Tăng đầu tư công bảo đảm tăng trưởng

Mới đây, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đầu năm 2020 đã tăng gần gấp hai lần so cùng kỳ năm 2019, cả về tiến độ và mức thực hiện. Nhưng xét dài hạn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp khó.

Nhà ga nằm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, TP Hà Nội) thuộc Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sắp được hoàn thiện. Ảnh: Giang Huy
Nhà ga nằm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, TP Hà Nội) thuộc Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sắp được hoàn thiện. Ảnh: Giang Huy

Tăng, nhưng vẫn…chưa đạt kế hoạch

Về cụ thể, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 29-2 là hơn 34.749 tỷ đồng, đạt 7,38% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt hơn 33.625 tỷ đồng, vốn nước ngoài đạt hơn 1.124 tỷ đồng.

Chi tiết hơn, thông tin của ông Tuấn Anh cho biết, các bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt hơn 5.892 tỷ đồng (đạt 5,46% kế hoạch), cao hơn so cùng kỳ năm 2019 (chỉ là 1,21% kế hoạch). Các địa phương giải ngân đạt hơn 28.857 tỷ đồng, đạt 7,96% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt hơn 5%).

Cuối tháng 3-2020, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng, ước giải ngân vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương ba tháng đầu năm 2020 là 61.591,412 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch, cao hơn hẳn so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, vốn trong nước là 58.596,195 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.995,216 tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá, dù giải ngân vốn đầu tư công có tăng, nhưng tỷ lệ giải ngân ba tháng đầu năm vẫn còn thấp, và chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ về đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế.

Cần lưu ý, từ đầu năm 2020, chuẩn bị đối phó với những nguy cơ từ dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu chưa giảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 (khoảng 6,8%). Trong đó, bên cạnh các biện pháp khác, người đứng đầu Chính phủ đặt mục tiêu tăng đầu tư công như là biện pháp quan trọng để bảo đảm tăng trưởng.

Để phục vụ yêu cầu này, Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, với nội dung trọng tâm là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Dự kiến, hội nghị sẽ diễn ra cuối tháng 4-2020. Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả giải ngân vốn đầu tư công ba tháng đầu năm 2020, bao gồm kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020.

Trong nhiều năm trước đó, vấn đề tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng luôn là vấn đề thời sự của Chính phủ, và các bộ, ngành, địa phương. Đã là thực tế, giải ngân đầu tư công năm nào cũng chậm, trở thành sức ép thật sự với những cơ quan quản lý. Nghịch lý đói vốn phát triển, nhưng lại không giải ngân được vốn đầu tư công luôn được nhắc lại trên các diễn đàn, từ Quốc hội cho đến các hội nghị phát triển… như là điển hình cho sự yếu kém của cơ chế quản lý.

Trên nền tảng ấy, yêu cầu tăng được giải ngân vốn đầu tư công để bù tăng trưởng mà Thủ tướng đặt ra, trở thành “đề bài”… khó giải. Vì như trên đã dẫn, kết thúc ba tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công có tăng mạnh, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu kế hoạch được giao. Nếu không có đột phá, không có gì hứa hẹn kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công sẽ đạt tiến độ, chứ chưa nói tới vượt tiến độ.

“Nút thắt” nhiều năm, gỡ trong vài tháng?

Về cơ bản, tăng đầu tư công trong điều kiện Việt Nam gói gọn vào hai mảng chính. Đó là tăng giải ngân đầu tư công và tăng các dự án dùng vốn đầu tư công. Với chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng, mà nhiều dự án khác cũng đã được bổ sung danh mục sử dụng vốn công và sẽ sớm được triển khai ngay trong năm 2020.

Ngày 10-4, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng), không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này...

Để hình dung sức ép này lớn thế nào, có thể dẫn lại số liệu hết năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt hơn 270.209 tỷ đồng, chỉ đạt 62,94% so kế hoạch Quốc hội giao và 67,46% kế hoạch Chính phủ giao. Phần còn lại chuyển sang năm 2020. Còn kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2020 theo chỉ định của Thủ tướng là 470.850 tỷ đồng. Người đứng đầu Chính phủ đã đặt mục tiêu dùng hết số vốn đầu tư ấy, khi thực hiện năm 2019 chỉ được quá nửa kế hoạch, lại gánh thêm sức ép từ kỳ vọng của kế hoạch năm 2020.

Là cơ quan chuẩn bị nội dung cho hội nghị “chuyên ngành” về đầu tư công dự kiến tổ chức cuối tháng 4-2020, Bộ Tài chính cũng liệt kê thêm bốn nguyên nhân dẫn tới giải ngân đầu tư công tiến hành chậm. Đó là Luật Đầu tư công cho phép kế hoạch vốn năm 2019 được kéo sang năm 2020, nên các chủ đầu tư cũng tập trung giải ngân vốn kéo dài sang năm 2020. Nguồn kéo dài này là vào khoảng 61.685,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án sử dụng vốn từ nguồn dự phòng trung hạn và 10 nghìn tỷ đồng chưa được giao kế hoạch đầu tư nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn trong năm 2020, nên chưa thể giải ngân. Đồng thời, thời điểm nghỉ Tết và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật tư... cho triển khai thực hiện dự án và thanh toán vốn.

Đặc biệt, nhiều dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp đã được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020, nhưng chưa đến mở tài khoản và thanh toán tại Kho bạc Nhà nước, tức là cũng chưa được giải ngân dù vốn đã bố trí xong. Đến hết tháng 3-2020, số này lên đến 43.896 dự án với tổng số kế hoạch vốn khoảng 225.679,1 tỷ đồng.

Đối với các vấn đề phát sinh mới này, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan phụ trách phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, giao hết kế hoạch vốn đầu tư ngay trong tháng 3-2020. Sau đó là kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án… Nhưng về cơ bản, đó cũng vẫn là những yêu cầu… cũ, lặp lại hằng quý, hằng năm.

Vậy thì cần phải tìm đâu ra đột phá cho đầu tư công, như là giải pháp chính giúp giữ được tăng trưởng trong thời gian dịch bệnh hoành hành!?

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 chỉ tăng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua, và chỉ bằng 56,2% mức tăng của quý I-2019.