Đừng đánh cược với con nước dữ

NDO -

Trong bốn ngày qua, cuộc cứu hộ tìm kiếm hai du khách bị lũ cuốn mất tích trên suối Klong Klanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, thông tin tràn trên mặt báo. Đến nay, thi thể của hai du khách xấu số đã được tìm thấy. Người thì đã đi xa, chỉ còn nỗi đau ở lại.

“Đường về” mịt mù trong mưa rừng.
“Đường về” mịt mù trong mưa rừng.

Nỗi đau, rất đau với người thân, bạn bè và cả người chưa quen biết. Họ đã mất đi người cháu, người con, người bạn… ở tuổi rất đẹp của đời người. Xin được thắp nén tâm nhang cho hai du khách không may gặp nạn giữa đại ngàn mùa nước lũ!

Có lẽ, ngày 28-11, Hà My và Quỳnh Trang cũng như bao bạn bè trong đoàn khách 25 người đến từ TP Hồ Chí Minh vui và háo hức lắm. Vì họ được trải nghiệm đại ngàn, được hòa mình với hoa thơm, cỏ lạ và những điều bí ẩn của thiên nhiên trên dãy Bidoup hùng vĩ, được ví là “nóc nhà” ở cao nguyên Langbiang. Sau một ngày, một đêm thực hiện hành trình, đến 13 giờ 30 phút ngày 29-11, trên đường về, con nước lớn đã xô sập cây cầu treo trên dòng Klong Klanh. My và Trang đã bị cuốn theo dòng nước dữ.

Đừng đánh cược với con nước dữ -0
Đầu nguồn “suối khóc” Đạ Nhim đã “níu giữ” hai phận người. 

Từ hôm đầu nghe tin sự việc, tôi và đồng nghiệp tức tốc lên đường. Ngày thường, cung đường nối “phố hoa và phố biển” (QL 27C) nên thơ, đẹp lắm, ngang qua bao nhiêu cánh rừng nguyên sinh. Càng đi càng thấy thật gần. Nhưng chiều tối hôm ấy sao xa vời vợi, mông lung, vì không biết bao nhiêu sinh mạng đã bị con nước dữ cuốn đi. Chúng tôi chỉ nghe sự việc, có đoàn khách bị lũ cuốn trên con suối ở “thung lũng trăn” (K’lon K’lăn) và cứ thế lên đường. Đến hiện trường, trời tối mù. Mưa, không gian lạnh lẽo hơn. Con suối K’lon K’lăn (Klong Klanh) ở đầu nguồn dòng Đạ Nhim (suối khóc) gầm gừ.

Ở trạm Y tế xã Đạ Chais, nơi những du khách cùng đoàn đang nghỉ chân để hoàn hồn sau khi vừa chung nhịp qua cầu treo Klong Klanh với My và Trang, họ may mắn hơn khi bị lũ cuốn đi hơn 200m, nhưng bám được cành cây giữa dòng nước đỏ ngầu và được lực lượng cứu hộ giải cứu. Ở đó, tôi nghe rõ mồn một trong mưa câu nói có thể hàm ý trách móc, thương cảm của ai đó: Mưa lũ thế này mà băng rừng, lội suối làm gì, rồi để lại những niềm đau!

Khó có thể trách họ. Những đôi chân khát khao trải nghiệm đại ngàn, hòa trong nhịp điệu thiên nhiên. Họ đã đặt tour. Và có thể, họ không rành rọt về rừng, lũ ống, lũ quét. Có thể, họ phải “tuân thủ” theo người hướng dẫn. Có thể… bao điều có thể.

Đó là sự cố bất ngờ! Nhưng, sẽ không có mất mát, tang thương, nếu đừng tiếc nuối, lường trước và dừng lại. Và nói rộng ra, đó là du lịch thông minh, du lịch an toàn. Không phải sau khi có sự cố người ta mới nhắc đến điều đó, mà đó luôn là điều mong muốn, nhắc nhở, cảnh báo… của nhiều địa phương, điểm đến thân thiện chào đón quý khách!  

Rồi đây, việc thường làm sau những sự cố là điều tra, làm rõ; rà soát, chấn chỉnh, cảnh báo và xem xét trách nhiệm các bên liên quan. Nhưng rồi khi sự việc đi qua, mọi người cũng sẽ quên, đâu lại vào đó.

Song, qua sự việc trên, cũng cần phải nhắc thêm một lần, có thể ai đó sẽ nhớ, rằng: Đừng liều lĩnh với con nước dữ.