Thách thức trong kiểm soát lạm phát

Ngay từ đầu tháng 2-2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực vào cuộc với nhiều hành động cụ thể.

Các doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Ðăng
Các doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Ðăng

Tăng cường giải pháp hỗ trợ khách hàng

Ngày 4-2, Thống đốc NHNN ban hành Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp sau đó là các Văn bản Thông báo 35/TB-NHNN ngày 7-2, Công văn 1117/NHNN-TD ngày 24-2 trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại. Ðồng thời với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng do dịch để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, NHNN đã tổ chức nhiều cuộc họp cùng các TCTD bàn cách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Phát biểu tại cuộc họp với các TCTD, Phó Thống đốc Ðào Minh Tú yêu cầu các NHTM xây dựng kịch bản, giải pháp hỗ trợ cụ thể cho khách hàng. “Ðây cũng là cơ hội để NHTM khẳng định thương hiệu và tiềm lực tài chính của mình cũng như sự đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, cộng đồng… là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội, người dân” - ông nói.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực. Tính đến thời điểm cuối tháng hai vừa qua, đã có hơn 44 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 222 nghìn tỷ đồng được các TCTD hỗ trợ thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu... Các NHTM tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất thấp hơn từ 1% đến 2% dành cho khách hàng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng phi tiếp xúc góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, các NHTM miễn, giảm phí hàng loạt dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán. Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Ngành NH là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì chính ngành này cũng cần được hỗ trợ.

Nguy cơ nợ xấu tăng, gia tăng áp lực lên lạm phát

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Theo báo cáo của 23 TCTD, ước tính có khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng bị ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử… NHNN dự tính, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý I-2020 thì cuối năm nay tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC sẽ khoảng 2,9% -3%; kịch bản thứ hai, dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II-2020 tỷ lệ nợ xấu sẽ khoảng gần 4% vào cuối năm. Trong khi đó, mục tiêu ngành NH đặt ra trong năm 2020 là phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%... Một vấn đề khác, để tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở cho các TCTD hỗ trợ khách hàng, trong tháng ba này, NHNN sẽ ban hành Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Dự thảo Thông tư này, TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trường hợp thứ hai, khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Bên cạnh đó, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1-2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trong hai trường hợp trên…

Các TCTD được tự chủ và tự chịu trách nhiệm khi thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, lãnh đạo các NHTM lại không khỏi băn khoăn: Việc phân loại nợ hiện đã được các NHTM thực hiện trên hệ thống với phần mềm tự động, hạn chế thấp nhất sự can thiệp của con người. Việc “can thiệp” không chuyển nhóm nợ đối với những khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống xếp phân loại của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc khách hàng được giãn, hoãn nợ sẽ khiến một khoản tín dụng ngắn hạn có thể chuyển thành trung, dài hạn, như vậy sẽ làm méo mó hoạt động kinh doanh của NH.

Chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP (6,8%), do đó với vai trò là chủ đạo trong cung ứng vốn cho nền kinh tế, chắc chắn các TCTD sẽ phải đẩy mạnh cho vay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu thời gian hoãn, giãn nợ kéo dài và phải triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì cần tính đến phương án dùng ngân sách hỗ trợ để các TCTD thực hiện các giải pháp này. Dẫu vậy, cần lưu ý rằng, NHNN sẽ gặp thách thức không nhỏ khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Hiện theo công bố của các TCTD sẽ có khoảng 250 nghìn tỷ đồng là các khoản tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng được tung ra. Mặt khác, tín dụng tăng trong khi giá cả hàng hóa tăng do ảnh hưởng dịch bệnh sẽ gây áp lực không nhỏ lên lạm phát.