Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:

Quy mô lớn kèm thách thức lớn

Sau rất nhiều nỗ lực, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 10. Kỳ vọng lớn của Đảng, Chính phủ và người dân đối với Ủy ban đang tạo ra áp lực đòi hỏi cơ quan này phải nhận diện và vượt qua được nhiều thách thức.

Lo ngại sự tầng nấc, chồng chéo trong trách nhiệm quản lý là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban. Ảnh: AN KHÁNH
Lo ngại sự tầng nấc, chồng chéo trong trách nhiệm quản lý là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban. Ảnh: AN KHÁNH

Thách thức năng lực kỹ trị

Quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được thực hiện hơn 20 năm nay đang đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước và quản lý hành chính, hạn chế tình trạng các cơ quan nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi”, can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp (DN). Cải thiện hoạt động quản trị của các DNNN, góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động của khu vực DN này được coi là một chìa khóa cho việc khơi thông, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Tính toán của chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho thấy, nếu nâng được lợi nhuận của khu vực DNNN thêm 0,5%, có thể tăng được 1% GDP.

Khác với các cơ quan quản lý nhà nước mang tính hành chính, hoạt động của Ủy ban mang tính “kỹ trị” đòi hỏi khả năng chuyên môn, hiểu biết sâu về các lĩnh vực, ngành nghề, đồng thời lại có tính bao quát, nắm bắt được các xu hướng hiện đại trong khu vực và trên thế giới, năng lực quản trị chuyên nghiệp và cả chuyên biệt… Thiếu năng lực chuyên môn trong các lĩnh vực, rất khó để Ủy ban tham gia sâu trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DNNN, cũng như những đầu việc quan trọng khác như huy động vốn, đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản...

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định về chức năng, hoạt động của Ủy ban với 7 lần dự thảo, nhìn nhận, việc áp dụng thang bậc lương dành cho các cơ quan nhà nước (tuy đã được nâng cấp tương đương cấp bộ) sẽ khó tạo được sức hấp dẫn trong tuyển dụng đội ngũ nhân sự bảo đảm yêu cầu đủ trình độ quản trị DN và quản lý vốn theo các chuẩn mực tiên tiến. Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long còn e ngại, phải rất cẩn trọng trong công tác cán bộ vì khi quyền lực rất lớn, ranh giới về sự công tâm là vô cùng mong manh. Cuộc chiến với giấy phép con, với những lời gửi gắm làm ăn và tham nhũng vặt tại các cơ quan hành chính, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN đang rất gian nan đã cho thấy điều đó.

Thách thức về tính minh bạch, công tâm

Có thể thấy, một trong những vấn đề nan giải mà Ủy ban phải giải quyết là phân định chức năng kinh doanh và chức năng công ích mà DNNN lâu nay vẫn phải gánh vác. Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một trong những tập đoàn sẽ chuyển giao về Ủy ban đề xuất, bên cạnh mục tiêu hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, mục tiêu thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng thời kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước của DNNN cần được nghiên cứu, xem xét để bảo đảm sẽ không bị ảnh hưởng khi chuyển giao.

Tuy nhiên, không phải chỉ khi chuyển giao mà ngay trong hoạt động hằng ngày của các DNNN, liệu có luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu về tính hiệu quả, lợi nhuận như các tập đoàn kinh tế tư nhân được không? Đây chính là yếu tố gây khó trong các quyết định của Ủy ban.

Ủy ban Quản lý vốn của Trung Quốc (SASAC) cũng đang phải tìm cách giải quyết thách thức này. Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tái cơ cấu lại SASAC theo hướng tách biệt hai chức năng quản lý vốn nhà nước và chức năng quản trị DN, thông qua hai mô hình công ty đầu tư vốn nhà nước trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại và công ty điều hành vốn nhà nước trong các lĩnh vực công ích và an ninh quốc phòng. Các DNNN sẽ được chia thành hai nhóm: (i) Nhóm các DN vì mục tiêu công ích, an ninh quốc phòng (các công ty điều hành vốn nhà nước); (ii) Nhóm các DN hoạt động trên nguyên tắc thị trường và vì mục tiêu kinh doanh thương mại thuần túy, từ đó gia tăng vốn nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế (các công ty đầu tư vốn nhà nước), sẽ vận hành theo mô hình tương tự như Temasek của Xin-ga-po, sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh nhiều hơn. Đây là một phương thức để tách rời các mục tiêu chính trị và kinh doanh.

Một thách thức khác mà không ít DNNN thực hiện tách bạch quản lý vốn lo ngại là sự chồng chéo, tầng nấc trong báo cáo, xin ý kiến, chờ đợi phê duyệt mang tính quan liêu. Có lẽ lường trước vấn đề này mà EVN đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn nhằm quy định rõ mối quan hệ giữa Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DNNN; bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng của các DN thuộc diện chuyển giao về Ủy ban không bị ảnh hưởng, tránh việc chồng chéo, tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý các DN. “Triển khai một dự án mới, DN phải xin ý kiến Ủy ban, liệu có tiếp tục phải xin ý kiến bộ chuyên ngành nữa hay không? Cứ tầng nấc báo cáo thì cơ hội sẽ nhanh chóng trôi qua”, lãnh đạo một tập đoàn nhà nước băn khoăn đặt câu hỏi.

Cũng có những e ngại về vai trò, nhiệm vụ của Ủy ban như là một Hội đồng thành viên cho tất cả các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty do Ủy ban quản lý, khác với SCIC hoạt động theo mô hình DN và chỉ là một cổ đông nhà nước, có những cổ đông khác đối trọng trên thị trường, Ủy ban là cơ quan hành chính nhà nước nên không chịu các ràng buộc về công khai, minh bạch trong điều hành sản xuất, kinh doanh của DN, đây là nguy cơ tạo môi trường, cơ hội cho lợi ích nhóm, cho sự lãng phí, tham nhũng xuất hiện trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước (SASAC) của Trung Quốc đã mắc phải căn bệnh trầm kha này giai đoạn trước 2015 buộc Trung Quốc phải tái cơ cấu lại thông qua mô hình thành lập các công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Sẽ có rất nhiều khó khăn thách thức mà Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải vượt qua để chứng minh sự hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ và người dân. Nhưng nếu không mạnh dạn, không bản lĩnh, sẽ không có kết quả như mong đợi, nói như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, phải nhanh chóng bắt tay vào làm, thật quyết liệt, vừa làm vừa đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.