Nhà xe không được "mượn gió bẻ măng"

NDO -

NDĐT – Ngày 31-1, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã trực tiếp cùng đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đi thị sát, kiểm tra công tác phục vụ vận tải Tết tại các bến xe ở Hà Nội. “Truy” nguyên nhân tình trạng phụ thu giá vé của xe khách có nơi lên tới 70% giá vé, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu, các nhà xe không được "mượn gió bẻ măng" tăng giá vé trong dịp Tết.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ thị sát, kiểm tra công tác phục vụ vận tải Tết tại các bến xe ở Hà Nội.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ thị sát, kiểm tra công tác phục vụ vận tải Tết tại các bến xe ở Hà Nội.

An toàn là ưu tiên số một

Nhấn mạnh dịp cao điểm Tết Nguyên đán, lượng hành khách về quê sẽ tăng mạnh, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao các bến xe Hà Nội đã bảo đảm lượng xe, tần suất hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Lãnh đạo các bến cần tuyệt đối không để người dân không có phương tiện về quê, trách nhiệm đưa hành khách cuối cùng về quê ăn Tết là của doanh nghiệp nên các bến xe phải đặc biệt chú ý. Các bến phải luôn đặt công tác bảo đảm an toàn là ưu tiên số một; trong đó, thủ tục cho xe xuất bến phải chặt chẽ, nhưng tránh phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp vận tải.

“Doanh nghiệp vận tải cũng như bến xe cần chú trọng tuyên truyền trên loa tới các xe, nhắc nhở hành khách, kiểm tra việc thắt dây an toàn trên xe khách, bởi đây không phải là hình thức đối phó mà liên quan đến tính mạng con người của mỗi hành khách”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo.

Nhà xe không được "mượn gió bẻ măng" ảnh 1

Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo cần nhắc nhở hành khách kiểm tra việc thắt dây an toàn trên xe khách.

Khi phát hiện lái xe vi phạm về nồng độ cồn, hoặc ma túy, chất kích thích, doanh nghiệp phải điều động lái xe khác thay thế, nhằm đưa hành khách tiếp tục hành trình an toàn về quê đón Tết Nguyên đán. Ngoài việc xử phạt lái xe, bến xe cần có công văn yêu cầu doanh nghiệp lên làm việc.

“Sau các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra gần đây, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu tâm và đã có chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải có giải pháp khắc phục, kiềm chế. Các đơn vị phải quyết liệt vào cuộc, có chỉ đạo cụ thể, phối hợp giữa các cấp chính quyền và lực lượng liên ngành để bảo đảm tốt nhất vấn đề ATGT”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.

Đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với tất cả các xe ra vào bến ở các bến xe, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra ngay tại nơi xuất phát; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát dọc đường. Đơn cử, tại bến xe Mỹ Đình sáng 31-1, khi kiểm tra một lái xe của doanh nghiệp vận tải chờ xuất bến, đoàn công tác đã phát hiện một lái xe sử dụng ma túy đá.

Đồng thời, bến xe và cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra chặt chẽ hàng hóa trên xe để ngăn chặn việc gửi hàng cấm. Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh có nhà xe còn “cạnh tranh bẩn” bằng cách gửi hàng cấm và báo công an bắt doanh nghiệp vận tải đối thủ”, ông Hùng dẫn ví dụ và lưu ý các doanh nghiệp vận tải xe khách khi nhận gửi mô-tô, xe máy phải rút hết xăng dầu đề phòng cháy nổ. Vụ TNGT xảy ra ở Bình Thuận vừa qua là bài học cần rút kinh nghiệm, vì theo kết luận của cơ quan điều tra, xe khách đã để xe máy trong hầm hàng, khi xảy ra va quệt, xe cháy và dẫn đến 13 người tử vong.

Phụ thu sao lên tới 70%?

Giám đốc Bến xe Mỹ Đình Lý Trường Sơn cho biết, những ngày qua, lượng hành khách đổ về bến tăng từ 1,5 - 2 lần so ngày thường. Mỗi ngày cao điểm Tết Nguyên đán, có khoảng 18 - 20 nghìn lượt khách qua bến. Bến cũng đã yêu cầu hạ tải 62 lượt xe trước khi xuất bến do chở quá số lượng quy định.

Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cũng thông tin, bến có 169 doanh nghiệp hoạt động với 94 tuyến vận tải. Số lượng xe xuất bến những ngày gần đây dao động khoảng 550 lượt xe/ngày, tương ứng 20 nghìn lượt khách. Từ tối 30-1, bến đã bắt đầu sử dụng 16 lệnh xe tăng cường đưa khách về quê ăn Tết.

Tại bến, có 42 đơn vị nộp đăng ký tăng giá vé và phụ thu giá vé từ 14 đến 61% mức giá niêm yết và thực hiện theo đúng quy định của thành phố. Bến đã lập biên bản xử lý 30 nhà xe tự ý tăng giá vé trước Tết.

Còn theo Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn, đơn vị đã nhận được đăng ký tăng giá vé của các nhà xe, doanh nghiệp đề xuất tăng giá vé để phụ thu chiều rỗng và được Sở GTVT các địa phương nơi đăng ký phương tiện hoạt động chấp thuận. Cụ thể, bến Giáp Bát có 18 doanh nghiệp vận tải (chủ yếu tuyến đi Đà Nẵng) đăng ký tăng 50%, đi Thanh Hóa từ 20-40%. Bến xe Gia Lâm có hai đơn vị tăng giá vé.

Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định, giá vé tăng trong dịp Tết nhưng cần ở mức nhất định, doanh nghiệp vận tải không thể cứ vin vào cớ chạy rỗng một chiều để phụ thu. Có doanh nghiệp được chấp thuận cho tăng lên tới 60-70%. Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị vận tải cố gắng không tăng vé, nếu tăng chỉ ở mức 10 - 20%.

“Xe khách chạy chiều rỗng mà phụ thu tới 70%, Sở GTVT cần làm rõ vấn đề này, tìm nguyên nhân, không được "mượn gió bẻ măng" để tăng giá vé trong mấy ngày Tết. Dù lời lãi chỉ trong vài ngày, nhưng doanh nghiệp vận tải lại hoạt động trong bến cả năm, nên cần phải xem xét lại”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho biết, hai hôm nay, đường dây “nóng” của Tổng cục đã tiếp nhận các thông tin của người dân về tăng giá vé, việc niêm yết giá vé tại bến xe đều không thực hiện trên xe. Sau khi điều chuyển luồng tuyến ở Hà Nội, đã có 37% số lượng xe không hoạt động, thực chất để giữ “nốt” xe, tạo cơ hội cho “xe dù, bến cóc” phát triển.

Thứ trưởng cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội rà soát, cắt bỏ các “nốt” xe không hoạt động vì đây là tiềm ẩn vấn nạn giữ “nốt”, cò mồi chạy “xe dù”, chuyển nhượng bán “nốt”. Bộ GTVT sẽ xem xét lại quy định về mức giá vé. Những xe không hoạt động trong 60 ngày thì cắt “nốt” và công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà khẳng định, Sở sẽ kiểm tra những “nốt xe ảo”, nếu không hoạt động thì cắt và sẽ thông báo công khai.