Tạo nên những trung tâm logistics trọng điểm

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), câu chuyện hình thành các trung tâm logistics để hỗ trợ thông thương hàng nông sản đang là yêu cầu cấp bách.

Là vùng trọng điểm kinh tế, ÐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu của cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ÐBSCL đã lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, theo ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chính việc chuỗi cung ứng logistics còn phân tán và manh mún đã khiến cho phát triển nông sản bị kìm hãm.

Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng Giám đốc Hanh Nguyen Logistics phân tích: Riêng chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với các nước như Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin... Chi phí này của ta chiếm 30% giá thành, trong khi Thái-lan là 12,5%, thế giới 14%.

Vấn đề mấu chốt cần giải quyết là tăng kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản ÐBSCL, từ canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ cho đến thông quan - xuất khẩu… Kéo giảm chi phí logistics sẽ tạo đòn bẩy, tăng sức cạnh tranh cho nông sản.

Hiện ÐBSCL có bảy cảng biển, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy. Giao thông thủy bộ, hàng không trên địa bàn ÐBSCL có mật độ dày và phát triển đều khắp, nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ trong toàn hệ thống làm hạn chế tải trọng các phương tiện vận chuyển đường thủy.

Ðể thông tuyến, ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang) kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, bảo đảm cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu (10 nghìn tấn đầy tải, 20 nghìn tấn giảm tải). Ðây là vấn đề “sinh tử” đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ÐBSCL.

Cùng với đó cần mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh, Long An với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bảo đảm cho các loại sà-lan trọng tải hơn 3.000 tấn hoặc sà-lan chở hơn 120 TEU lưu thông thuận lợi hai chiều không phụ thuộc vào con nước lớn ròng. Từ đó, rút ngắn thời gian vận tải cũng như chi phí vận tải cho hàng hóa, đặc biệt là container lưu thông tuyến TP Hồ Chí Minh - Long An - Tây Nam Bộ - Phnôm Pênh (Cam-pu-chia).  

Về mặt chủ trương, hiện tỉnh Hậu Giang đã đồng ý để DN thực hiện mô hình trung tâm logistics “Tất cả trong một” chuyên xuất khẩu nông sản và cũng là tạo nên “Cầu nối nông dân Việt Nam ra thế giới”. Một trong số đó là Trung tâm Hanh Nguyen Logistics. Tọa lạc ngay giữa tâm điểm ÐBSCL, trung tâm này có khả năng thực hiện khép kín tất cả các quy trình phục vụ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ bảy ngày như tập quán.

Với những chuyển động như trên, hy vọng sớm đến ngày nông sản của ÐBSCL có thể tự tin vươn đến nhiều thị trường xa và đầy tiềm năng.