp với đặc điểm, khả năng và trình độ của đồng bào Khmer, từ đó đời sống của đồng bào được nâng lên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đánh giá, sau hơn hai năm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10-1-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới được ban hành, đã tạo bước phát triển mới trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bao trùm lên mọi mặt của đời sống xã hội, tăng cường nguồn đầu tư cho các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, xóa nhà tạm, nhà dột nát, chăm lo giáo dục và đào tạo, phát triển văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần, xây dựng các nhà hỏa táng và nhà hành lễ phù hợp phong tục tập quán và tâm linh của đồng bào Khmer. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi nhằm phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và diễn biến nhanh hơn dự báo. Cùng với nguồn lực của Trung ương, các địa phương trong khu vực cũng bố trí tăng cường thêm chính sách và nguồn lực để nhanh chóng tạo bước chuyển biến vượt bậc về phát triển kinh tế và chăm lo cho đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn. Sắp tới, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó dành sự quan tâm và nguồn lực hơn nữa đối với khu vực có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Không còn là những phum sóc đơn sơ, nghèo khó, thay vào đó vùng đồng bào Khmer Nam Bộ ngày càng khang trang, hiện đại hơn, đời sống đồng bào không chỉ thoát nghèo mà đang vươn lên khá giả. Chính sách của Ðảng và Nhà nước chăm lo cho đồng bào, cùng với sự đồng tình và phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của người dân Khmer Nam Bộ đã được phát huy hiệu quả. Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thêm gắn bó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố, vững bền...

Bài 1: Phum sóc đổi mới