Ở nơi làm lại cuộc đời

NDO -

NDĐT - Mục đích cũng như bản chất của hoạt động quản lý, giáo dục, cải tạo là giúp phạm nhân xây dựng, phát triển và hoàn thiện những phẩm chất tâm lý tích cực. Các nhà giáo dục chính là đội ngũ giám thị, trưởng phân trại, quản giáo.

Trại giam số 3.
Trại giam số 3.

Chúng tôi đã được dịp chiêm nghiệm quan điểm này của những cảnh sát trại giam khi đến Trại giam Số 3 (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) trong cái nắng rát mặt của mùa hè tháng 6.

Ở Trại giam số 3, quyền của phạm nhân được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị cho biết như vậy. Ông khẳng định công tác tiếp nhận phạm nhân vào chấp hành án, các chế độ và giáo dục phạm nhân được thực hiện phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người; pháp luật của nhà nước về quyền, nghĩa vụ công dân như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và Bộ luật Hình sự,…

Phạm nhân vào trại được tổ chức khám để lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Trong thời gian năm ngày, trại vừa tổ chức khám sức khỏe, vừa giáo dục cho phạm nhân về các quy định của pháp luật đối với người chấp hành án phạt tù như: nội quy trại giam, các văn bản pháp luật liên quan đến chấp hành án phạt tù cũng như quy tắc ứng xử. Sau đó, những ai chưa biết chữ sẽ được thống kê, lập danh sách. Trại sẽ gửi danh sách này đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ để Phòng lên kế hoạch mở lớp xóa mù chữ. Sau khi hoàn thành khóa học, phạm nhân đã có thể tự viết thư, thông báo tình hình về cho gia đình.

Trong quá trình chấp hành án phạt tù, phạm nhân thường xuyên được tổ chức học các lớp chính trị, thời sự, pháp luật, đạo đức, lối sống. Năm 2018, trại giam tổ chức được 26 lớp học dành cho 800 phạm nhân mới đến trại chấp hành án, 16 lớp học dành cho 1.118 phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, bảy lớp học dành cho 642 phạm nhân đang chấp hành án và một lớp học xóa mù chữ cho 34 phạm nhân không biết chữ.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp phải tập trung cho rất nhiều các hạng mục ưu tiên khác, các trại giam vẫn được dành một khoản đầu tư đáng kể.

Trại giam số 3 nằm trên sườn đồi, diện tích tổng cộng khoảng 4ha, chia làm hai phân khu, 1 và 2, cách nhau vài cây số. Có khoảng 2.000 phạm nhân đang được giam giữ tại đây.

Các buồng giam tập thể ở Trại giam số 3 đều khang trang, thoáng mát, phạm nhân được dành chỗ nằm tối thiểu hai mét vuông, trên bệ gạch men. Các buồng giam được trang bị tivi màu, màn hình 29 inch trở lên, tủ sách, quạt công suất lớn. Thiết kế và trang bị buồng giam theo đúng quy định tại nghị định số 117 năm 2011 của chính phủ về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt và chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

Trên đường đến với khu bếp và thư viện, chúng tôi rảo bước trên con đường lát bê-tông sạch sẽ, hai bên là thảm cỏ xanh, trong tiếng loa trong trẻo, trầm ấm, giọng phát thanh viên êm dịu phổ biến kiến thức pháp luật, những bài giảng về đạo pháp của nhà Phật, về cách ứng xử, đạo làm người, làm công dân.

Anh em quản giáo cho biết, để có được hệ thống loa có chất lượng âm thanh tuyệt vời, chống chịu mọi thời tiết như vậy, trại đã phải đặt hãng âm thanh TOA nổi tiếng của Nhật Bản làm riêng một bộ hàng chục cái, mắc song song với mặt đất trong khắp khu trại. Còn giọng đọc êm ái là của một phát thanh viên Đài Truyền hình Nghệ An mà các anh đã phải cất công nhờ đọc hộ.

Có thể thấy từng chi tiết nhỏ nhất cũng được cán bộ, chiến sĩ Trại giam số 3 đã chăm chút để có thể mang lại cho trại giam một môi trường văn minh, sạch đẹp.

Trong trại có hai thư viện, chia đều cho hai phân trại với số đầu sách của mỗi thư viện lên đến hàng nghìn thuộc đủ mọi thể loại. Hàng quý, trại kết hợp với thư viện tỉnh thực hiện việc luân chuyển sách, trả lại những quyển đã đọc và tiếp nhận đầu sách mới. Cán bộ trại cho biết, phạm nhân rất thích đọc những cuốn sách về đạo pháp, về cách ứng xử và cả sách khoa học, lập trình, viết phần mềm máy tính. Năm 2018, trại và thư viện tỉnh Nghệ An đã luân chuyển hơn 1.200 đầu sách các loại với các chủ đề như: giải trí, hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật. Thư viện mở cửa vào ngày nghỉ từ 7 giờ đến 10 giờ 30 phút. Độc giả chưa kịp đọc xong có thể mượn mang về buồng giam đọc tiếp. Tại mỗi buồng giam cũng có một tủ sách nho nhỏ.

Phạm nhân Nguyễn Huy Trường, quê ở Hà Nội chia sẻ: “Từ ngày vào trại, tôi đã được một số anh em phạm nhân lớn tuổi hướng dẫn học tiếng Anh, dựa vào một số đầu sách dạy ngôn ngữ trong thư viện. Tôi hy vọng, sau này khi ra trại thì kiến thức tiếng Anh của tôi sẽ được sử dụng, giúp tôi hòa nhập trở lại với cộng đồng”.

Hằng năm, Trại giam số 3 đã kết hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc thi viết cảm nhận và kể chuyện theo sách. Phạm nhân hưởng ứng sôi nổi bằng cách viết bài luận, làm thơ, diễn kịch, với nhiều hình thức thể hiện rất sáng tạo, đa dạng và được đầu tư công phu.

Đặc biệt vào năm 2015, trên các trại giam khắp cả nước đã diễn ra cuộc thi “Viết thư gửi lời xin lỗi”. Sau một năm phát động, đến năm 2016, Ban Tổ chức đã nhận được 23 nghìn lá thư xin lỗi của 16 nghìn phạm nhân, trong đó có rất nhiều phạm nhân của Trại giam số 3.

Công tác tổ chức lao động dạy nghề cũng được cán bộ trại coi là một hoạt động giáo dục. Việc tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động sản xuất sẽ giúp cho họ thấy được giá trị về mặt vật chất do sức lao động tạo ra, giúp cho họ biết quý trọng thành quả lao động của mình và của người khác. Phạm nhân đều được bố trí lao động sản xuất phù hợp với điều kiện sức khỏe và sở trường công việc.

Để thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong phạm nhân, hằng năm Trại giam số 3 đã tổ chức hội thi tay nghề giỏi, thu hút nhiều phạm nhân đăng ký tham gia và đạt giải cao.

“Nếu doanh nghiệp thông thường đánh giá hiệu quả thông qua doanh số, lợi nhuận, thì hiệu quả của hoạt động lao động dạy nghề trong trại giam được đánh giá bởi sản phẩm đầu ra là những con người có nhận thức tiến bộ”, Đại tá Phan Đình Thành chia sẻ.

Trại giam số 3 đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đào tạo nghề tổ chức các lớp học nghề cho phạm nhân như nghề điện dân dụng và điện công nghiệp. Đã có 200 phạm nhân đăng ký tham gia học tập. Sau khi học xong, những phạm nhân có tay nghề bảo đảm sẽ được cấp chứng chỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tìm kiếm việc làm khi hết án.

Tháng 12-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 117/2011/NĐ-CP quy định về tổ chức quản lý phạm nhân cùng các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt và chăm sóc y tế. Điều 8 của nghị định này nêu rõ: Phạm nhân được Nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng: 17kg gạo tẻ thường; 0,7kg thịt, 0,8kg cá; 0,5kg đường loại trung bình; 1kg muối; 15kg rau xanh; 0,75lít nước mắm; 0,1kg bột ngọt; chất đốt tương đương 17kg củi hoặc 15kg than. Chế độ ăn của phạm nhân được đánh giá là tốt hơn cả khẩu phần của người cận nghèo Việt Nam.

“Chế độ ăn của phạm nhân tuân theo định lượng, không theo giá. Ở bên ngoài vật giá có lên xuống thế nào thì trong này chúng tôi vẫn phải mua cho đủ để cung cấp cho phạm nhân”, Đại tá Phan Đình Thành cho biết.

Ở Trại giam số 3, bên cạnh định lượng theo quy định của nhà nước, trại còn chi thêm cho mỗi khẩu phần ăn của phạm nhân từ 20 đến 30 nghìn đồng một tháng, lấy từ quỹ tái hòa nhập cộng đồng của trại, đúng như quy định của Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) năm 2018 về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân. Tổng chi bổ sung cho phạm nhân ăn thêm và chi bồi dưỡng cho phạm nhân lao động nặng nhọc năm 2018 là 706 triệu đồng.

Việc kiểm tra định lượng, chất lượng bữa ăn của phạm nhân được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tại nơi chế biến thức ăn dành cho phạm nhân đều có tủ lưu trữ mẫu thực phẩm phục vụ cho công tác kiểm tra, vì thế bữa ăn của phạm nhân luôn được chế biến đúng về định lượng, bảo đảm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phạm nhân Nguyễn Tuấn Anh, phân trại số 1, Trại giam số 3 cho biết: “Những chế độ chính sách của nhà nước hằng tháng, hằng quý chúng tôi luôn được nhận đầy đủ như chăn màn, các vật dụng cần thiết như: khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng. Ngoài ra, vào ngày Lễ, Tết chúng tôi được trại tổ chức cho ăn thêm”.

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) năm 2018 quy định phạm nhân bị ốm, bị thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước nơi gần nhất.

Phòng khám tại Trại giam số 3 được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết, thậm chí là hiện đại như máy siêu âm, máy chụp X quang, chẩn đoán hình ảnh để thực hiện khám, chẩn đoán hoặc thực hiện các tiểu phẫu nếu cần.

Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của của phòng khám thì được chuyển đến bệnh viện huyện hoặc tỉnh. Mỗi một trường hợp phải đi bệnh viện như vậy, trại đều thông báo cho người thân của bệnh nhân để phối hợp điều trị và cử bốn đến năm cán bộ theo đến bệnh viện để giám sát.

Giám thị Phan Đình Thành cho biết, nhiều phạm nhân vào trại mắc đủ các loại bệnh nặng, nhẹ khác nhau, có cả bệnh truyền nhiễm như: lao phổi, HIV/AIDS thậm chí là bệnh hiểm nghèo. “Nhiều loại bệnh chi phí điều trị tốn kém, ngoài xã hội nhiều người không có đủ tiền để theo đuổi việc chữa trị nhưng ở trong trại, bệnh của phạm nhân tốn kém mấy cũng phải chữa, chi phí nhiều khi lên đến cả trăm triệu”, ông Thành cho biết.

Trong trại giam có những phạm nhân suốt cả thời gian thi hành án không có ai thăm nom, hỏi han. Những dịp lễ lớn để sum họp gia đình như Tết đến, Xuân về đối với họ hẳn là khoảng thời gian ít mong chờ nhất khi thấy anh em bạn tù ai cũng được thân nhân tíu tít tiếp tế quà cáp, bánh trái.

Vào dịp này, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy và các cán bộ chiến sĩ tổ chức quyên góp trong đơn vị mỗi người một khoản tiền nhỏ để mua quà cho phạm nhân neo đơn. Bên cạnh đó, các đồng chí đều thực hiện nhiều hoạt động thăm hỏi đối với những phạm nhân già yếu hay phạm nhân bệnh tật đang điều trị để họ được ấm lòng.

Để tạo ra không khí Tết ấm cúng, vui tươi và lành mạnh, động viên phạm nhân cải tạo tốt, lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ Trại giam số 3 đã tổ chức các hoạt động như gói bánh chưng và nấu món ăn truyền thống, dựng cây nêu, làm cá chép để tiễn Táo quân lên trời. Những hình ảnh mà chúng ta thường thấy trong dịp Tết ở các làng quê được tái hiện ngay trong môi trường trại giam đã tạo nên không khí Tết đầm ấm vui tươi.

Trại giam số 3 cũng thực hiện nghiêm túc những chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với phạm nhân chấp hành án nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm được trở lại với cộng đồng để trở thành người có ích cho xã hội.

Trung tá Đào Anh Sơn, Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết: “Hằng năm, lãnh đạo đơn vị Ban Giám thị Trại giam số 3 đã tiến hành họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đối với những người đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Điều 66 và điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Các điều luật này đã tiếp thêm động lực để phạm nhân phấn đấu trong quá trình học tập, lao động, cải tạo chấp hành bản án tại trại giam, để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.

Có thể nói rằng, sự góp sức, chung tay đồng hành của cơ quan ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cá nhân và đặc biệt là sự phối hợp của thân nhân gia đình phạm nhân cùng với những nỗ lực trong công tác quản lý giáo dục phạm nhân đã có tác động mạnh mẽ giúp họ có ý thức vươn lên cải tạo hoàn lương.

Tự hào khoác trên mình màu áo của lực lượng công an nhân dân, những người cảnh sát trại giam nói chung và cán bộ chiến sĩ Trại giam số 3 nói riêng đã vượt qua khó khăn gian khổ thực hiện nhiệm vụ của mình. Với họ, cảm hóa và giáo dục phạm nhân trở thành người lương thiện, có ích cho cộng đồng và xã hội là mục đích đầu tiên và cũng là mục đích sau cùng để họ hướng tới.