Ðẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị

TP Hồ Chí Minh đang dồn sức tập trung đầu tư xây dựng tám tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài gần 170 km nhằm góp phần giải quyết bài toán giao thông đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Hầu hết các ga trên cao của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thiện công tác lợp mái, chuẩn bị đưa vào khai thác vận hành trong năm 2021.
Hầu hết các ga trên cao của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thiện công tác lợp mái, chuẩn bị đưa vào khai thác vận hành trong năm 2021.

Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là trục giao thông xương sống phát triển thành phố về phía đông đang được tăng tốc thi công để sớm đưa vào vận hành cuối năm 2021; cùng với đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) sắp hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ khởi công vào cuối năm nay.

Nỗ lực về đích

Di chuyển liên tục giữa các tầng hầm của công trình Nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố thuộc gói thầu CP1b, tuyến metro số 1, Kỹ sư trưởng công trình Lê Thành Lê không rời mắt quan sát công nhân đang thi công hoàn thiện các hạng mục quan trọng. Tại tầng B1, một trong bốn tầng hầm của nhà ga, hầu hết các trang thiết bị phục vụ hành khách đã lắp đặt xong như phòng hướng dẫn thông tin, sảnh đợi, khu vực bán vé tự động, hệ thống thang cuốn… với không gian rất thoáng đãng, tiện ích và hiện đại. Ngoài ra, từ tầng hầm B1 có một lối dẫn lên trên mặt đất để hành khách tiếp cận với các chuyến tàu khi đi vào vận hành cũng đã thi công xong. Kỹ sư Lê Thành Lê cho biết: "Tham gia công trình từ những ngày đầu, tôi thấy hạnh phúc và tự hào khi được làm việc ở một công trình có quy mô lớn với kỹ thuật thi công hiện đại.

Với trách nhiệm của mình, tôi đã cùng anh em trên công trường lập tiến độ thi công bằng những biện pháp chặt chẽ nhằm bảo đảm tiến độ đề ra, kết quả là vượt tiến độ từ 5-6 tháng". Cũng theo kỹ sư Lê, trong quá trình thi công, nhà thầu đã gặp không ít khó khăn về nhân công, điều kiện hạ tầng kỹ thuật chung quanh nhưng đến nay mọi khó khăn cũng đã được hóa giải. Nhìn chung, tiến độ thi công của bốn tầng hầm thuộc gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99% về kết cấu, chỉ còn các công đoạn về hoàn thiện. Theo Ban Quản lý Ðường sắt đô thị (ÐSÐT) TP Hồ Chí Minh, ga Nhà hát Thành phố cùng với ga Ba Son và ga Trung tâm (TT) Bến Thành là một trong ba ga ngầm của tuyến metro số 1. Trong đó, giải pháp thi công phức tạp nhất, ứng dụng công nghệ rô-bốt khoan ngầm bằng khiên đào (TBM) tiên tiến của Nhật Bản là đoạn kết nối nhà ga Ba Son và nhà ga Nhà hát Thành phố với đường hầm dài 781m, nằm sâu dưới lòng đất hơn 30 m.

Với tiến độ thi công đạt 72%, gói thầu CP1a (ga Nhà hát Thành phố - ga TT Bến Thành) cũng đang được gấp rút thi công với gần 500 công nhân trên công trường làm việc hai ca mỗi ngày. Khu vực công trường thi công của khu vực nhà ga TT Bến Thành lúc nào cũng nhộn nhịp, kể cả trong thời điểm dịch Covid-19 với nhiều biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Nhà ga TT Bến Thành được xem là "trái tim" của các tuyến metro vì ngoài phục vụ hành khách của tuyến metro số 1, ga ngầm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến metro khác trong tương lai như tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước).

Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng Ban Quản lý ÐSÐT, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án metro số 1 cho biết: Ngoài gói thầu CP1a và CP1b, gói thầu không kém phần quan trọng đang được các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ là công tác lợp mái các nhà ga trên cao thuộc gói thầu CP2 (xây dựng đoạn trên cao và Depot) do Liên danh nhà thầu Sumitomo-Cienco 6 thực hiện. Trong tháng 6 này, đơn vị thi công đã lợp cơ bản hoàn thiện 10/11 nhà ga gồm: Thảo Ðiền, Văn Thánh, Bình Thái, Thủ Ðức, Công nghệ cao, Suối Tiên, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Ðại học quốc gia; riêng nhà ga Tân Cảng do thiết bị được nhập khẩu từ nước ngoài nên thời gian hoàn thiện dự kiến trong tháng 7-2020. Hiện, gói thầu này đã đạt 84,30% khối lượng, phấn đấu đạt 90% trong năm 2020.

Theo Ban Quản lý ÐSÐT, tính đến nay tiến độ toàn dự án metro số 1 đạt khoảng 75% tổng khối lượng với 37 triệu giờ công lao động an toàn. Dự kiến cuối năm 2020, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành 85% và phấn đấu cuối năm 2021 đưa vào vận hành khai thác như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc Ban Quản lý ÐSÐT thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường chia sẻ: Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và đợt thi đua 200 ngày chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tập thể Ban Quản lý ÐSÐT đã đăng ký thực hiện sáu công trình gắn với ba đợt thi đua cao điểm với quyết tâm đẩy mạnh thi công xây dựng tuyến ÐSÐT số 1 và chuẩn bị khởi công tuyến ÐSÐT số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ðến nay, nhiều hạng mục của tuyến metro số 1 đã đạt và vượt tiến độ so kế hoạch đề ra từ ba đến bốn tháng, được UBND thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương và đánh giá cao.

Nỗ lực cho các tuyến metro mới

Cùng với tuyến metro số 1 đang chuẩn bị về đích, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được thành phố thực hiện nước rút, hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, khởi công trong năm nay. Dự án tuyến metro số 2 được điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 47.890,840 tỷ đồng, đi qua địa bàn của sáu quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng chiều dài 11,3 km (9,3 km đi ngầm; 2 km trên cao và chuyển tiếp). Ðiểm đầu của tuyến là khu vực trung tâm Bến Thành (quận 1) và điểm cuối là depot Tham Lương (quận 12). Theo Ban Quản lý ÐSÐT, dự án tuyến metro số 2 có 602 hộ dân thuộc diện giải tỏa đền bù. Hiện, UBND các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục bồi thường và chi trả bồi thường cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban quản lý ÐSÐT trong tháng 6 để triển khai xây dựng tuyến metro số 2.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang tiếp tục xúc tiến hai tuyến ÐSÐT quan trọng để tạo điều kiện kết nối giao thông thành phố là tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến số 5 giai đoạn 1 (từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn). Theo ông Bùi Xuân Cường, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp các đơn vị liên quan xem xét hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình ÐSÐT thành phố Hồ Chí Minh (tuyến metro số 5) - giai đoạn 1 từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn, trên cơ sở tiếp thu và giải trình các ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước đối với dự án làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2020, sau đó sẽ trình Quốc hội thông qua nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án.

Ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: Tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 cũng là một phần của tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo hành lang đường Hoàng Văn Thụ, Phan Ðăng Lưu, Bạch Ðằng, Ðiện Biên Phủ kết nối nhiều tuyến ÐSÐT của thành phố trong tương lai, bao gồm tuyến metro số 1 tại cầu Sài Gòn, tuyến metro số 3b tại ngã tư Hàng Xanh, tuyến metro số 4 tại ngã tư Phú Nhuận, tuyến metro số 4b tại công viên Hoàng Văn Thụ và tuyến metro số 2 tại ngã tư Bảy Hiền. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất đối với Dự án đầu tư xây dựng ÐSÐT thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ nối trực tiếp với tuyến metro số 1 tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, nối kết khu vực đông bắc và tây nam thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kỳ vọng: cùng với tuyến metro số 1 đưa vào vận hành trong năm 2021 và tuyến số 2 hiện đang được triển khai thi công, thành phố sẽ có tiền đề triển khai đầu tư xây dựng các tuyến metro tiếp theo có sức chuyên chở lớn nhằm góp phần đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng của người dân thành phố. Ðây là mục tiêu quan trọng góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư gần 43.758 tỷ đồng. Chiều dài của toàn tuyến là 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 nhà ga (ba ga ngầm và 11 ga trên cao), đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) và Dĩ An (Bình Dương). Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8-2012, đã lùi tiến độ hoàn thành nhiều lần. Mới đây nhất, thời gian dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác quý IV năm 2021.