Nhiều chợ ở Đồng Tháp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Tại nhiều chợ nằm dọc các tuyến lộ ở Đồng Tháp, không khó bắt gặp hình ảnh các quầy hàng lấn chiếm vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường, người mua bán dừng đỗ xe bừa bãi, gây mất an toàn giao thông (ATGT). Ngành chức năng đã nhiều lần vào cuộc xử lý, chấn chỉnh, thế nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, nguy hiểm luôn rình rập.

Tiểu thương chợ thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung đặt ô dù lấn chiếm lòng đường, gây mất an toàn giao thông đường bộ.
Tiểu thương chợ thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung đặt ô dù lấn chiếm lòng đường, gây mất an toàn giao thông đường bộ.

Chuyện thường ngày ở huyện

Mỗi buổi sáng, hàng chục xe máy của người dân dừng đỗ tràn lan trên quốc lộ 30, ngay phía trước chợ tự phát "mọc ra" tại khu vực gần dốc cầu Cái Tre (ấp Bình Ðịnh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình). Khu vực này nằm đối diện Trường tiểu học Bình Thành 2, giờ cao điểm rất đông học sinh và phụ huynh tham gia giao thông, nhưng các tiểu thương vẫn thản nhiên bày bán đủ các loại rau quả, bánh trái,… ngay bên vệ đường. Cùng thời điểm này, xe tải, xe công-ten-nơ, xe khách,… đi trên quốc lộ 30 bóp còi inh ỏi cảnh báo người buôn bán tránh đường, nhiều xe đi với tốc độ khá cao, nguy hiểm đến tính mạng luôn rình rập. Người dân ấp Bình Ðịnh cho biết, gần đây đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông liên quan học sinh và người đi chợ. Ðại diện UBND xã Bình Thành cho biết, ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lề đường quốc lộ 30 tại chợ tự phát nêu trên nhưng kết quả như "đá ném ao bèo", chỉ được vài bữa, rồi mọi chuyện đâu lại hoàn đó.

Chợ Lai Vung (thị trấn huyện Lai Vung) chia làm hai khu vực, người dân quen gọi chợ cũ và chợ mới. Suốt một thời gian dài, cả hai khu vực này đều mang đến sự bất an cho người tham gia giao thông. Tại khu chợ cũ, hàng chục quầy hàng, quán xá bày bán ngay trên vỉa hè. Các quầy hàng này còn che ô lấn ra cả lòng đường ÐT 851, có rất đông phương tiện giao thông qua lại. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lai Vung Lê Minh Trí cho biết: Nhiều tiểu thương có hành vi lấn chiếm vỉa hè phía trước chợ cũ dù đã nhiều lần bị lực lượng chức năng ra quân nhắc nhở, xử lý lập biên bản, phạt hành chính nhưng tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra. Do vị trí các quầy bán hàng sát đường lớn, nhiều xe máy đột ngột tạt vào mua hàng, khiến nhiều xe phía sau không xử lý kịp, dễ gây tai nạn giao thông. Còn khu vực chợ mới có tên là chợ thị trấn Lai Vung, gồm các khu như nhà lồng chợ thực phẩm, nhà lồng chợ ăn uống, nhà lồng chợ bách hóa, khu giữ xe,… Các nhà lồng chợ được xây dựng khá chỉn chu, trước đây do một đơn vị tư nhân khai thác. Từ năm 2019 đến nay, chợ được Ban Quản lý công trình công cộng huyện Lai Vung quản lý khai thác. Tuy nhiên, ven hai bên nhà lồng chợ, có đến hơn 50 hộ tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các khu cá, rau, gà vịt. Ðể vào được chợ, các phương tiện phải đi qua cầu Ba Dinh 2, nhưng điều nguy hiểm là ngay khi xe vừa xuống dốc cầu, đã vướng giữa đường do bị người dân đặt hàng chục chiếc ô to che nắng mưa, chỉ sơ sẩy một chút là tông vào, rất nguy hiểm. Trưởng Ban Quản lý công trình công cộng huyện Lai Vung Nguyễn Thành Ðẹp cho biết: "Chợ thị trấn Lai Vung có hơn 400 tiểu thương, năm vừa rồi phấn đấu lên "chợ văn minh" nhưng chưa đạt do tiểu thương thường xuyên lấn chiếm lòng lề đường. Người dân đặt ô giữa đường đi phần để che nắng, phần để "chặn" khách dừng lại mua hàng. Không ít lần nhân viên Ban Quản lý nhắc nhở, đã bị một số tiểu thương chửi bới, cầm gậy rượt đuổi". Ðể chấn chỉnh tình trạng này, cuối năm 2019, huyện đã thành lập Tổ tư vấn, vận động sắp xếp, di dời hộ tiểu thương chợ; bố trí lại các ngành hàng rau quả, hải sản, gà vịt tại chợ, không để ảnh hưởng đến lòng lề đường. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp, còn rất nhiều chợ có chung tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, gây mất ATGT như chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình), chợ An Bình (Cao Lãnh), chợ Nha Mân (Châu Thành), chợ Mỹ Ngãi (TP Cao Lãnh),…

Quy hoạch các điểm chợ phù hợp

Thượng tá Thái Viết Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Ðồng Tháp) cho biết: Các chợ có chung đặc điểm là nằm sát đường lớn, trục giao thông chính nhưng người dân lại che lều, dựng bạt lấn chiếm vỉa hè, nhiều nơi để xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao. Hiện nay, Ðồng Tháp có 181 chợ, trong đó có 143 chợ ở xã, phường, thị trấn do chính quyền địa phương cấp xã quản lý và 74 điểm nhóm tự phát. Ðể thực hiện nhiệm vụ quản lý chợ, hằng năm chính quyền các cơ sở đều lên kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ trên địa bàn. Theo Sở Công thương Ðồng Tháp, nhiều chợ theo quy hoạch trên địa bàn, tỉnh thực hiện bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh cơ bản bảo đảm an ninh trật tự, ATGT, vệ sinh, văn minh thương mại. Tuy nhiên vẫn còn một số chợ, điểm chợ tự phát sắp xếp khu vực mua bán còn lộn xộn, gây mất ATGT, nhưng chính quyền cơ sở rất khó xử lý. Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Phương Thủy cho biết, để tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các chợ, nhất là các điểm chợ tự phát, vừa qua, Sở Công thương đã đề nghị các địa phương thống kê hiện trạng trên địa bàn, xây dựng lộ trình và có kế hoạch giải quyết triệt để các điểm chợ tự phát.

Ðại diện Sở Giao thông vận tải Ðồng Tháp cho biết, theo quy chế phối hợp giữa ngành giao thông và địa phương, năm 2019, Thanh tra Sở phối hợp các đơn vị thanh tra, xử phạt vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường tỉnh có chợ và ủy quyền Ðội nghiệp vụ thanh tra giao thông quản lý địa bàn tham gia. Qua các đợt thanh tra, đã tổ chức giải tỏa một số đoạn đường, khu vực chợ tự phát là "điểm đen" về ATGT, gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý hơn 870 trường hợp xây dựng, san lấp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Tuy vậy, kết quả đạt được rất nhỏ so thực tế diễn ra, nhiều trường hợp đã bị nhắc nhở, xử phạt nhưng vẫn cố tình tái diễn. Nguyên nhân người dân, tiểu thương tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ và hình thành các chợ tự phát là do vị trí xây dựng của nhiều chợ không phù hợp thực tế hoặc không bảo đảm quy mô, diện tích và nhu cầu sử dụng cho người dân. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của tiểu thương còn hạn chế và thói quen tùy tiện của người dân, cứ thấy đâu tiện thì mua, chỗ nào không phải gửi xe thì vào. Mặt khác, cũng do sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở, xử lý vi phạm "cầm chừng", theo kiểu chỉ làm cho có. Nhiều trường hợp vi phạm, thanh tra giao thông lập hồ sơ vi phạm, bàn giao chính quyền địa phương xử lý, nhưng vì nhiều lý do, địa phương vẫn chưa tích cực vào cuộc; công tác hậu kiểm của lực lượng chức năng trong việc bắt buộc, cưỡng chế cá nhân, tổ chức thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả còn rất yếu và nhiều hạn chế.

Ðể tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các chợ tự phát trong thời gian tới, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ðồng Tháp Trần Trí Quang cho rằng, các địa phương cần quy hoạch vị trí xây dựng các điểm chợ phù hợp, bảo đảm quy mô, diện tích và nhu cầu sử dụng cho người dân. Cần lắp đặt biển "cấm họp chợ" đối với chợ tự phát, nếu có điều kiện thì lắp đặt ca-mê-ra giám sát tại các điểm thường xuyên họp chợ tự phát để kịp thời phát hiện, xử lý. Ngoài ra, cần tăng cường, duy trì lực lượng liên ngành của địa phương triển khai kiểm tra thường xuyên, kiên quyết xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trái phép. Ðồng thời, thực hiện tình tiết tăng nặng nếu vi phạm nhiều lần hoặc cố tình vi phạm, kể cả người bán lẫn người mua. Bên cạnh đó, chính quyền cấp thôn, xã cũng cần huy động cả bộ máy chính trị, các tổ chức đoàn thể vào việc tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng nhân dân một cách sâu rộng để người dân hiểu, thấm nhuần và tự giác thực hiện, kể cả khi không có sự hiện diện của lực lượng chức năng.