Ám ảnh những hồ nước tưới tiêu

NDO -

NDĐT- Sáng sớm, nhiều đứa trẻ tíu tít, cười đùa khi được cùng mẹ, cùng cha lên rẫy. Chiều, sau một ngày cần lao, gạt vội những vệt mồ hôi chát mặn, gọi con… nhưng không gian u tịch. Rồi những tiếng thét xé lòng bên hồ nước tưới tiêu không rào chắn, các con vĩnh viễn rời vòng tay chở che của cha mẹ ở tuổi thần tiên.

Những hồ nước tưới tiêu không rào chắn đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Những hồ nước tưới tiêu không rào chắn đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.

Sáng mùa khô 20-2, đang trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Ka Thuynh (7 tuổi) và chị gái Ka Hạ Tiên, lớn hơn em một tuổi, có lẽ rất vui khi được cùng cha mẹ đi rẫy. Mùa này, bông cà phê nở trắng các sườn đồi Nam Tây Nguyên. Nhưng, đó cũng chính là ngày định mệnh, hai em không kịp về nữa, để cùng nhau vui đùa trong mùa cà phê chín đỏ.

Vì kế sinh nhai, hôm ấy, vợ chồng chị Ka Hởi và anh K’Têm (thôn K’Rọt Dờng, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng), tất bật chuẩn bị những thứ cần thiết, dẫn theo hai con gái vượt hơn 30 cây số đến xã Tân Nghĩa, cùng huyện, để tưới cà phê thuê. Dưới những tán cà phê mùa trổ bông, hai cháu Ka Thuynh và Ka Hạ Tiên cùng nhau chơi đùa, còn cha mẹ tất bật kéo ống nước từ hồ tự đào của chủ vườn để tưới cà phê. Gần cuối buổi chiều, vợ chồng chị Ka Hởi tạm nghỉ ngơi uống nước, gọi mãi không thấy hai con trả lời. Hốt hoảng tỏa đi tìm con khắp vườn, rồi họ ngã khuỵu khi phát hiện hai con gái bé bỏng dưới hồ nước tưới. Bữa cơm trưa vội vã, đạm bạc giữa vườn, trở thành bữa cơm chia ly, tiễn biệt. Thật đớn đau!

Trước đó, ngày 17-2, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thi và chị Nguyễn Thị Hương (tạm trú phường 7, TP Đà Lạt), đưa con trai Nguyễn Ngọc An (5 tuổi), tới tổ Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt chơi, để cha mẹ đi làm thuê. Tại đây, An chơi cùng cháu Trần Hào Nam (3 tuổi), con anh Trần Quang Đồng và chị Nguyễn Thị Ánh, cũng là người tới địa phương làm thuê. Chiều tối, sau một ngày mưu sinh vất vả để trang trải cuộc sống, khi họ trở về tìm con chở về chỗ trọ, thì bàng hoàng phát hiện hai con đuối nước dưới hồ phục vụ tưới tiêu gần đó.

Hai đứa trẻ tuổi ăn, tuổi nói đã vĩnh viễn rời xa vòng tay chở che của cha mẹ trong hồ nước vô tình. Chết rồi, hai sinh linh bé bổng con cô, con cậu vẫn phải nằm trong mái lều tôn lạnh lẽo tại khu vực sản xuất nông nghiệp chờ an táng, vì hoàn cảnh cha mẹ còn quá khó khăn, thiếu thốn. Họ là những người rời quê hương bản xứ đến phố núi tá túc, làm thuê.

Ám ảnh những hồ nước tưới tiêu ảnh 1

Do không có nhà, thi thể hai cháu đuối nước tại Đà Lạt được đặt tạm trong mái nhà tôn tại nơi sản xuất nông nghiệp chờ an táng.

Chính quyền địa phương, nhiều tổ chức, đoàn thể, bà con chòm xóm và những người chưa từng quen biết, nghe chuyện đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình vượt nỗi đau mất mát. Không phải tình thân, nhưng khi hay tin, ai cũng xót thương, nghẹn ngào.

Giờ đây, tiếng cười nói, nô đùa, giọng ngọng nghịu bi bô của các con chỉ còn trong ký ức đau thương của người thân. Nhưng lại mở ra câu chuyện an toàn tại những hồ nước tưới tiêu tự đào, không rào chắn. Và ở Lâm Đồng, có hàng nghìn ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp như thế. Chưa tính hàng chục hồ chứa nước lớn, đập dâng và hệ thống sông, suối chằng chịt trên địa bàn.

Ám ảnh những hồ nước tưới tiêu ảnh 2

Hồ nước tưới tiêu tại phường 7, Đà Lạt, nơi hai cháu nhỏ bị đuối nước.