Phép thử với nông sản

Thương mại của lĩnh vực nông lâm thủy sản (NLTS) giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (nCoV) vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, sức ép tìm kiếm khả năng ứng phó với Covid-19 có thể giúp ngành nông nghiệp hóa giải những hạn chế còn tồn tại bấy lâu.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trước khi bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: ANH SƠN
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trước khi bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: ANH SƠN

Thị trường chịu tác động kép

Một báo cáo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra những ngày đầu của tháng 2 cho thấy, mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, dưa hấu sẽ gặp khó khăn khi mà thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Covid-19. Báo cáo này cho rằng, xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam sẽ khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ.

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa do mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10 vừa qua, nên xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Một mặt hàng chủ lực khác là thủy sản, tuy được xác định là có triển vọng, nhưng trong quý I này, việc tạm ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến cho thời điểm giao hàng chưa thể xác định được.

Điều đáng nói, tình trạng hạn chế giao thông không chỉ cản trở hoạt động giao thương thông thường mà còn ảnh hưởng đến quá trình đàm phán mở rộng xuất khẩu giữa hai quốc gia. Theo kế hoạch, tháng 3 tới, Bộ NN&PTNT dự định làm việc với các đoàn công tác phía Trung Quốc nhằm hoàn tất báo cáo mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến, xuất khẩu bột cá, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị phía Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, vào thời điểm này, kế hoạch đó khó triển khai.

Nhận định về triển vọng thị trường sẽ thế nào khi giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, TS Đặng Kim Sơn đã dùng từ “nghẽn” để mô tả. “Quả vậy, một khi năng lực chế biến sâu của một số ngành hàng NLTS còn chưa đáp ứng kịp thời việc tập trung thu mua chế biến các sản phẩm nông sản trong nước, thị trường sẽ còn chịu “tác động kép” từ việc suy giảm sức cầu nói chung và kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không kịp thay đổi để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này”, ông Sơn phân tích.

Trước những tác động từ dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT đã sớm đưa ra gói giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường ngay từ đầu năm 2020. Trong tháng 2 và tháng 3 tới, Bộ NN&PTNT tổ chức các đoàn đi khai thác các địa bàn trọng điểm, tiềm năng như Trung Đông, Bra-xin, Mỹ… kết hợp tìm kiếm thị trường ngách cho NLTS Việt Nam.

Trong trường hợp dịch kéo dài nhiều tháng, sẽ kết nối để đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn đi đôi với khuyến khích các DN đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Trên thực tế, những ngày qua, người tiêu dùng trong nước đã rất có ý thức khi chủ động tham gia vào quá trình “giải cứu” nông sản. Điều đó cho thấy, trước dịch bệnh ý thức của người dân đồng hành với nông dân không chỉ giảm áp lực mất cân đối cung - cầu mà còn cho thấy sức mạnh của thị trường trong nước. Nhưng xét dài hạn, không thể mãi trông chờ vào giải cứu mà cần đến sự nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương...

Những điểm yếu cố hữu

Cần phải nhắc lại, ngay cả khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT đã đưa ra dự báo, năm 2020 sẽ là một năm đầy khó khăn bởi những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp. Đó là những vấn đề đặt ra cho việc tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi hay vấn đề hạn hán sông Mê Công nghiêm trọng tác động sâu sắc đến nông nghiệp… “Dịch Covid-19 nổi lên tạm thời đang che mờ những tác động này, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn phải giải được bài toán bất cập trong phát triển bấy lâu”, TS Sơn lưu ý. Ở góc nhìn của người làm trực tiếp, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico, thậm chí còn đưa ra con số ấn tượng hơn khi cho rằng, nếu không có dịch bệnh này, chỉ một đến hai tháng tới, chúng ta cũng vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong xuất khẩu bởi hàng hóa không đáp ứng các yêu cầu của phía nhập khẩu. Lý do là bởi chúng ta vẫn giẫm chân tại chỗ trong việc xây dựng và thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc dù phía Trung Quốc đã thông báo từ hai năm trước. “DN đang mong mỏi sớm có chính sách một cách rõ ràng để hỗ trợ xuất khẩu nông nghiệp”, bà Thực đề nghị.

Nếu giải quyết được vấn đề một cách căn cơ trong lĩnh vực chính sách, các DN sẽ dám và có khả năng đầu tư vào nông nghiệp sạch và chế biến sâu, điều đó sẽ giải quyết được vấn đề cốt yếu về gia tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ở thị trường nào cũng vậy, chỉ khi nắm giữ được thị phần lớn, hàng nông sản Việt Nam mới ở thế chủ động, thoát cảnh chờ giải cứu và không còn phụ thuộc đầu ra vào thương lái nước ngoài “đến nhà chúng ta mua mang đi”.

Chính phủ đang cho thấy những nỗ lực trong khai phá thị trường mới thông qua đàm phán, ký kết những hiệp định thương mại… Các DN cũng đã chủ động nâng cao năng lực và dám đầu tư phát triển bền vững… Nhưng cả hai điều đó vẫn là chưa đủ nếu như cả bộ máy không vận hành cùng một nhịp để kịp thời đưa ra cơ chế chính sách mang tính chất kích cầu, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng… Bài học về việc hai năm vẫn chưa có được quy định truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản làm khó cho xuất khẩu vẫn còn đó!

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế vào chiều 12-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và cần đặt mục tiêu tái cơ cấu, hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đề nghị nghiên cứu ngay trong tháng 2 một số gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Bộ Tài chính được đề nghị có giải pháp hỗ trợ thuế như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu, giảm giá thuê đất, mặt bằng... đối với nhóm chịu tác động là DNNVV, DN logistics, bán lẻ, DN dịch vụ, du lịch... Bên cạnh đó, tiếp tục phải bảo đảm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho DN thông qua hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho đối tượng đang phải ngừng sản xuất... Một số dự án hạ tầng BOT cần chuyển đổi hình thức đầu tư để vừa kích cầu đầu tư công thời kỳ “hậu dịch Covid-19, vừa ổn định vĩ mô và giúp Việt Nam sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.