Sống chậm thời Covid-19

NDO -

NDĐT - Hàng quán đóng cửa, người dân hạn chế ra đường, những hàng cây như cũng cô đơn. Thường ngày phố phường nhộn nhịp, hàng quán đông đúc, người đi mua sắm rộn ràng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người người, nhà nhà chung tay vì mục tiêu chung, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan ra cộng đồng, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.

Sống chậm thời Covid-19

Guồng quay của xã hội đang chậm lại. Thậm chí rất chậm. Nhịp sinh hoạt của con người cũng đang thay đổi theo hướng chậm lại. Không có cảnh ùa nhau đi xem phim, vui chơi giải trí. Không còn cảnh đua nhau đi lễ, du lịch tấp nập, nghẽn đường. Chẳng còn cảnh tụ tập bạn bè, hát karaoke. Hầu hết những nhu cầu giải trí, ăn tiêu hằng ngày đều tạm thời dừng lại. Nhiều hãng thời trang đắt đỏ ế ẩm và cũng chẳng thu hút được nhiều người mua dù cố gắng quảng cáo bán hàng qua mạng.

Trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, lúc này nhiều người chỉ cầu mong bản thân, gia đình được an toàn, toàn xã hội mau chóng chiến thắng bệnh dịch. Quy định và khuyến cáo về “xã hội cách ly” đề nghị mỗi người nên ở trong ngôi nhà của mình, hạn chế ra ngoài để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xã hội. Mà ở nhà thì làm sao lao vun vút? Làm sao sống nhanh, sống gấp? Ở nhà có nghĩa là phải sống chậm, ăn chậm và nghiền ngẫm. Buồn tay buồn chân sẽ tìm việc để làm. Người thì chăm cây cảnh, người đọc sách, người vẽ tranh hoặc thêu tranh chữ thập… Nghĩa là người ta phải quay lại làm những việc mà trước đây trong guồng quay gấp gáp không có thời gian để làm. Giờ chăm chỉ làm để tiêu bớt thời gian. Càng làm càng thấy mình được thư thái, thấy sức khỏe quan trọng hơn nhiều thứ khác.

Lúc này các gia đình đang quần tụ bên nhau, cùng chăm sóc, có những bữa ăn chung. Thậm chí nhiều ngày ăn chung ba bữa mỗi ngày. Điều mà bình thường thật khó thực hiện được. Bởi sáng ra lo con cái ăn rồi đi học, mỗi người vợ người chồng tự ăn sáng rồi đi làm. Buổi trưa vợ, chồng ăn ở nơi làm việc hoặc ra hàng quán, con cái ăn ở trường. Chỉ buổi tối mới được quần tụ, mọi thành viên mới ăn chung một bữa. Mà có khi người đàn ông còn đi tiếp khách đến khuya, bỏ bữa ở nhà. Nay người này chăm sóc người kia, nâng cao sức khỏe, phòng dịch. Người này nhắc nhở người kia phải đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn liên tục, hạn chế đi lại. Gia đình bỗng trở nên gắn kết. Người vợ nhìn người chồng. Người chồng nhìn người vợ và bỗng nhận ra, mình đang hạnh phúc, đang đầm ấm trong việc chăm sóc nhau. Điều mà bình thường không cảm nhận thấy. Điều rất đỗi bình thường mà mỗi thành viên trong các tổ ấm có quyền được hưởng nhưng đã không được hưởng khi cuộc sống quá bận rộn. Nay thì chuyện bình thường đó được thực hiện. Mỗi người đều thấy thêm yêu tổ ấm hơn. Việc cách ly, việc ở nhà với gia đình hóa ra cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhìn nhận về lối sống của mình và không bỏ phí khoảng thời gian này để làm những việc có ý nghĩa.

Một mai bệnh dịch qua đi, mọi việc trở lại bình thường. Biết đâu có người sẽ nghĩ ra một sản phẩm sáng tạo mới, một vườn cây ở quê nhà hay suy nghĩ tích cực hơn về quan hệ vợ chồng, cha con, người với người. Biết đâu, nếp sống chậm này sẽ làm lan tỏa trong cuộc sống nhanh sau này, để những giá trị tưởng chừng như giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng hiện diện nhiều hơn nơi tâm hồn mỗi người.