“Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn để bảo vệ an toàn của chính người dân”

NDO -

NDĐT - “Cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân, trong đó có những người mà chúng ta yêu thương nhất. Chưa bao giờ chúng ta làm nghị định xử phạt với mục tiêu lấy tiền vào ngân sách mà mục tiêu xử phạt là để giáo dục và răn đe. Pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp. Pháp luật chỉ cấm không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông”.

Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: Cục CSGT)
Cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: Cục CSGT)

Trên đây là những khẳng định của TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khi trao đổi với Nhân Dân điện tử một số vấn đề liên quan đến Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. TS Trần Hữu Minh cũng là một thành viên trong Ban soạn thảo Nghị định này.

Phóng viên: Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ký ban hành ngày 30-12-2019 và Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thời gian từ lúc ký ban hành đến lúc Nghị định chính thức có hiệu lực tại sao lại ngắn như vậy, thưa ông?

TS Trần Hữu Minh: Trong thời gian vừa qua, mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) liên tục được kéo giảm nhưng những vụ TNGT liên quan tới rượu, bia vẫn là nỗi nhức nhối trong xã hội, với những hậu quả lớn về người và tài sản. Đã có nhiều vụ TNGT rất thương tâm, người dân bị thiệt mạng một cách oan uổng do hành vi uống rượu, bia khi lái xe. Chúng ta không bao giờ quên vụ lái xe container sử dụng rượu, bia và ma túy đâm vào hàng loạt người dân đang chờ đèn đỏ tại Long An vào đầu năm 2019, vụ lái xe sử dụng rượu, bia đâm vào xe máy làm hai người chết tại hầm Kim Liên (Hà Nội), vụ người chồng say rượu tự đâm vào dải phân cách làm vợ và hai con tử vong tại Bắc Giang... Đây chỉ là những ví dụ điển hình trong rất nhiều vụ TNGT có liên quan tới uống rượu, bia khi lái xe.

Bởi vậy, với hành vi đặc biệt nguy hiểm như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy khi lái xe nên Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và Nghị định 100 được ban hành với những quy định mới, trong đó có quy định xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Việc này không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân. Đây là đòi hỏi cấp bách của xã hội. Dư luận rất ủng hộ cách làm quyết liệt này.

Các cơ quan chức năng làm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do yêu cầu cấp bách từ thực tế nên Nghị định 100/2019/NĐ-CP được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực chỉ sau hai ngày kể từ ngày ký. Trong thực tế, một số Nghị định của Chính phủ hiện nay vẫn đang được ban hành theo trình tự này, thậm chí có Nghị định có hiệu lực cùng ngày với ngày ký ban hành. Bởi vậy, việc ban hành Nghị định 100 hoàn toàn đúng so với quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

Phóng viên: Các quy định và mức xử phạt của Nghị định mới, nhất là với nội dung vi phạm nồng độ cồn được nhiều người ủng hộ nhưng cũng có những ý kiến trái chiều, cho rằng quy định cứ có nồng độ cồn đo được trong máu hoặc khí thở là bị phạt là quá khắt khe, rồi mức phạt hành chính quá cao. Với vai trò là một thành viên trong Ban soạn thảo Nghị định, ông có thể lý giải thêm về các căn cứ dựa trên đó mà Ban soạn thảo Nghị định đưa ra các mức xử phạt này?

TS Trần Hữu Minh: Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều cấm tuyệt đối rượu, bia với lái xe kinh doanh vận tải. Rất nhiều quốc gia cấm tuyệt đối với lái xe mới nhận bằng, nhiều quốc gia cấm tuyệt đối với tất cả lái xe như Hungary, CH Séc, Slovakia, Rumani,... Do hành vi uống rượu, bia khi lái xe đã gây ra rất nhiều vụ TNGT thương tâm tại Việt Nam với thiệt hại lớn về người và tài sản, để lại những hậu quả lâu dài trong xã hội, gây bức xúc trong dư luận nên Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm ô-tô, xe máy, xe đạp, xe máy chuyên dùng và các phương tiện giao thông đường bộ khác như xe đạp điện, xe máy điện...). Việc này không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân trong đó có những người mà chúng ta yêu thương nhất. Cử tri rất ủng hộ quyết định này của Quốc hội.

“Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn để bảo vệ an toàn của chính người dân” ảnh 1

"Phạt nặng vi phạm nồng độ cồn không có mục tiêu nào khác là bảo vệ sự an toàn của chính người dân, trong đó có những người mà chúng ta yêu thương nhất", TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Còn về mức phạt, nếu chỉ xem xét thuần túy về tiền thì mức phạt của Việt Nam không phải là cao so với nhiều nước. Còn nếu xem xét mức phạt tổng thể thì của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Với người đi xe máy, mức phạt với mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng là 6-8 triệu đồng và người đi ô-tô mức phạt từ 30-40 triệu đồng, tức là tương đương khoảng 1-2 tháng lương (với giả định người đi xe máy có thu nhập ở mức 3-5 triệu/tháng và đi ô-tô có thu nhập 15-20 triệu/tháng).

Khi nhìn sang các nước khác, nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng như vậy thì ngoài việc phạt tiền (Nhật Bản trong khoảng 5.000-10.000 USD; Anh, Singapore khoảng 4.000 USD), tức là tương đương khoảng 1-2 tháng lương thì người vi phạm còn chịu phạt tù từ 3-6 tháng (Anh, Singapore) - tới ba năm (Nhật, Hàn Quốc), kèm theo tước bằng, chịu lao động công ích, học lại luật và phải thi lấy bằng lại ở mức khắt khe hơn nếu muốn được cấp lại. Nếu tái phạm, sẽ chịu mức phạt lũy tiến cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, tất cả các trường hợp đó đều bị tăng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự rất nhiều. Người vi phạm còn bị mất rất nhiều quyền lợi về mặt phúc lợi xã hội mà đáng ra họ sẽ được hưởng và cả cơ hội đi lại (nhiều nước từ chối cấp visa với người có vi phạm giao thông). Như vậy chỉ tính thêm việc ngồi tù sáu tháng thì riêng mức phạt đã cao hơn Việt Nam từ 3-5 lần.

Chỉ riêng ngồi tù sáu tháng thì đã mất sáu tháng lương, học và thi lại bằng mất 1-2 tháng lương, bảo hiểm tăng thêm một tháng lương.... Như vậy, tổng chi phí của người vi phạm phải trả tại nhiều quốc gia chắc chắn cao hơn mức ở Việt Nam rất nhiều.

Trong điều kiện Việt Nam, tôi cho rằng nâng mức phạt như vậy là cần thiết, không quá cao nhưng cũng mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Hiện nay, xử phạt xong là hồ sơ lái xe lại như mới nên tính giáo dục răn đe không cao. Bởi vậy, thời gian tới phải quyết tâm làm cho được hệ dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), quản lý tái phạm và phạt lũy tiến với tái phạm thì tính răn đe và giáo dục sẽ rất cao. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ cần tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể cho Điều 260, Khoản 4, Bộ luật Hình sự, qua đó khai thông việc xử lý hình sự với những vi phạm về nồng độ cồn, ma túy đặc biệt nghiêm trọng khi lái xe kể cả khi chưa gây hậu quả; tăng mức xử phạt về hành chính lưu trữ và phạt lũy tiến với tái phạm; đồng thời đa dạng hóa hình thức xử lý với vi phạm này (bổ sung loại hình lao động công ích) và tăng mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới... Tôi cho rằng, đây là những bước đi cần thiết để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử lý vi phạm nghiêm trọng về TTATGT.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và tác động xã hội của Nghị định này? Với vai trò là một thành viên trong Ban soạn thảo Nghị định, ông muốn gửi tới người dân thông điệp gì, thưa ông?

TS Trần Hữu Minh: Nghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành để đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn bảo đảm TTATGT tại Việt Nam. Chúng ta thấy vừa qua hàng loạt các vi phạm về thời gian lái xe, vi phạm trên đường cao tốc (đi lùi, đi ngược chiều), tình trạng lái xe sử dụng ma túy, sử dụng rượu, bia, sử dụng điện thoại và nhắn tin, không thắt dây bảo hiểm... đã gây nên những vụ TNGT nghiêm trọng với thiệt hại lớn. Có nhiều lý do dẫn tới thực tế này nhưng có thể khẳng định nhiều hành vi chưa được mô tả, mức phạt trong Nghị định 46 chưa tương xứng với mức độ vi phạm, bởi vậy cần bổ sung hành vi và điều chỉnh mức phạt.

Ngoài ra, những cá nhân tổ chức có liên đới nhưng trách nhiệm còn khá mờ nhạt trong cả Nghị định 46 và Nghị định 86, bởi vậy thực tế đòi hỏi cần xem xét xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện nếu để xảy ra tình trạng lái xe vi phạm TTATGT. Bởi vậy, Nghị định 100 là một quy định pháp luật có tính xã hội rất cao, ảnh hưởng tới mọi người dân và nhiều lĩnh vực về quy tắc, kết cấu hạ tầng, phương tiện, người lái và ứng phó sau tai nạn trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt chứ không chỉ riêng về vấn đề rượu, bia.

Từ trước tới nay, mục tiêu của các quy định pháp luật là để giáo dục và răn đe, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 cũng hoàn toàn tuân thủ tôn chỉ đó. Chưa bao giờ chúng ta làm nghị định xử phạt với mục tiêu lấy tiền vào ngân sách mà mục tiêu xử phạt là để giáo dục và răn đe, muốn vậy cần bảo đảm mức xử phạt phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Tôi rất mong cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì mỗi người chúng ta cùng hành động với những hành động thiết thực để những quy định pháp luật rất nhân văn này đi vào cuộc sống.

Cần nhấn mạnh hai việc "sử dụng rượu, bia" và "sử dụng rượu, bia khi lái xe" là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp. Pháp luật chỉ cấm không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy sử dụng rượu, bia một cách có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng và với chính bản thân chúng ta.