Công khai, minh bạch doanh thu phí BOT

Thời gian gần đây, tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa), có một nhóm người dân tiến hành dựng lều, thực hiện công việc đếm xe lưu thông qua trạm và đưa lên mạng xã hội nhiều thông tin khó kiểm chứng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Trước tình hình này, nhà đầu tư kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) sớm lập đoàn kiểm tra, mời người dân cùng giám sát và công khai, minh bạch số liệu doanh thu, nhằm tránh phát sinh phức tạp.

Một nhóm người dân tổ chức đếm xe bằng phương pháp thủ công tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa).
Một nhóm người dân tổ chức đếm xe bằng phương pháp thủ công tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa).

Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên

Tuyến đường thuộc Dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa dài hơn 38 km, tổng mức đầu tư gần 2.650 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Ðầu tư BOT Ðèo Cả Khánh Hòa là nhà đầu tư. Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước hoàn thành kiểm toán, cơ bản quyết toán xong với Bộ GTVT và đặt trạm thu phí hoàn vốn Ninh Lộc tại thị xã Ninh Hòa từ đầu năm 2016. Trong quá trình thu phí, công ty định kỳ báo cáo số liệu doanh thu và lưu lượng thực tế tại trạm theo quy định; hằng năm Tổng cục ÐBVN đều kiểm tra công tác quản lý và hoạt động thu phí hoàn vốn.

Theo kết quả giám sát gần đây nhất của Tổng cục ÐBVN, việc kiểm đếm xe qua trạm trong 10 ngày (từ 24-10 đến 3-11-2018) cho thấy, bình quân mỗi ngày, mức thu của trạm đạt hơn 758 triệu đồng. Ðoàn cũng kiểm tra xác suất toàn bộ dữ liệu xe qua làn trong thời gian bất kỳ, đối chiếu dữ liệu hình ảnh lưu trữ cho kết quả số liệu trùng khớp. Số thu trong 10 ngày kiểm tra, giám sát phản ánh trung thực, đúng thực tế khách quan. Phần mềm thu phí đã tích hợp công cụ khai thác dữ liệu tất cả các loại xe qua làn trên một giao diện, cán bộ hậu kiểm không phải giám sát riêng xe vé lượt, xe vé quý, vé tháng, xe ưu tiên.

Từ tháng 8-2017 đến nay, do hiệu ứng dây chuyền ở các trạm BOT quốc lộ 6, Biên Hòa, Cai Lậy,… trạm BOT Ninh Lộc bị lái xe liên tục sử dụng tiền lẻ mua vé và cho ô-tô dàn hàng ngang phản đối. Bộ GTVT và địa phương đã thống nhất miễn phí cho người dân 20 xã, phường quanh trạm, giảm 40% giá vé cho các loại xe. Ðể bảo đảm hài hòa lợi ích, đồng hành, chia sẻ với nhân dân, nhà đầu tư đã thực hiện nhiều giải pháp cầu thị, trong đó có việc chủ động đàm phán, đề xuất Bộ GTVT giảm phí cho các hộ dân chung quanh khu vực trạm thu phí trong bán kính 10 km, mặc dù điều này không được quy định trong hợp đồng dự án. Ngày 18-1-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CÐ-TTg về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT, tuy nhiên, các hành vi gây rối như uy hiếp nhân viên thu phí, cướp vé, phá tài sản trạm thu phí,… vẫn diễn ra. Nhà đầu tư đã nhiều lần báo cáo nhưng chưa cơ quan chức năng nào có giải pháp xử lý, tháo gỡ triệt để. Từ ngày 26-2 đến nay, tại khu vực thu phí trạm BOT Ninh Lộc xuất hiện một nhóm người tổ chức dựng lều tại khu vực trạm, nơi có biển báo "Không phận sự miễn vào", để đếm xe qua trạm bằng phương pháp thủ công, lập bảng thống kê các loại xe theo từng mức phí và dự kiến sau một tuần sẽ gửi số liệu cho Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước. Ðồng thời, nhóm người này cũng đăng tải một số thông tin sai lệch về dự án lên các trang mạng xã hội, gây hiểu nhầm cho nhiều người và kích động một số người dân khu vực lân cận không thuộc đối tượng miễn giảm phí.

Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư BOT Ðèo Cả Khánh Hòa Hồ Ðình Chung nhấn mạnh: trường hợp các đối tượng này tiếp tục có những hành vi gây rối như trước đây, hoặc xảy ra việc cướp tài sản như từng xảy ra tại Dầu Giây vừa qua, thậm chí đe dọa tính mạng nhân viên thu phí vi phạm pháp luật, thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội trong khu vực. Thời điểm hiện tại, trạm thu phí BOT Ninh Lộc vẫn hoạt động bình thường, công ty đã báo cáo các cơ quan chức năng để có biện pháp hỗ trợ khi xảy ra sự cố ách tắc, gián đoạn lưu thông.

Giám sát và công khai doanh thu

Theo quan điểm của Công ty cổ phần Ðầu tư BOT Ðèo Cả Khánh Hòa, nhà đầu tư luôn hoan nghênh việc công khai, minh bạch trong đầu tư và sẵn sàng đối chất với các số liệu đã được thanh tra, giám sát, nhưng cần tôn trọng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư khi tham gia dự án. Trong thời gian qua, sau hiệu ứng dây chuyền tại một số trạm BOT, nhiều nhà đầu tư đã không có sự chia sẻ, hỗ trợ của các bên liên quan, một số cơ quan chức năng gần như bỏ mặc nhà đầu tư hoặc giải quyết không hiệu quả như vụ việc tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), phần nào gây ảnh hưởng đến chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước trong việc kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực đầu tư
trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.

Mới đây, Tổng cục ÐBVN đã ban hành kế hoạch, lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với 11 trạm thu phí BOT trên địa bàn cả nước. Các cơ quan phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí cùng các Cục Quản lý đường bộ gồm Cục Thuế các địa phương nơi đặt trạm thu phí và đại diện Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an - nếu có), hoàn thành trong quý II tới và báo cáo kết quả về Tổng cục. Trước đó, Tổng cục ÐBVN đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dầu Giây từ ngày 28-1 đến 8-2 sau khi dư luận nghi ngờ về vấn đề thu phí sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí này ngày mồng 3 Tết Nguyên đán vừa qua. Qua kết quả kiểm tra đột xuất công tác thu phí tại trạm thu phí Dầu Giây thuộc tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, lãnh đạo Tổng cục ÐBVN cho biết, số tiền thu phí của các ca trùng khớp, đúng với báo cáo của Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Ðể giải quyết triệt để nguy cơ mất khả năng kiểm soát tại các trạm thu phí, chúng tôi cho rằng, Bộ GTVT với tư cách là bên A của hợp đồng BOT, cần có sự phối hợp nhà đầu tư dự án (bên B) tìm giải pháp xử lý triệt để các vấn đề phát sinh, tránh để phức tạp kéo dài. Trong vai trò đơn vị giám sát việc vận hành, khai thác, tổ chức thu phí của hệ thống hạ tầng giao thông toàn quốc, Tổng cục ÐBVN cần chủ động báo cáo các cơ quan pháp luật liên quan về hành vi cản trở thu hoặc gian lận thu phí của các dự án. Ðối với dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 qua Khánh Hòa, nhà đầu tư đề nghị Bộ GTVT sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ về thực trạng các trạm BOT hiện nay, đề xuất Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo trọng điểm về an ninh thu phí gồm thành viên là đại diện Bộ Công an; Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an các địa phương liên quan; lập đường dây nóng để trực tiếp giải quyết các vấn đề nảy sinh. Ðồng thời, chỉ đạo Tổng cục ÐBVN thành lập ngay đoàn kiểm tra về tình hình thu phí của trạm BOT Ninh Lộc trong thời gian ba tháng, kết hợp mời đại diện người dân tham gia giám sát. Sau đó, công bố công khai các số liệu giám sát trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tránh tình trạng người dân tự thông tin các số liệu không được kiểm chứng, ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Nhà đầu tư cũng kiến nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sớm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 82/CÐ-TTg và đề xuất Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo trọng điểm về an ninh thu phí.

Người dân hoàn toàn có quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, miễn sao không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc đếm xe "thay" cơ quan chức năng một cách tự phát của người dân có thể dẫn đến những kết quả thiếu chính xác, không kiểm chứng được và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về trật tự xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm, công khai minh bạch các số liệu thu phí BOT để người dân tham gia giám sát, hiểu rõ bản chất vấn đề nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, không ảnh hưởng đến các quyền lợi chính đáng của người dân, trong đó có quyền đi lại.