Chứng chỉ lái xe kinh doanh vận tải, công cụ quản lý hiệu quả hay gánh nặng thủ tục?

NDO -

NDĐT- Chung quanh đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải cần được cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi một số ý kiến cho rằng, thêm chứng chỉ là thêm gánh nặng thủ tục hành chính, trong nhiều trường hợp các chứng chỉ chỉ mang tính hình thức để đối phó hơn là để bảo đảm tính an toàn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, chứng chỉ này là cần thiết để bảo đảm an toàn cho chính người lái và những người khác tham gia giao thông, cũng như là công cụ quản lý hiệu quả.

Ảnh minh họa. (HÀ NAM)
Ảnh minh họa. (HÀ NAM)

Thêm chứng chỉ là thêm gánh nặng thủ tục, chi phí

Điều 103 Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ngày 31-5-2020 quy định về chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Trong đó quy định, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô chỉ cấp cho người có giấy phép lái xe (các hạng B, C1, C, D1, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE) để lái xe kinh doanh vận tải.

Người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.

Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp và không còn giá trị sử dụng trong thời gian chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng.

Việc kiểm tra để cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe. Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng.

Về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến cho rằng: Chứng chỉ hành nghề lái xe là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc bởi sẽ làm tăng thủ tục xin – cho không cần thiết, nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo giấy phép lái xe. Mục tiêu của chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải là nhằm bảo đảm người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, bảo đảm an toàn giao thông, tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa. Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh vận tải thì đều phải bảo đảm yếu tố an toàn theo mục tiêu này.

“Yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép. Đề nghị bỏ quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề”, VCCI nêu quan điểm trong văn bản góp ý về dự thảo luật gửi Bộ Giao thông vận tải.

Đồng tình với quan điểm của VCCI, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cho rằng: “Nhiều trường hợp chứng chỉ mang tính hình thức hơn là thực chất và thực tế là để đối phó hơn là để bảo đảm tính an toàn cho người được cấp chứng chỉ đó. Quan điểm của chúng tôi là đề nghị bỏ, vì chứng chỉ này có thời hạn, hết thời hạn lại phải xin lại, lại thêm thủ tục hành chính và lại thêm một quá trình kèm theo”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, cho rằng, đề xuất về chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải như trong dự thảo luật là có cơ sở, việc đặt yêu cầu cao về bảo đảm an toàn giao thông là rất đúng. “Tuy nhiên, nếu quy định như trong dự thảo lại vướng chuyện là chúng ta lại đặt thêm ra một chứng chỉ mới”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.

Chứng chỉ kinh doanh vận tải giúp quản lý hành vi kinh doanh dễ hơn

Theo TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, kinh doanh vận tải yêu cầu điều kiện khó hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với lái xe cá nhân thông thường, như: tần suất lái xe đi ra đường nhiều hơn, chở nhiều người trên đó hơn, nghiệp vụ phức tạp hơn,...

Theo TS Trần Hữu Minh, tại Mỹ, nếu một lái xe muốn chở xe buýt trường học phải học chín tín chỉ, trong đó bao gồm: xử lý khi thời tiết bất lợi, xử lý có điểm khẩn cấp, đi qua đường ngang, nắm bắt lộ trình rủi ro và quản lý rủi ro, quá trình lên xuống xe, quản lý trẻ em, học sinh trên xe, ứng xử với học sinh cần sự trợ giúp đặc biệt và các đào tạo về kỹ thuật khi vận hành phương tiện.

“Những phần này đều phải học hết và phải thi. Nếu học mà không thi thì sẽ không có động lực, để trong chương trình đào tạo lái xe hay tách ra thì bản chất vấn đề vẫn là phải tập trung vào chất lượng quá trình ấy”, TS Trần Hữu Minh nói.

TS Trần Hữu Minh cho rằng, nếu chúng ta tách bạch được phần bằng lái là điều khiển phương tiện ở mức độ cơ bản trung bình đáp ứng yêu cầu an toàn cơ bản. Phần chứng chỉ kinh doanh vận tải để quản lý hành vi kinh doanh thì sẽ dễ hơn rất nhiều.

“Lúc đó, nếu anh làm sai, làm không tốt bị rút chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải thì quyền lái xe cá nhân của anh vẫn được giữ nguyên, không bị ảnh hưởng”, TS Trần Hữu Minh nêu ý kiến.

Lý giải thêm về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, việc cấp chứng chỉ hành nghề của lái xe không phải là vấn đề mới. Hiện nay, trong đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe đã cấp chứng chỉ nghề này tuy nhiên là cấp trước khi cấp giấy lái xe. Trong dự luật điều chỉnh, quy định cấp giấy phép lái xe trước sau đó mới cấp chứng chỉ hành nghề. Tức là, những người nào thực sự có nhu cầu kinh doanh vận tải thì mới phải học chứng chỉ hành nghề này.

“Quá trình triển khai sao cho thực chất và đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính thì chúng tôi sẽ có điều chỉnh trong các văn bản dưới luật”, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định.

Chứng chỉ lái xe kinh doanh vận tải, công cụ quản lý hiệu quả hay gánh nặng thủ tục? ảnh 1