Phương thuốc nào “đặc trị bệnh” ùn tắc giao thông?

Tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp trong khi tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân quá nhanh, dẫn tới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô bị quá tải trầm trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp. Theo ý kiến các chuyên gia, “thuốc đặc trị bệnh ùn tắc” của Hà Nội vẫn phải là tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực giao thông công cộng, đồng thời quyết liệt thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân,…

Các điểm ùn tắc giao thông của Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp do sự gia tăng quá nhanh các phương tiện giao thông cá nhân, vượt quá tốc độ đầu tư phát triển của hạ tầng.
Các điểm ùn tắc giao thông của Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp do sự gia tăng quá nhanh các phương tiện giao thông cá nhân, vượt quá tốc độ đầu tư phát triển của hạ tầng.

Phát triển mất cân đối

Hơn 10 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Vân quyết định bán căn hộ chung cư tại khu tái định cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) chuyển về sống tại ngõ 122, phố Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng). Công ty chị làm việc đóng tại quận Hoàn Kiếm, ngày nào đi làm chị cũng mất hơn một tiếng đồng hồ di chuyển trên đường do ùn tắc kéo dài là nguyên nhân khiến chị quyết tâm bỏ căn hộ rộng rãi, thoáng đãng về ở căn nhà lụp xụp. Ùn tắc ở Hà Nội gần như ở toàn thành phố, nhưng khu vực nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) lâu nay đã trở thành nỗi ám ảnh cho người tham gia giao thông, nhất là trong các khung giờ cao điểm. Đường hẹp, trong khi hằng ngày cư dân từ vài chục tòa chung cư cao tầng (khu đô thị Linh Đàm) đổ xuống, cộng với lưu lượng phương tiện rất lớn chạy từ đường Giải Phóng xuyên qua nút giao này đi về đường Nguyễn Xiển, cầu Tó,… càng làm cho nút giao này trở nên ngột ngạt. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đánh giá, qua khảo sát, khu vực nội đô có hơn 30 điểm ùn tắc giao thông, phần lớn do đường hẹp nhưng phải “cõng” lượng phương tiện rất lớn. Hơn 10 năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.

Những công trình lớn trên địa bàn như đường vành đai 3 (trên cao), cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp,… đã thay đổi rõ rệt diện mạo Thủ đô; tình hình ùn tắc nhờ vậy cũng có những cải thiện đáng kể. Những kết quả đó rất đáng ghi nhận, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố cũng như mong muốn của nhân dân. Số điểm ùn tắc dù giảm nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp do sự gia tăng quá nhanh của phương tiện giao thông cá nhân vượt quá tốc độ đầu tư phát triển của hạ tầng. Tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị mới đạt chưa đầy 10%, trong khi theo yêu cầu phải đạt từ 20 - 26%. Toàn thành phố có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô-tô các loại, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác lưu thông thường xuyên tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện cá nhân với kết cấu hạ tầng dẫn tới quá tải và ùn tắc (cầu Thanh Trì lưu lượng hơn 122.600 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần thiết kế; cầu Vĩnh Tuy hơn 75.600 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần; cầu Chương Dương 96.500 xe/ngày đêm, gấp hơn 8 lần),… Một số tuyến giao thông chính như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng vào các giờ cao điểm cũng vượt từ 1,1 - 1,8 lần. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão gây ngập lụt cũng dẫn tới ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân,…

Cần nâng cao nhận thức vì lợi ích chung

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, cùng với tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, TP Hà Nội cần quyết liệt thực hiện chủ trương quản lý phương tiện giao thông đường bộ, thúc đẩy nhanh việc thu phí vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc, qua đó từng bước kiềm chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân. Đó là những “phương thuốc đặc trị” chữa “bệnh ùn tắc” cho các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội.

Mấy năm trước, khi ùn tắc có diễn biến ngày càng phức tạp, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 về việc “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”, trong đó lấy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá. HĐND thành phố cũng có Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” với nhiều giải pháp đồng bộ, mục tiêu giảm phương tiện giao thông cá nhân đồng thời với việc phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm giải quyết bài toán ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Nhận xét về chủ trương phân vùng hạn chế xe máy và nghiên cứu thu phí phương tiện vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm, nhiều chuyên gia bày tỏ ủng hộ và nhấn mạnh, đây là giải pháp tất yếu nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Nếu cứ tiếp tục để phương tiện cá nhân phát triển tự phát, sẽ không thể có nguồn lực nào đủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Đến một lúc nào đó, Hà Nội sẽ không còn đường để đi. GS, TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, đây là những đề xuất mang tính đồng bộ và cần thiết phải triển khai. Tuy nhiên, cần được thực hiện theo lộ trình và triển khai từng bước, áp dụng giới hạn ở một số khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao,…

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu rất rõ ràng, cụ thể và khả thi. Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ sáu nhóm giải pháp, gồm: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư hệ thống đường vành đai, xây dựng cầu qua sông theo quy hoạch, đầu tư các tuyến quốc lộ, trục hướng tâm và các tuyến kết nối; duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông đô thị,… Đây là chủ trương lớn, cần thiết triển khai song lại là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, tác động sâu rộng đến đông đảo người dân. Do đó, quan điểm của Sở là phải nghiên cứu kỹ và chỉ triển khai thực hiện khi có đủ điều kiện.

Để thay đổi thói quen của người dân từ sử dụng phương tiện cá nhân sang công cộng là một cuộc cách mạng. Chắc chắn khi dừng hoạt động của xe máy cá nhân và tiến hành thu phí ô-tô vào nội đô, sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối, tuy nhiên vì lợi ích chung, các cơ quan chức năng cần quyết tâm thực hiện và tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó, chính quyền nên ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải thiện và nâng cao năng lực để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

PGS, TS NGUYỄN HỒNG TIẾN
Nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng)