Sẵn sàng vươn lên vị trí số một về xuất khẩu gạo

Mới đây Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã đóng lô gạo đầu tiên, xuất khẩu đi Liên hiệp châu Âu (EU) với thuế suất 0%. Đây được coi là dấu mốc đối với hạt gạo của Việt Nam khi từng bước xác lập thương hiệu tại một thị trường tiềm năng nhưng cũng vô cùng khó tính.

Lô gạo đầu tiên của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) xuất khẩu sang EU với thuế suất 0%.
Lô gạo đầu tiên của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) xuất khẩu sang EU với thuế suất 0%.

Đánh dấu sự kiện mới
 
 Ngày 1-8-2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Tin vui là, ngay những ngày cuối của tháng 8, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) đã giao sáu container với khoảng 150 tấn gạo, gồm hai chủng loại gạo thơm là ST20 (gạo 5% tấm) với giá hơn 1.000 USD/tấn và Jasmine với giá 600 USD/tấn. Ba khách hàng nhập khẩu gạo của công ty đều thuộc EU với tổng hợp đồng lên đến 3.000 tấn. Trước đó vào thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực, gạo Jasmine chỉ có giá 520 USD/tấn, và gạo ST20 giá 800 USD/tấn. “Sự kiện này rất có ý nghĩa, chứng minh phẩm cấp của gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh ở phân khúc cao cấp. Chuyến hàng đầu tiên này góp phần mở ra cơ hội cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp cận một trong những hiệp định thương mại được kỳ vọng nhất hiện nay”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An cho biết.
 
 Nhưng để trở thành DN tiên phong xuất khẩu vào EU, Trung An đã có sự chuẩn bị khá bài bản từ nhiều năm qua. Bước đi quan trọng nhất là liên kết với nông dân sản xuất khoảng 7.000 ha lúa (khoảng 150 nghìn tấn gạo) theo các quy trình an toàn, đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu. Theo ông Phạm Thái Bình, trong năm 2020, công ty sẽ phấn đấu đạt ngưỡng xuất khẩu 80 nghìn tấn gạo thơm, phẩm cấp cao. Giá gạo thơm xuất khẩu của Trung An hiện nay được xem là mơ ước của nhiều DN khi đạt mức giá bình quân 700-900 USD/tấn, trong đó gạo xuất khẩu sang Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ… có giá cao nhất lên 1.500 USD/tấn.
 
 Trong khoảng 10 năm qua, nhiều DN xuất khẩu gạo Việt Nam đã xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều cánh đồng lớn đáp ứng theo yêu cầu khách hàng từ các thị trường nhập khẩu. Cùng lúc này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo, đạt giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng hơn 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
 
 Thời điểm những ngày cuối tháng 8-2020, giá lúa tăng lên khoảng 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Đáng chú ý, nhiều nông dân và vựa lúa có khả năng trữ lúa đã trúng lớn khi trữ lúa thơm Jasmine 85, vì giá lúa đã vọt tăng từ 7.500 đồng lên 8.200 đồng/kg. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang tốt, cụ thể giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 480 - 490 USD/tấn, tăng 2 - 3 USD/tấn so với hồi đầu tháng. Lý do là, bước vào cuối vụ thu hoạch lúa hè - thu, nguồn cung đang mỏng và thương lái trong nước tăng cường mua vào thời gian gần đây.
 
 Nhiều chuyên gia lúa gạo dự báo, với sự tăng trưởng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu, Việt Nam có khả năng vượt Thái-lan vươn lên vị trí xuất khẩu gạo số một thế giới ngay trong năm 2020!
 
 Xây dựng vùng nguyên liệu an toàn
 
 Theo kỹ sư Hồ Quang Cua (người có công lai tạo giống lúa ST), từ khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, xu hướng sử dụng gạo có thương hiệu ở Việt Nam tăng lên và khả năng xuất khẩu gạo an toàn sang thị trường Mỹ cũng rộng mở. Hiện giống lúa ST24 và ST25 đã có sự chuyển đổi phù hợp ứng phó với mặn xâm nhập, và hai giống lúa này đang là sự lựa chọn khôn ngoan của hàng nghìn nông dân vùng bán đảo Cà Mau. Theo ông Trương Văn Chệt, ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), để trồng một ha lúa ST24 theo hướng hữu cơ, ngoài giảm chi phí từ 2,5 đến 3,6 triệu đồng/ha (tùy vụ), còn cần giảm chi phí đầu tư trong suốt mùa vụ sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cải thiện cả năng suất lúa lẫn chất lượng đất, giúp hạt lúa sáng, chắc, no… Đặc biệt, điều người nông dân an tâm nhất là DN bao tiêu luôn đầu ra sau thu hoạch.
 
 Về cơ hội thị trường nội địa, giá gạo ST25, ST24 đang ở ngưỡng 30 nghìn đồng/kg (quy ra hơn 1.300 USD/tấn) và chất lượng gạo ST24, ST25 đã được khẳng định. Nếu xây dựng được vùng nguyên liệu, gắn với quy trình sản xuất an toàn, giá trị của hạt gạo Việt Nam sẽ còn được nâng cao và thương hiệu gạo Việt Nam còn nổi tiếng hơn nữa. Do đó cần xây dựng sản xuất lúa thơm ST ở vùng lúa-tôm của cả bán đảo Cà Mau. “Đây sẽ là một vùng được định danh trên bản đồ sản xuất gạo thế giới, bởi cơ sở của việc này là ở khả năng xuất khẩu gạo an toàn sang thị trường Mỹ và châu Âu rất dễ dàng. Từ đó chúng tôi đề xuất sản xuất lúa thơm ở vùng lúa tôm này theo hướng an toàn, chất lượng...”, kỹ sư Hồ Quang Cua đề xuất.
 
 Dưới góc độ của DN, Giám đốc Công ty Trung An Phạm Thái Bình cho biết, phía công ty đang nỗ lực thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo theo các quy trình an toàn thực phẩm tiên tiến đáp ứng nhu cầu từ các thị trường khó tính. Bởi hiện nay, các DN không cần chính sách ưu đãi mà chỉ cần cơ chế chính sách để DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng giúp mở rộng quy mô liên kết với nông dân sản xuất lúa từ 7.000 ha hiện nay lên khoảng 20 nghìn ha trong vài năm tới. “Có thể nói, khi gạo Việt Nam chính thức bước vào thị trường EU sẽ tạo thêm động lực kích hoạt thị trường các nước nhập khẩu gạo Việt sắp tới phát triển tốt hơn. Đặc biệt khách hàng sẽ đánh giá, nhìn nhận chất lượng gạo Việt Nam tốt hơn, có khả năng cạnh tranh vào thị trường gạo cao cấp”, ông Bình khẳng định.
 
 Cơ hội đang mở ra với hạt gạo Việt, vấn đề là chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ sự liên kết giữa DN và nông dân tạo ra vùng gạo có tiếng trên thế giới như mong muốn của kỹ sư Hồ Quang Cua.
 
 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ năm 1989 đến 2017, Việt Nam xuất khẩu được 121,62 triệu tấn gạo, trong đó EU chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn là 2,16%, tức là vào khoảng 2,63 triệu tấn, chưa bằng một nửa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong một năm ở thời điểm hiện nay (Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2020).