Phụ thuộc FDI, tăng trưởng xuất khẩu thiếu bền vững

Năm 2017, lần đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng 2,21 lần so với năm đầu thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020. Tuy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm, nhưng sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong nước vào kim ngạch xuất khẩu lại tỷ lệ nghịch với quy mô tăng trưởng.

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản cần chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi.
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản cần chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi.

Dựa mạnh vào nhóm hàng điện tử

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2007, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 42,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đến năm 2016 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 28,5%. Trong khi đó, tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 57,2% năm 2007 lên 71,5% năm 2016. Cái bóng của FDI trong xuất khẩu ngày càng lớn hơn vì chiếm đến 72,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 214 tỷ USD đạt được năm 2017. Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm tỷ trọng 27,4%.

Bộ Công thương nhận định, các chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất đem lại kết quả tốt nhưng cũng thể hiện việc xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối doanh nghiệp này. Điều đó không chỉ khiến xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng - trở nên nhạy cảm và bấp bênh hơn trước những biến động của kinh tế thế giới, mà giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu Việt Nam thu được rất thấp.

Tại hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục cảnh báo về sự phụ thuộc này. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khối FDI vẫn chiếm hơn 70% xuất khẩu. Điều này tạo ra tính bất ổn đối với việc xuất khẩu do sản xuất và xuất hàng đi của khối FDI phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Mỗi khi có biến động xảy ra với chuỗi cung ứng, thí dụ như chiến tranh thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh hơn.

Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đã chuyển từ xu hướng dựa vào dầu thô sang tập trung vào hàng điện tử (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại và linh kiện đạt 45,25 tỷ USD, tăng 31,9%; máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,8%. Nhóm hàng này đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Vướng rào cản bảo hộ

Bước qua quý I tiếp tục có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Bộ Công thương đã đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể sẽ đạt 235,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Nhưng một khó khăn mới nảy sinh đối với xuất khẩu của Việt Nam. “Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảnh báo.

Quả vậy, lần đầu sau rất nhiều năm, Mỹ áp dụng lại biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với sản phẩm máy giặt). Thậm chí, Mỹ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được nước này công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế “chống lẩn tránh” vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định: Sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước, kể cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu (EU) bằng việc đưa ra các rào cản kỹ thuật, thương mại và ngày càng có xu hướng gia tăng sẽ gây khó cho xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đối tác như Trung Quốc, EU, cùng với việc Mỹ và đồng minh tấn công Sirya, có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Dốc sức cho DN trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không có nước nào trên thế giới công nghiệp hóa thành công mà không qua xuất khẩu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Coi đó là hướng đi của Việt Nam để công nghiệp hóa thành công, nâng cao thu nhập, tạo thặng dư và giữ đà tăng trưởng bền vững.

Nhấn mạnh đến yêu cầu tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc giảm chi phí cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Chi phí vốn, chi phí thủ tục, chi phí tiền lương và đặc biệt chi phí không chính thức còn quá lớn. Những chi phí này không giảm được thì rất khó. “Một đất nước xuất khẩu mà chi phí quá lớn thì làm sao cạnh tranh được. Cơ bản sản phẩm của Việt Nam là tốt thì mới xuất khẩu được như vậy, nhưng đâu đó vẫn còn những con sâu làm ảnh hưởng đến hình ảnh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu năm 2018, Bộ Công thương đề ra ba nhóm giải pháp lớn, chủ yếu hướng vào khối doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là nhóm giải pháp tác động về phía cung; nhóm giải pháp tác động về phía cầu và nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức sản xuất, kết nối giữa cung và cầu.

Xét đến cùng, hóa giải nghịch lý trong xuất khẩu không phải là kéo giảm sức cạnh tranh của khu vực FDI mà phải tìm cách nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước. Mà muốn vậy, một lần nữa vai trò kiến tạo của Nhà nước đi đôi với sự tự cường của doanh nghiệp luôn là hai mặt không thể tách rời!

Năm 2017, có thêm bốn mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, đưa một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD tăng lên 29 mặt hàng.