Sớm ban hành luật chống chuyển giá

Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị đã khẳng định: Hiện tượng chuyển giá trong hoạt động của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Do đó, cần hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của DN. Ông Đỗ Văn Sinh (ảnh bên), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn của Nhân Dân cuối tuần về vấn đề này.

Sớm ban hành luật chống chuyển giá

- Thưa ông, Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị được ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh mới?

- Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút FDI, Bộ Chính trị đã ban hành một Nghị quyết chuyên đề về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến năm 2030. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta trong thời kỳ mới, kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thu hút được một thế hệ FDI mới có chất lượng cao hơn. Bao trùm lên Nghị quyết là đánh giá thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong hoạt động thu hút FDI, đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra những khiếm khuyết, nhược điểm cần khắc phục nhằm hướng tới thu hút dòng vốn quan trọng này theo định hướng coi trọng các dự án công nghệ tương lai, công nghệ mới, dự án thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả cao không chỉ về tăng trưởng mà còn mang lại hiệu quả cao về công nghệ, dịch vụ hiện đại. Đồng thời, ngăn chặn những mặt tiêu cực như chuyển giá, vốn mỏng, đầu tư núp bóng... làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam.

- Một trong những nội dung đáng lưu ý của Nghị quyết là đặt vấn đề hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Chuyển giá là mua đắt, bán rẻ, gây ra tình trạng lỗ giả, lãi thật, diễn ra giữa các công ty liên kết. Hoạt động này có thể diễn ra ngay từ khâu đầu tư, thí dụ tổng mức đầu tư một nhà máy khoảng 100 tỷ USD nhưng DN kê khai lên 200 tỷ USD rồi khấu hao máy móc, thiết bị vào giá thành. Tiếp đến là trong quá trình sản xuất, DN nâng giá ở tất cả các khâu mua nguyên liệu đầu vào, sản phẩm tài chính (lãi vay)… của công ty liên kết với giá cao và giá bán sản phẩm đầu ra cho công ty liên kết cũng phi thị trường. Tóm lại, chuyển giá là câu chuyện giá đầu vào - đầu ra của cả một quá trình từ khâu đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa của DN.

Để kiểm soát được cả quá trình này, cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ của tất cả các bộ, ngành liên quan thông qua việc xây dựng được công cụ quản lý mà yếu tố quan trọng đầu tiên là hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL). Phải có CSDL về DN, từ đó mới có thể phân tích sâu các hoạt động kinh tế để biết được DN có các giao dịch liên kết hay không. Bên cạnh đó, còn phải xây dựng được hệ thống CSDL về giá trị sản phẩm liên quan đến hoạt động đầu tư, thiết bị công nghệ trên thị trường để xác định được giá trị giao dịch thực tế. Từ đó mới có “bộ lọc” để đưa ra được biện pháp ngăn ngừa và xử lý nếu xuất hiện các giao dịch liên kết đáng ngờ. Muốn vậy phải có đủ cơ sở pháp lý, Nghị quyết 50 đã nêu rõ quan điểm xây dựng luật về chống chuyển giá và có một cơ quan chuyên trách về vấn đề này. Theo quan điểm của tôi, nên giao cơ quan thuế làm đầu mối và phải có liên kết với các bộ chuyên ngành khác, vì xét cho cùng, ngăn chặn hoạt động chuyển giá chính là để thu thuế đúng, công bằng. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại quốc tế nên cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin về các tập đoàn xuyên quốc gia trên toàn cầu, như thế mới so sánh được DN chuyển giá hay không.

- Thưa ông, trước mắt, chúng ta cần bổ sung gì vào một số luật liên quan đến chống chuyển giá?

- Hiện nay, chúng ta đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về DN. Tôi cho rằng ngay tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV này cần triển khai xem xét các dự án Luật Đầu tư, Luật DN và Luật Đối tác công - tư (PPP) với nguyên tắc phải thẩm thấu được tinh thần của Nghị quyết 50 để Nghị quyết đi vào luật, từ đó lan tỏa đến cuộc sống. Đối với Luật Đầu tư (sửa đổi) phải kiểm soát hai việc: Rà soát lại các điều kiện và chính sách ưu đãi thu hút FDI trên cơ sở chỉ ưu tiên lĩnh vực nào DN trong nước chưa làm được hoặc khó làm, trong khi nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ cực kỳ tiên tiến và phải yêu cầu chuyển giao công nghệ. Trước đây, chúng ta ưu đãi thuế lên đến 13 năm, cần phải thu hẹp lại và đặt điều kiện cho nhà đầu tư, hết thời gian ưu đãi nhưng không thực hiện đúng cam kết phải có chế tài, không ưu đãi tràn lan.

Một vấn đề khác đáng lưu ý là nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hình thức khai thuế thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết (APA). Thỏa thuận này được thiết lập trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan thuế và DN đầu tư vào nước sở tại và có mối quan hệ liên kết với các DN khác, tức là DN phải nộp thuế theo mức đã thỏa thuận, bất kể lỗ hay lãi. Thách thức với chúng ta là còn thiếu CSDL để làm căn cứ thỏa thuận mức thuế phải nộp đối với DN và cũng cần phải có một cơ quan chuyên nghiệp làm việc này. Tùy từng loại hình DN có thể áp dụng được phương pháp tính thuế APA nhưng cũng phải làm để rút kinh nghiệm. Cùng với đó là giải quyết các vấn đề mâu thuẫn nội tại của chính chúng ta. Thí dụ, ngay trong ngành tài chính, cơ quan hải quan muốn xác định giá cao để thu thuế xuất nhập khẩu nhưng khi đó thu thuế nội địa sẽ bị ảnh hưởng vì DN hạch toán hết vào giá thành, không thu được thuế nội địa. Nên phải có sự thống nhất, phải giải quyết được tất cả mối quan hệ hài hòa giữa các cơ quan, bảo đảm xác định hợp lý.

- Như vậy có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư không, thưa ông?

- Tôi cho rằng đó không phải vấn đề đáng quan ngại. Thông điệp của Bộ Chính trị khẳng định nhất quán: Khu vực FDI là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhưng cũng phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu hút FDI nhằm kiểm soát chặt chẽ và minh bạch để nhà đầu tư tuân thủ, đã vào thì phải chấp nhận luật chơi.

- Xin cảm ơn ông!

Sớm ban hành luật chống chuyển giá ảnh 1