Sớm vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông

Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án đường sắt đô thị (ÐSÐT) Cát Linh - Hà Ðông đang hoàn tất những phần việc cuối cùng trước khi đưa vào khai thác. Thành phố Hà Nội cũng đã, đang chủ động các phương án chi tiết từ cơ sở vật chất đến nhân lực, sẵn sàng tiếp nhận dự án để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Ðức Tuấn mua vé lên chuyến tàu từ ga Cát Linh (quận Ðống Ða). Ảnh: Võ Hải
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Ðức Tuấn mua vé lên chuyến tàu từ ga Cát Linh (quận Ðống Ða). Ảnh: Võ Hải

An toàn vận hành là yêu cầu số một

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp nhận, bàn giao tuyến ÐSÐT 2A, Cát Linh - Hà Ðông từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Ðức Tuấn đã đi thị sát và kiểm tra toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông để rà soát mọi công tác phương án tiếp nhận, bàn giao tuyến ÐSÐT 2A Cát Linh - Hà Ðông từ Bộ GTVT để thành phố vận hành khai thác.

Ðúng 8 giờ 30 phút, sau khi mua vé ở quầy bán vé tự động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã lên chuyến tàu chạy từ ga Cát Linh (Ðống Ða). Lộ trình của tàu dừng đủ ở các ga và chỉ sau hơn 20 phút, đã đến điểm cuối là ga Yên Nghĩa (Hà Ðông). "Tuyến đường từ Cát Linh vào Hà Ðông nếu đi bình thường cũng hết 45 phút nhưng đi tàu chỉ mất hơn 20 phút tôi thấy khá tiện lợi, an toàn", ông Tuấn đánh giá và khẳng định ÐSÐT là loại hình vận tải tiên tiến, khối lượng lớn, tốc độ cao, có tính ưu việt trong giao thông đô thị, mang lại tiện ích cho người dân khi tham gia.

Về phía đơn vị quản lý vận hành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Ðường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường thông tin, đến thời điểm này, đơn vị đã cùng các sở, ngành liên quan hoàn thành 12/15 đầu việc theo yêu cầu của thành phố giao. Ðáng chú ý là đã thực hiện cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối với hạ tầng giao thông; xây dựng và thông qua phương án kết nối xe buýt với các nhà ga của tuyến đường sắt; cung cấp thông tin hướng dẫn sử dụng ÐSÐT cho người dân; thành lập tổ ứng phó khẩn cấp và chỉ đạo diễn tập giải tỏa khách; đã tuyển dụng và cử đi đào tạo 681 người. Hanoi Metro đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm đếm cơ sở vật chất, hồ sơ tài liệu và các phần việc cuối cùng của quá trình chuyển giao, tiếp nhận dự án...

Trao đổi với Báo Nhân Dân cuối tuần, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Ðông cho biết, công tác an toàn chạy tàu là yêu cầu số một, sau khi kết thúc quá trình vận hành thử, những vấn đề còn chưa nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục được đánh giá kỹ để có hướng khắc phục và hoàn thiện, thậm chí có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu.

Ðẩy nhanh hoàn thiện, bàn giao dự án

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào vận hành khai thác, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất phương án chuyển giao toàn bộ dự án. Theo đại diện Ban Quản lý Ðường sắt (Bộ GTVT), đến nay, dự án đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị; còn lại chuyên ngành thiết bị Depot đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh thông số ngày 2-3-2021, đang tiến hành công tác nghiệm thu công trình thành phần. Biên bản nghiệm thu tổng thể đã được các bên thống nhất nội dung, sẽ sớm hoàn thành ký kết.

Sau 20 ngày vận hành thử nghiệm toàn hệ thống, đã có hơn 5.700 chuyến tàu an toàn (tổng cộng hơn 70 nghìn km) dưới sự giám sát của tư vấn giám sát, tư vấn độc lập. Ngoài việc đánh giá an toàn, nghiệm thu kỹ thuật, đơn vị chức năng cũng kiểm tra công tác đào tạo, đánh giá mức độ sẵn sàng của nhân viên thuộc Hanoi Metro cho giai đoạn vận hành thương mại sắp tới. Kết quả vận hành cho thấy, tỷ lệ hoàn thành chuyến, lượt đạt 100% và tỷ lệ đúng giờ đạt hơn
99%, bảo đảm hơn 70 nghìn km vận hành an toàn...

Về giá vé ÐSÐT, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau. Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với hai mức là 100 nghìn đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200 nghìn đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường). Vé ngày (30 nghìn đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày). Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt tùy theo chặng...

Ðể bảo đảm kết nối, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách công cộng, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, ngoài việc hợp lý hóa luồng tuyến buýt, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu bổ sung kết nối hàng nghìn điểm dừng xe buýt, phát triển thêm các điểm trung chuyển, tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng… Theo đó, có 50 tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Ðông và lên các kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu với ÐSÐT. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển chín điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ÐSÐT Cát Linh - Hà Ðông. Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400 m; bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ xe buýt lên 28 điểm để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng, thuận tiện đi lại.

Theo phương án tiếp nhận, bàn giao, vận hành khai thác dự án (đã được Bộ GTVT và UBND thành phố thống nhất), lãnh đạo TP Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý dự án Ðường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan của thành phố, tập trung thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, Tổng thầu để bảo đảm đủ điều kiện bàn giao Dự án theo kế hoạch. Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, Công ty TNHH MTV Ðường sắt Hà Nội chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thành phố sẵn sàng tiếp nhận Dự án từ Bộ GTVT đúng quy trình thủ tục khi đã đủ điều kiện khai thác và bảo đảm an toàn tuyệt đối theo quy định.

Tuyến ÐSÐT Cát Linh - Hà Ðông có chiều dài 13,5 km gồm 12 ga và một khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Dự án được khởi công từ tháng 10-2011.

Khải Lâm