Thỏa thuận "thế hệ mới"

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU), gọi tắt là EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đã chính thức được ký kết ngày 30-6-2019, tại Hà Nội. Ðược đánh giá là những thỏa thuận về thương mại và đầu tư thế hệ mới nhất, mang tính toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, các hiệp định thể hiện rõ cam kết của Việt Nam và EU vì một nền thương mại mở, công bằng và dựa trên luật lệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) - EVFTA; và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU) - EVFTA; và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Không chỉ là thuế quan

Ý tưởng đàm phán về một hiệp định thương mại và đầu tư song phương được Việt Nam và EU nhất trí từ tháng 10-2010; đến tháng 6-2012, hai bên chính thức khởi động đàm phán EVFTA. Sau hơn ba năm đàm phán, kết thúc vào tháng 12-2015, hai bên tiến hành rà soát pháp lý và đến tháng 6-2017, hoàn tất tiến trình ở cấp kỹ thuật. Tháng 9-2017, do phát sinh một số vấn đề liên quan thẩm quyền phê chuẩn, EU đề nghị tách nội dung bảo hộ đầu tư thành một hiệp định riêng biệt. Theo đó, nội dung về đầu tư trong EVFTA chỉ gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài; còn nội dung về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp được tách riêng trong hiệp định khác, là EVIPA. Sau khi hoàn tất rà soát pháp lý, ngày 17-10-2018, Ủy ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Quyết định ký hai văn kiện này được Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua ngày 25-6-2019, và lễ ký chính thức được tổ chức tại Hà Nội ngày 30-6-2019.

Với 17 chương, hai nghị định thư và một số bản ghi nhớ kèm theo, EVFTA có các nội dung chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại... Cùng với đó là những điều khoản về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý, thể chế...

Theo EVFTA, Việt Nam và EU sẽ cắt giảm theo lộ trình tới 99% thuế quan đối với hàng hóa của nhau. Nhưng không chỉ là giảm thuế, EVFTA còn bao gồm các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững, trong đó chứa đựng cam kết triển khai các tiêu chí của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Công ước của LHQ về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Bởi thế, EVFTA được đánh giá là thỏa thuận "thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao"; gắn thương mại và đầu tư với các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Tiến trình phê chuẩn các hiệp định được khởi động ngay sau khi hai bên chính thức ký kết. Về phía Việt Nam, Quốc hội sẽ tiến hành các thủ tục theo quy trình phê chuẩn các điều ước quốc tế. Với EU, vì không phải quốc gia, nên quy trình phê chuẩn phức tạp hơn, và đây cũng là văn kiện về FTA lớn đầu tiên Nghị viện châu Âu khóa mới xem xét. Sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, EVFTA sẽ có hiệu lực ngay lập tức, còn EVIPA chậm hơn, cần được các nghị viện của tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.

Thỏa thuận "thế hệ mới" ảnh 1

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thứ hai EU ký với một quốc gia Ðông - Nam Á, song là FTA thế hệ mới đầu tiên và tham vọng nhất giữa EU và một nền kinh tế đang phát triển.

Ðón đầu các cơ hội

Theo Ủy ban châu Âu, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thứ hai EU ký với một quốc gia Ðông - Nam Á, song là FTA thế hệ mới đầu tiên và tham vọng nhất giữa EU và một nền kinh tế đang phát triển, một quốc gia có thu nhập trung bình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Giăng-cơ nhấn mạnh, việc EU và Việt Nam ký các hiệp định thương mại và đầu tư song phương cho thấy sự gắn kết giữa châu Âu với Việt Nam và khu vực Ðông - Nam Á, thể hiện cam kết vì một nền thương mại mở, công bằng và dựa trên luật lệ.

Cao ủy Thương mại EU X.Man-xtrôm nhận định, Việt Nam là một thị trường sôi động, đầy hứa hẹn và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN; Việt Nam và EU sẽ cùng thu lợi từ mối quan hệ thương mại mạnh mẽ cũng như từ FTA, các sản phẩm kinh tế của hai bên không mang nặng tính cạnh tranh, trái lại còn bổ sung cho nhau. Theo Trưởng đoàn đàm phán EU H.Cô-ních, các doanh nghiệp EU đang háo hức chờ các hiệp định có hiệu lực. Họ nhìn thấy nhiều cơ hội trong các thỏa thuận với Việt Nam, xem Việt Nam là "bến đỗ" quan trọng trong khu vực, với mong muốn đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, qua đó mở ra con đường tiếp cận sâu rộng vào thị trường ASEAN.

Với lộ trình tiến tới xóa bỏ tới 99% hàng rào thuế quan, EVFTA tạo thuận lợi mới để các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ tạo "cú huých" cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, dệt may, da giày...

Theo Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, trao đổi thương mại Việt Nam - EU thời gian tới sẽ tăng mạnh và EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Các doanh nghiệp EU sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam, nhất là các ngành EU có thế mạnh, như công nghệ cao, năng lượng sạch, tự động hóa, tài chính-ngân hàng, vận tải, logistics, qua đó hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, bền vững.

Cam kết trong EVFTA về dịch vụ, đầu tư, mở cửa thị trường sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU thuận lợi hơn khi tiếp cận thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU. Các cam kết theo EVIPA về công bằng, bình đẳng và an toàn cho đầu tư góp phần thúc đẩy môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, qua đó giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư hơn.

Thông qua EVFTA và EVIPA, các nhà đầu tư EU có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam, với các quy định ưu đãi hơn. Các hiệp định này còn giúp EU tăng cường quan hệ với ASEAN, hướng tới việc thảo luận một FTA giữa hai bên trong tương lai.