Không để thiếu tàu xe, “tăng giá, nhồi khách” dịp Tết

Tại Chỉ thị số 33/CT-TTg mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có trách nhiệm điều tiết, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng thiếu tàu, xe. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, ngăn chặn tình trạng nhồi nhét khách, tăng giá bất hợp lý và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Xử lý nghiêm nạn “xe dù, bến cóc”

Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, từ ngày 15-1, lượng khách đổ về các bến xe bắt đầu tăng mạnh, các tuyến xe đường dài trong khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán tăng đột biến. Dự kiến, lượng khách qua Bến xe Mỹ Đình trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 150% so ngày thường với khoảng 1.100 lượt xe/ngày. Tại Bến xe Giáp Bát, dự kiến cũng tăng khoảng 150% so ngày thường (1.050 lượt xe/ngày),… Vì vậy, các bến xe đã tập trung lực lượng, tăng cường kiểm tra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, thuận lợi cho hành khách. Đồng thời, chú trọng kiểm tra việc tăng giá vé xe, cước lệch chiều của các đơn vị vận tải, ngăn chặn việc thu giá vé cao hơn giá vé đã đăng ký; triển khai phương án tổ chức giao thông, sắp xếp điều tiết phương tiện và tăng cường xe để giải tỏa khách trong ngày,… Tuy nhiên, phương tiện vận tải hoạt động tại các bến trong những ngày thường chỉ đạt khoảng 50% hệ số trọng tải, cho nên mặc dù nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết tăng cao, lượng xe vẫn đáp ứng được. Đối với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai,... có thể sẽ xảy ra tình trạng ùn cục bộ ở từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày.

Để bảo đảm trật tự ATGT cho người dân dịp Tết, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ các Trạm công an bến xe, công an phường, công an quận để xây dựng phương án phối hợp bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn; ngăn chặn hữu hiệu việc vận chuyển chất nổ, chất cháy, hàng cấm, hàng giả, hay nạn cò mồi, rê dắt khách,... Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý lái xe sử dụng ma túy, sử dụng chất kích thích, rượu, bia, đồng thời sẽ xử phạt nghiêm phương tiện đón trả khách ngoài bến xe; chống ùn tắc trong và ngoài bến xe, bảo đảm không ai không được về quê đón Tết.

Tại buổi kiểm tra công tác vận tải của Ủy ban ATGT quốc gia, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho biết, tại bến có 136 doanh nghiệp, 74 tuyến vận tải kết nối 27 tỉnh, thành phố trên cả nước, với công suất hơn 1.000 xe/ngày, nhưng hiện nay bình quân mới đạt khoảng 50%. Đa số doanh nghiệp vận tải kinh doanh tốt, chấp hành các quy định, chất lượng phương tiện bảo đảm. Hành khách đến bến vào tận quầy mua vé, không có vé không ra xe, khách tự giác và rất hài lòng. Theo thống kê, đến ngày 17-1, đã có gần 50 đơn vị vận tải lên phương án tăng giá vé trong dịp Tết từ 13 đến 60%, chủ yếu là các tuyến đường dài từ Thanh Hóa trở vào. Đồng thời, bến xe cũng xử lý 15 trường hợp nhà xe tự ý nâng giá không đúng quy định. Hiện, Bến xe Giáp Bát có tới 200 xe đăng ký bến nhưng thường xuyên “chạy dù” và bỏ bến, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải “trá hình, mượn tên”, đăng ký điểm cuối là bến xe Nước Ngầm nhưng lại cho xe chạy lòng vòng và tranh giành khách ở ngoài bến. Do đó, lãnh đạo Bến xe Nước Ngầm đề nghị cơ quan chức năng xử lý triệt để, giải quyết dứt điểm tình trạng mất an ninh trật tự, ATGT tại khu vực trước cổng số 1 (đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai) và siết chặt quản lý đối với loại hình xe hợp đồng trá hình, tránh tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhất là dịp cao điểm Tết.

Tại Ga Hà Nội, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao, VNR đã sử dụng 967 toa xe khách, trong đó có 90 toa xe đóng mới, 74 toa xe nâng cấp với chất lượng tương đương toa xe đóng mới với khoảng 350 nghìn chỗ đối với chiều đông khách, tăng 4% so cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Về giá vé, tàu Thống Nhất chiều cao điểm tăng khoảng 2% so Tết năm trước, tàu khu đoạn chiều thấp điểm hoặc cung chặng vắng khách giảm từ 20 đến 40%. Ngành đường sắt đang triển khai nghiêm túc các phương án phục vụ và bảo đảm an toàn chạy tàu, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn do ý thức chủ quan của nhân viên đường sắt.

Xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm ATGT

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, các đơn vị vận tải phải có phương án cung cấp đủ số lượng toa xe, phương tiện để vận chuyển hành khách về quê đón Tết Nguyên đán, với mục tiêu “an toàn là ưu tiên số một”. Đánh giá cao các bến xe đã chấp hành nghiêm quy định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hoạt động vận tải khu vực Hà Nội đã có nhiều cải cách tốt hơn như vệ sinh môi trường, phân luồng đi lại, hoạt động đi vào nền nếp, tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với lái xe,… “Các doanh nghiệp, lái xe thời gian qua chấp hành tương đối tốt nhưng nếu không liên tục kiểm soát sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, không bảo đảm an toàn cho hành khách”, người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh. Lực lượng chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm để bảo đảm ATGT cao nhất trong thời gian này. Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo các bến xe quán triệt, không để bất cứ hành khách nào không có xe về quê đón Tết, tăng cường số lượng tuyến đi về địa phương để giải tỏa khách như huy động xe buýt của các doanh nghiệp, công ty du lịch,… Các tổ liên ngành cũng cần thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích đối với lái xe, nên tập trung vào các lái xe tuyến đường dài nhằm phát hiện và xử lý nghiêm người vi phạm theo quy định mới; giám sát hoạt động của các xe thông qua thiết bị giám sát hành trình về các vi phạm dừng đỗ, trả khách sai quy định. Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nhìn chung các bến xe đã kiểm soát chặt giá vé, giá được niêm yết công khai, chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng những ngày cao điểm Tết để tăng giá một cách tùy tiện. Doanh nghiệp vận tải chạy rỗng cần phụ thu là đương nhiên nhưng không thể thu giá vé chiều ngược lại quá cao và tận thu. Các Sở GTVT cần hạn chế đến mức thấp nhất việc cho phép đơn vị vận tải đăng ký tăng giá, mức tăng lên 60 đến 70% là bất hợp lý, các đơn vị cần minh bạch việc niêm yết giá. Về nạn xe dù, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, những xe đăng ký bến, tuyến nếu cố tình bỏ bến sẽ bị cấm vĩnh viễn không cho đăng ký “nốt” xe (quyền của phương tiện vào bến). “Những doanh nghiệp vận tải đăng ký với bến xe mà không chạy có mục đích gì? Có tình trạng bán “nốt” xe hay luồng tuyến không?”, Thứ trưởng Thọ đặt ra nghi vấn tiêu cực từ tình trạng này. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cũng khẳng định, sẽ tiếp nhận thông tin từ người dân qua “đường dây nóng” và chuyển trực tiếp tới lãnh đạo các lực lượng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, lãnh đạo Sở GTVT các địa phương để có chỉ đạo, xử lý kịp thời và kiên quyết.

Dịp cao điểm Tết, đã ghi nhận một số trường hợp hành khách bị nhỡ chuyến bay do đến làm thủ tục hàng không muộn. Các hãng hàng không lưu ý hành khách chủ động sắp xếp lịch trình để có mặt tại sân bay trước giờ khởi hành dự kiến ít nhất hai đến ba giờ đối với hành trình nội địa và ít nhất ba giờ đối với hành trình quốc tế. Để không phải xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay, hành khách nên sử dụng các hình thức làm thủ tục tiện lợi khác qua website, ứng dụng di động; tại quầy ở sân bay,... Trong dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 9-1 đến 8-2), số chuyến bay của Hãng Vietnam Airlines tăng gần 11%. Hãng đã chủ động tăng cường nhiều chuyến bay, khai thác gần 24 tiếng trong ngày để hành khách có nhiều lựa chọn. Một số ngày cao điểm nhất, hãng dự kiến khai thác gần 600 chuyến/ngày. Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Huy Dương cho hay, ngày cao điểm nhất, sân bay Nội Bài đạt 115 nghìn lượt khách, 710 lượt chuyến bay. Mặc dù tăng đột biến về sản lượng vận chuyển, tuy nhiên theo thống kê, mức tăng vẫn chưa đạt đến giới hạn khai thác tại Cảng đã được công bố, kể cả trong các khung giờ cao điểm. Về năng lực khai thác, từ hệ thống quầy thủ tục, vị trí đỗ tàu bay, Sân bay Nội Bài vẫn hoàn toàn đáp ứng, bảo đảm khai thác. Đối với nhà ga quốc tế, Cảng đã chủ động phối hợp các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất linh hoạt bố trí quầy trong trường hợp tăng chuyến bất thường,… Sân bay Nội Bài hiện có 106 vị trí đỗ được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép, giai đoạn cao điểm, các vị trí đỗ còn thiếu, Cảng đã hiệp đồng với Tiểu đoàn căn cứ F371 và Công ty VAECO sẵn sàng bố trí thêm các vị trí tại sân đỗ quân sự, đồng thời xin phép Cục Hàng không cho sử dụng thêm các vị trí đỗ qua đêm trên đường lăn S1. Cảng đã chủ động phối hợp đơn vị phục vụ mặt đất, Chi cục Hải quan để tăng nhân lực, trang thiết bị, triển khai trả hành lý song song trên hai băng tải để rút ngắn thời gian trả hành lý cho hành khách,...

Nhằm tránh tình trạng quá tải đột biến trong các khung giờ cao điểm Nhà ga hành khách T2, Nội Bài hạn chế người nhà đưa tiễn vào các khung giờ cao điểm, cụ thể sáng từ 8 đến 11 giờ, tối từ 19 đến 23 giờ. Để nâng cao khả năng kiểm soát mọi hoạt động khai thác tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay, trong dịp cao điểm Tết, Nội Bài đã đưa vào hoạt động Trung tâm điều phối khai thác (AOCC), trực điều hành tập trung. Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, việc kích hoạt công tác trực điều hành tập trung tại AOCC Nội Bài đã phát huy hiệu quả cao trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng tại Cảng, nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. Cảng vụ hàng không miền bắc cần phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, lực lượng công an có biện pháp tuần tra, khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến tĩnh không, tiềm ẩn nguy cơ gây uy hiếp an toàn bay như đốt pháo, thả diều, chiếu đèn la-de, bay flycam… để người dân hiểu, chia sẻ và hợp tác.